Giá vàng miếng sụt gần 1 triệu đồng/lượng
Áp lực giảm lên giá vàng đang rất lớn trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra quyết định nâng lãi suất...
Giá vàng thế giới “bốc hơi” gần 3%, khiến giá vàng miếng trong nước sáng nay (14/6) sụt về mốc 68 triệu đồng/lượng. Áp lực giảm lên giá vàng đang rất lớn trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra quyết định nâng lãi suất.
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 67,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,2 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 850.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 800.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 53,7 triệu đồng/lượng và 54,45 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 67,5 triệu đồng/lượng và 68,3 triệu đồng/lượng, giảm tương ứng 650.000 đồng/lượng và 750.000 đồng/lượng.
Trong vòng 2 ngày, giá vàng miếng SJC đã giảm khoảng 1,3-1,4 triệu đồng/lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng bán lẻ đang cao hơn khoảng 16,7-16,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 10h trưa nay theo giờ Việt Nam đứng ở 1.828 USD/oz, tăng 8,3 USD/oz, tương đương tăng gần 0,5%, so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương 51,5 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Trong phiên ngày thứ Hai tại Mỹ, giá vàng giao ngay giảm 53,3 USD/oz, tương đương giảm gần 2,9%, còn 1.819,7 USD/oz.
Vàng sụt giá chóng mặt khi tỷ giá đồng USD lập đỉnh nhiều thập kỷ và giới đầu tư tính đến khả năng Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách vào ngày 14-15/6.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác sáng nay đạt hơn 105,1 điểm, từ mức 104,5 điểm vào sáng hôm qua. Trong vòng 5 phiên trở lại đây, chỉ số này tăng hơn 2,7%.
Theo hãng tin CNBC, USD đang trở thành một “hầm trú ẩn” được nhà đầu tư ưa chuộng trong bối cảnh bán tháo diễn ra ở hầu khắp các loại tài sản trên thị trường tài chính, từ cổ phiếu đến trái phiếu và tiền ảo. USD còn hưởng lợi từ ưu thế lãi suất khi thị trường đang đặt cược vào khả năng Fed có thể nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong lần họp này, thay vì tăng 0,5 điểm phần trăm như dự báo trước đó.
Trong khi đó, vàng dường như không phát huy được vai trò “vịnh tránh bão” truyền thống, chịu sức ép giảm đồng thời từ triển vọng lãi suất tăng và sức mạnh của đồng USD – vì vàng là tài sản không mang lãi suất và được định giá bằng USD.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh cũng đặt thêm áp lực giảm giá lên vàng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2020, lên mức 3,37%, cao hơn 0,21 điểm phần trăm so với phiên trước. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ 2 năm - kỳ hạn theo sát nhất các ý định của Fed – tăng 0,3 điểm phần trăm lên mức 3,34%.
“Gần như chẳng có giao dịch nào là an toàn, nên vàng cũng bị bán tháo… Đang diễn ra một cuộc điều chỉnh khổng lồ trên thị trường, và khi biến động bị đẩy lên cao, nhà đầu tư chẳng tìm thấy an toàn hay thoải mái ở đâu cả”, chiến lược gia trưởng Phillip Streible của Blue Line Futures lý giải về sự mất giá của vàng.
Biến động mạnh của giá vàng gần đây phản ánh sự giằng co của những yếu tố trái chiều. Một mặt, giá vàng được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng ngừa lạm phát cao, nhưng mặt khác lại gặp bất lợi do phản ứng chính sách của Fed với lạm phát – ngân hàng JPMorgan Chase nhận xét trong một báo cáo. Theo báo cáo này, triển vọng của giá vàng chỉ có thể sáng lên nếu có thêm nhiều dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế đuối đi dưới sức nặng của lạm phát.
Tỷ giá USD/VND trong nước sáng nay cũng tăng mạnh, phù hợp với xu hướng tăng của đồng USD trên thị trường quốc tế. Vietcombank báo giá USD ở mức 23.090 đồng (mua vào) và 23.370 đồng (bán ra), tăng 50 đồng ở cả hai đầu giá so với hôm qua.