08:10 08/09/2011

Giá vàng lao dốc, vỡ bong bóng hay quy luật?

Diệp Anh

Chốt phiên 7/9, giá vàng giao tháng 12/2011 giảm mạnh 55,7 USD, tương ứng 3%, xuống 1.817,6 USD/ounce

Nhiều chuyên gia phân tích tin rằng, thị trường vàng thế giới không xuất hiện bong bóng.
Nhiều chuyên gia phân tích tin rằng, thị trường vàng thế giới không xuất hiện bong bóng.
Chốt phiên giao dịch đêm 7/9 trên thị trường New York, giá vàng tương lai sụt mạnh, khi nhà đầu tư quay sang đổ tiền vào các loại tài sản như chứng khoán, dầu mỏ, trước những tin hiệu mới đầy lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, giá vàng giao tháng 12/2011 giảm mạnh 55,7 USD, tương ứng 3%, xuống 1.817,60 USD/ounce trên sàn Comex ở New York. Đây là mức giảm theo ngày lớn nhất của vàng loại hợp đồng này trong vòng 2 tuần qua xuống mức chốt thấp nhất trong vòng 1 tuần rưỡi. Trước đó, có lúc vàng rơi 79 USD xuống dưới 1.800 USD/ounce.

Đóng cửa trước đó, tiếp nối đà giảm mạnh đêm trước của thị trường vàng New York, giá vàng châu Á trong phiên 7/9 đã giảm gần 100 USD từ mức cao kỷ lục 1.920 USD/ounce. Tính tới 13h chiều qua, giá vàng giao ngay đã giảm gần 40 USD chỉ trong vòng hai phút, sau khi giá vàng Mỹ kỳ hạn giao dịch điện tử tuột khoảng 50 USD/ounce trong 3 phút.

Giới phân tích châu Á cho rằng, giá vàng sở dĩ "lao dốc" không phanh trong phiên 7/9, là do hoạt động bán ra mang tính kỹ thuật trên thị trường giao dịch vàng chủ chốt của châu Á là Singapore và Hồng Kông, chứ không phản ánh bất kỳ một thay đổi nào về những vấn đề chủ chốt đang chi phối thị trường vàng hiện nay.

Tuy nhiên, thực tế là, giá vàng giảm sâu phiên 7/9 tại New York là bởi thị trường chứng khoán, dầu thô tăng giá mạnh, khiến nhà đầu tư bị thu hút tăng mua các loại hàng hóa này, trong bối cảnh kinh tế Mỹ, châu Âu có nhiều biến chuyển mang tính tích cực, thúc đẩy niềm tin về triển vọng phục hồi kinh tế thế giới.

Hôm qua, tại Mỹ, chốt phiên giao dịch chứng khoán 7/9, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng vọt 275,56 điểm, tương ứng 2,47%, lên 11.414,86 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 33,38 điểm, tương ứng 2,86%, lên 1.198,62 điểm. Chỉ số Nasdaq cộng 75,11 điểm, tương ứng 3,04%, lên 2.548,94 điểm.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 161,75 điểm, tương ứng 3,14%, lên 5.318,59 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến 107,54 điểm, tương ứng 3,63%, lên chốt ở 3.073,18 điểm. Trong khi, chỉ số DAX của thị trường chứng khoán Đức bật tới 211,56 điểm, tương ứng 4,07%, lên 5.405,53 điểm.

Tương tự, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương cũng phục hồi mạnh, với biên độ tăng trên 1,7%. Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng 2,2%, mạnh nhất trong gần 6 tháng qua, lên 121,71 điểm. Số mã tăng điểm vượt trội so với nhóm cổ phiếu hạ điểm, với tỷ lệ 6/1.

Trên thị trường dầu thô, chốt ngày 7/9, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 10/2011 tăng 3,32 USD, tương ứng 3,9%, lên 89,34 USD/thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New York. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu thô loại này kể từ ngày 3/8 tới nay. Hôm 3/8, dầu thô giao sau đã chốt ở mức 91,93 USD/thùng.

Các thị trường chứng khoán, dầu thô phản ứng tích cực với bài phát biểu hôm 6/9 về kế hoạch tạo công ăn việc làm của Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong đó cho biết ông Obama sẽ đề xuất "bơm" 300 tỷ USD vào nền kinh tế đang ảm đạm của nước này.

Dẫn các nguồn tin từ đảng Dân chủ của Tổng thống Obama, kênh truyền hình CNN cho biết kế hoạch trên gồm 300 tỷ USD chi tiêu mới và một khoản tương đương nhờ các khoản cắt giảm cân bằng, trong đó có việc giảm thuế tính theo bảng lương và tăng bảo hiểm thất nghiệp.

Theo kênh tin tức Bloomberg, kế hoạch bơm tiền này sẽ được triển khai dưới hình thức giảm thuế, chi phí cơ sở hạ tầng, cũng như viện trợ trực tiếp cho các chính quyền bang và địa phương. Tổng thống Obama sẽ kêu gọi bù đắp khoản chi tiêu nói trên bằng cách tăng thuế thu nhập trong các năm tiếp theo.

