17:20 07/03/2022

Giá vàng ở Việt Nam chênh thế giới 18 triệu đồng/lượng, ở các nước châu Á khác thế nào?

Điệp Vũ

Giá vàng thế giới chạm mốc 2.000 USD/oz, giá vàng miếng trong nước nhảy qua ngưỡng 73 triệu đồng/lượng...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới đã chạm mốc quan trọng 2.000 USD/oz vào chiều nay (7/3) theo giờ Việt Nam, khi nhu cầu phòng ngừa rủi ro của giới đầu tư toàn cầu tiếp tục lên cao trong bối cảnh xung đột vũ trang Nga-Ukraine. Trong nước, giá vàng miếng nhảy liên tục và đã vượt qua ngưỡng 73 triệu đồng/lượng.

CHÊNH GIÁ VÀNG TRONG NƯỚC-THẾ GIỚI LÊN GẦN 18 TRIỆU ĐỒNG/LƯỢNG

Lúc gần 17h chiều, giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội theo niêm yết của Tập đoàn Phú Quý là 71 triệu đồng/lượng (mua vào) và 73,2 triệu đồng/lượng (bán ra). So với thời điểm hơn 10h trưa, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng thêm 1,6 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 2,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Nếu so với cuối tuần, giá vàng miếng bán ra tại Phú Quý hiện tăng khoảng 5 triệu đồng/lượng.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá mua vào là 56,05 triệu đồng/lượng và bán ra là 57,2 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 250.000 đồng/lượng và 400.000 đồng/lượng so với buổi trưa.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 71,4 triệu đồng/lượng và 73,2 triệu đồng/lượng.

Đây là mức giá cao nhất mọi thời đại của giá vàng trong nước. Nếu so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn xấp xỉ 18 triệu đồng/lượng, trong khi giá các sản phẩm vàng 999,9 khác cao hơn khoảng 2 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giá mua-bán vàng cũng kéo căng, phổ biến khoảng 2 triệu đồng/lượng đối với vàng miếng và 1 triệu đồng/lượng đối với các sản phẩm vàng 999,9 khác.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 17h đứng ở 1.998,4 USD/oz, tăng 24,5 USD/oz, tương đương tăng hơn 1,2%, so với đóng cửa cuối tuần trước tại New York. Mức giá này tương đương 55,3 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.

Trước đó, có thời điểm giá vàng đạt 2.001,6 USD/oz, cao nhất kể từ tháng 8/2020.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) từng chia sẻ với VnEconomy về nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC có sự chênh lệch lớn so với giá vàng quốc tế.

“Chênh lệch lớn phần nào phản ánh tình trạng chênh lệch giữa nhu cầu và nguồn cung vàng tại thị trường trong nước. Nguồn cung vàng chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước, để họ đáp ứng nhu cầu của người dân và nhà đầu tư, nên giá vàng bị đẩy lên cao. Đã gần 10 năm nay các doanh nghiệp vàng không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu”, ông Long nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi cuối năm 2021.

“Giá vàng miếng SJC đã tăng cao từ 10 năm nay chứ không riêng gì năm nay, vì Ngân hàng Nhà nước không sản xuất thêm vàng miếng để tăng cung cho thị trường. Và theo quy định của Nghị định 24, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp hiện đều không được sản xuất vàng miếng”, Chủ tịch VGTA phát biểu.

GIÁ VÀNG Ở CÁC NƯỚC CHÂU Á KHÁC RA SAO?

Tại khu vực châu Á, các thị trường vàng vật chất chủ chốt đã ở trong trạng thái trầm lắng trong thời gian gần đây, khi giá vàng thế giới liên tục tăng cao khiến người dân hạn chế mua. Điều này trái ngược với nhu cầu tích trữ vàng để phòng ngừa rủi ro của các nhà đầu tư.

Theo hãng tin Reuters, trong tuần trước, giá vàng bán lẻ tại Trung Quốc dao động từ thấp hơn 2 USD/oz (khoảng 55.000 đồng/lượng) đến cao hơn 0,8 USD/oz (khoảng 22.000 đồng/lượng) so với giá vàng quốc tế.

Nhào giao dịch Peter Fung của Wing Fung Precious Metals nói rằng giá vàng tăng cao và bất ổn ở Ukraine khiến người dân ở Trung Quốc ngại mua vàng vật chất, nhưng nhu cầu có thể sớm được cải thiện.

Tại Ấn Độ, giá vàng bán lẻ trong tuần trước thấp hơn 27 USD/oz (khoảng 750.000 đồng/lượng) so với giá vàng chính thức (tính bằng giá vàng thế giới cộng thuế nhập khẩu 10,75% và thuế tiêu thụ 3%), từ chỗ chỉ thấp hơn 18 USD/oz trong tuần trước đó.

“Nhu cầu mua vàng của người tiêu dùng hiện tại gần như bằng 0”, Giám đốc Prithviraj Kothari của công ty RiddiSiddhi Bullions có trụ sở ở Mumbai nói với Reuters.

Một nhà giao dịch vàng ở Mumbai tiết lộ rằng các công ty nữ trang Ấn Độ có ý định tích trữ vàng cho mùa cưới đang tỏ ra hoài nghi về nhu cầu tiêu thụ khi giá ngày càng cao.

Tại thị trường Hồng Kông, giá vàng bán lẻ tuần trước dao động từ thấp hơn 2 USD/oz đến cao hơn 1 USD/oz so với giá quốc tế. Tại Singapore, giá vàng bán lẻ cao hơn 1,8-2,5 USD/oz so với giá thế giới.