10:20 12/04/2022

Giá vàng miếng hướng tới mốc 70 triệu đồng/lượng

Điệp Vũ

Giá vàng thế giới duy trì xu hướng tăng, đưa giá vàng miếng trong nước sáng nay (12/4) tiến gần hơn tới mốc 70 triệu đồng/lượng...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 69 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,65 triệu đồng/lượng (bán ra). So với trước nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng tương ứng 350.000 đồng/lượng và 250.000 đồng/lượng.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 55,3 triệu đồng/lượng và 56,2 triệu đồng/lượng, tăng 350.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với trước nghỉ lễ.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 69 triệu đồng/lượng và 69,65 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 300.000 đồng/lượng và 150.000 đồng/lượng.

Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng SJC đang co hẹp lại, về mức phổ biến 650.000-700.000 đồng/lượng, từ mức chênh hàng triệu đồng mỗi lượng khi giá vàng biến động mạnh trong tháng 3 vừa qua. Sự co hẹp của chênh lệch giữa hai đầu giá cho thấy thị trường đang đi vào ổn định và thiết lập một mặt bằng giá mới.

Tuy nhiên, so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng vẫn đang giữ mức chênh lệch “khủng”. Sáng nay, khoảng cách giữa giá vàng SJC bán lẻ với giá vàng thế giới quy đổi là 15,4 triệu đồng/lượng.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 10h trưa theo giờ Việt Nam đứng ở 1.957,9 USD/oz, tăng 2,8 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương 54,25 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.

Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 22.735 đồng và 23.015 đồng, tương ứng giá mua và bán.

Trong phiên Mỹ ngày thứ Hai, giá vàng giao ngay tăng 7,4 USD/oz, tương đương tăng 0,4%, chốt ở 1.955,1 USD/oz.

Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: TradingView.
Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: TradingView.

Giá vàng đang chịu áp lực giảm từ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD cùng tăng cũng đặt ra sức ép giảm không hề nhỏ đối với giá kim loại quý này.

Phát biểu ngày 11/4, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Charles Evans phát tín hiệu rằng ông sẽ không phản đối việc nâng lãi suất lên ngưỡng trung tính (neutral – mức lãi suất về lý thuyết không gây trở ngại hay có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế). Việc này đòi hỏi Fed phải có một vài lần nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm trong năm nay.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vượt mốc 2,79% trong phiên đầu tuần, mức cao nhất kể từ năm 2019. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD sáng nay giữ trên mốc 100 điểm thiết lập vào đêm qua, mức cao nhất trong vòng 2 năm.

Tuy nhiên, vàng vẫn đang hưởng lợi từ nhu cầu phòng ngừa lạm phát và rủi ro địa chính trị do chiến tranh Nga-Ukraine.

Giới đầu tư đang chờ số liệu lạm phát tháng 3 của Mỹ dự kiến công bố trong ngày thứ Ba (12/4). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được dự báo tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước – theo số liệu của Dow Jones, và đây sẽ là mức đỉnh mới của 40 năm.

“Cuộc chiến tranh ở Ukraine vẫn tiếp tục và chưa có một giải pháp rõ ràng nào. Xung đột này đang trở thành một vấn đề dài hạn”, hỗ trợ cho giá vàng – nhà phân tích Carlo Alberto De Casa của Kinesis – phát biểu trên CNBC.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng Fed có thể không quyết liệt được như dự kiến, vì việc thắt chặt quá tay sẽ kéo tụt tăng trưởng kinh tế Mỹ, thậm chí đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái.

“Câu hỏi thực sự lúc này là Fed liệu có đủ cứng rắn với các sự ép lạm phát hay không. Fed đủ cứng rắn thì thị trường vàng mới mất đi một nguồn lực hỗ trợ quan trọng”, chuyên gia David Meger của High Ridge phát biểu.

Tuần trước, giá vàng thế giới tăng gần 1,1%. Giá vàng trong nước tăng khoảng 500.000 đồng/lượng, tương đương tăng 0,7%.