14:53 28/11/2022

Kinh tế Trung Quốc “còng lưng” gánh Zero-Covid

An Huy

Ngay cả khi Zero-Covid được gỡ bỏ, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới vẫn phải vượt qua một số trở ngại trước khi có thể phục hồi thực sự...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2023 sẽ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào việc liệu nước này có chấm dứt chính sách chống dịch hà khắc mang tên Zero-Covid hay không và chấm dứt như thế nào. Giới chuyên gia cho rằng ngay cả khi Zero-Covid được gỡ bỏ, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới vẫn phải vượt qua một số trở ngại trước khi có thể phục hồi thực sự.

Đến hiện tại, các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, xét nghiệm trên diện rộng và cách ly - ba trụ cột của Zero-Covid, tiếp tục gây áp lực lên đời sống của người dân, hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp cũng như ngân sách của các chính quyền địa phương Trung Quốc. Dù vậy, phần lớn các chuyên gia đều chung nhận định Trung Quốc sẽ không hoàn toàn mở cửa trở lại trước tháng 3 năm tới - thời điểm nước này hoàn tất cuộc điều chỉnh nhân sự sau Đại hội Đảng.

“Trong bối cảnh chính sách Zero-Covid, tất cả các chính sách khác nhằm kích thích nền kinh tế đều không thể phát huy tác dụng”, ông Lu Ting, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Nomura, nhận định.

Ông Lu Ting dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,3% trong năm 2023, đồng thời khuyên nhà đầu tư không nên kỳ vọng vào một sự phục hồi kinh tế nhanh chóng cho dù trong quý 1/2023 Trung Quốc có thể dần nới các hạn chế để tiến tới mở cửa hoàn toàn vào cuối quý.

“Nếu số ca nhiễm tăng vọt, đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào hệ thống y tế và toàn bộ xã hội. Sự lây nhiễm trên quy mô lớn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đối với cả tiêu dùng, sản xuất và logistics”, ông Lu cảnh báo về những gì có thể xảy ra một khi Trung Quốc dỡ Zero-Covid.

Vị chuyên gia này cho rằng sự phục hồi tiêu dùng, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ - lợi ích lớn nhất từ việc mở cửa trở lại - chỉ có thể trở thành hiện thực trong quý 3 hoặc quý 4 năm tới.

HAI NỬA CỦA NỀN KINH TẾ TRONG NĂM 2023

Các chuyên gia của Ngân hàng Goldman Sachs đưa ra khả năng 60% Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại vào quý 2/2023 và khả năng 30% cho một cuộc mở cửa trở lại sớm hơn.  “Nền kinh tế Trung Quốc có thể xuất hiện tình trạng hai nửa riêng biệt trong năm tới. Ở giai đoạn đầu khi mới mở cửa trở lại, tăng trưởng sẽ gặp khó khăn do số ca nhiễm tăng mạnh và hoạt động đi lại của người dân tạm thời suy giảm, tương tự như những gì đã xảy ra ở một số nền kinh tế Đông Á khác”, một báo cáo của Goldman Sachs nhận định.

Các chuyên gia của ngân hàng Mỹ này dự báo đầu tư ở Trung Quốc sẽ giữ vững trong nửa đầu năm 2023, còn tiêu dùng và dịch vụ sẽ trở thành những đầu tàu kinh tế chủ lực trong nửa sau của năm và tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này cả năm sẽ đạt 4,5%.

Quý 3 năm nay, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi chỉ tăng 0,4% trong quý 2.

Chuyên gia kinh tế trưởng Zhang Zhiwei của Pinpoint Asset Management nói rằng các chuyên gia phân tích đều có chung quan điểm rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ yếu đi trong nửa đầu năm sau trước khi ổn định trở lại trong nửa cuối năm, nhưng sự bấp bênh là rất lớn.

“Nếu việc rút khỏi Zero-Covid diễn ra tương đối chậm chạp hoặc chính sách thiếu dứt khoát, sẽ có một dấu hỏi lớn được đặt ra về việc liệu nền kinh tế có thể phục hồi trong nửa sau của năm 2023 hay không”, ông Zhang nói.

Cho tới thời điểm hiện tại, Chính phủ Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ dấu hiệu chính thức nào về thời điểm chấm dứt Zero-Covid hay liệu có chấm dứt chiến lược chống dịch này hay không.

Dù vậy, ngay trong tháng 11 này, Bắc Kinh đã tuyên bố nới lỏng một chút các hạn chế và ngay lập tức thị trường tài chính Trung Quốc đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của giá các tài sản. Tuy nhiên, việc các địa phương thực hiện 20 biện pháp nới lỏng mới do Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố đã gây thất vọng, đặt ra thêm hoài nghi về khả năng sớm mở cửa trở lại thực sự.

Trong suốt một tuần qua, Trung Quốc ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày, và phong tỏa được áp dụng trở lại tại nhiều khu dân cư ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Quảng Châu. Tại Thạch Gia Trang, thành phố thủ phủ của tỉnh Hà Bắc, xét nghiệm diện rộng và phong tỏa chỉ giảm trong một tuần, rồi sau đó chính quyền lại yêu cầu người dân phải ở yên trong nhà suốt 5 ngày.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 48 phát hành ngày 28-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/27

Kinh tế Trung Quốc “còng lưng” gánh Zero-Covid - Ảnh 1