Ý tưởng mới nhằm tạo công ăn việc làm này của Tổng thống Obama, dự kiến được công bố tại một phiên họp chung hiếm hoi của quốc hội nước này trong ngày hôm nay (8/9), không những có ý nghĩa quyết định tới việc xốc lại nền kinh tế Mỹ mà còn cải thiện vị thế chính trị đang nhạt nhòa của ông chủ Nhà Trắng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2012.

Một yếu tố khác liên quan tới kinh tế Mỹ cũng gây áp lực giảm giá lên thị trường vàng là số liệu lạc quan từ Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM). Theo đó, chỉ số của lĩnh vực dịch vụ của nước này đã tăng từ 52,7% tháng 7/2011 lên 53,3% tháng 8/2011, trái ngược với dự báo giảm trước đó của giới chuyên gia kinh tế.

Ngoài ra, thị trường cũng chịu ảnh hưởng từ việc Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức hôm qua tuyên bố tán thành sự tham dự của nền kinh tế này vào kế hoạch cứu trợ Hy Lạp và các quốc gia thành viên nặng nợ khác của Khu vực đồng tiền chung châu Âu, mở ra cơ hội mới cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở lục địa già.

Trước đó, những đồn đoán về khả năng Chính phủ Đức bị hạn chế quyền tự quyết trong việc tham gia các gói tài chính giải cứu châu Âu đã khiến nhà đầu tư lo sợ về triển vọng lâu dài của Khu vực đồng Euro cũng như sự vỡ nợ có tính lan truyền của các quốc gia thành viên khối này.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, hiện là nguồn cung cấp tài chính quan trọng cho các kế hoạch cứu trợ dành cho Hy Lạp và nhiều nước châu Âu khác đang ngập đầu trong nợ nần. Nếu bị hạn chế tham gia các chương trình này, nguồn cung tài chính sẽ bị thiếu hụt một phần lớn, từ đó tác động xấu tới tương lai của toàn khu vực.

Tuy nhiên, chiến lược gia cao cấp Adam Klopfenstein của hãng MF Global ở Chicago, cho rằng, "mức giá dưới 1.800 USD đã không kéo dài lâu, trong khi xu hướng tăng giá của vàng vẫn còn tồn tại. Theo ông, mặc dù chứng khoán thế giới tăng mạnh, khiến nhu cầu vàng giảm sút, nhưng đó chỉ là với những nhà đầu tư lướt sóng, chứ không phải các nhà đầu cơ dài hạn.

Gói cứu trợ thị trường việc làm trị giá 300 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ là "một tiếng nổ nhỏ" so với mức thâm hụt ngân sách hàng nghìn tỷ USD của Mỹ, và câu hỏi vẫn là số tiền đó sẽ từ đâu mà ra, Klopfenstein cho biết thêm.

Thêm vào đó, một kế hoạch như vậy nhiều khả năng sẽ đối mặt với sự phản đối dữ dội của các đối thủ Cộng hòa, những người vốn cương quyết bác bỏ mọi biện pháp mới nhằm tăng thuế thu nhập, khẳng định cùng cắt giảm thuế và chi tiêu sẽ giúp tạo việc làm và giảm nợ.

Còn theo chiến lược gia thị trường Matt Zeman của hãng tài chính Kingsview ở Chicago, nhà đầu cơ vàng sẽ sớm trở lại thị trường, xu hướng đầu tư trở lại thị trường cổ phiếu có nhưng sẽ không kéo dài lâu.

Thêm vào đó, nhà đầu tư vàng vẫn đang xem trọng quyết định của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ hôm 6/9 về việc xác định tỷ giá giao dịch sàn giữa đồng Franc Thụy Sỹ với Euro. Động thái này được nhiều nhà phân tích đánh giá là xung lực hỗ trợ giá vàng trong dài hạn.

Ngân hàng Thụy Sỹ còn tuyên bố sẽ mua không hạn chế ngoại tệ, nếu thấy cần thiết, để đảm bảo đồng Euro không giao dịch dưới 1,2 Franc Thụy Sỹ, từ đó làm đồng Franc mất vị thế "thiên đường đầu tư". Điều này sẽ làm tăng thêm sức hấp dẫn của vàng như vịnh tránh bão an toàn trong bối cảnh thị trường đang có nhiều bất ổn như hiện nay.

Trong một diễn biến khác, tỷ phú Mỹ George Soros cho rằng, “cuộc khủng hoảng hiện nay có thể sẽ còn tồi tệ hơn so với thời kỳ đổ vỡ ngân hàng Lehman Brothers". Theo ông, châu Âu đang thiếu một tổ chức toàn diện để giải quyết cuộc khủng hoảng ngân hàng, do vậy mọi chuyện trở nên tồi tệ.

Tỷ phú Soros cho rằng, tình hình biến động tại lục địa già có thể nhanh chóng lan rộng khắp Đại Tây Dương, bởi bản chất liên kết chặt chẽ của hệ thống tài chính toàn cầu. Ngoài ra, cơn biến động này có thể sẽ phá hủy nhiều nền kinh tế vốn đã gặp phải nhiều khó khăn từ trước.