12:09 26/08/2017

Giá vàng tăng nhẹ, USD tự do gần bằng ngân hàng

Diệp Vũ

Trái với sự mất giá của đồng USD trên thị trường quốc tế, giá USD tự do đã tăng 20 đồng trong tuần này

Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI - Nguồn: DOJI.<br>
Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI - Nguồn: DOJI.<br>
Phiên tăng nhẹ vào đêm ngày thứ Sáu của giá vàng thế giới đưa giá vàng miếng trong nước sáng thứ Bảy nhích vài chục nghìn đồng mỗi lượng. Giá USD tự do chững ở mức gần ngang với giá USD ngân hàng ở chiều bán ra.

Lúc hơn 11h trưa nay, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 36,36 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,44 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ chiều qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 60.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 40.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý của Tập đoàn Phú Quý và Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu có giá dao động từ 35,19-35,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 35,55-35,64 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty PNJ báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 36,3 triệu đồng/lượng và 36,49 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

Nhu cầu vàng nữ trang gia tăng trong mùa cưới dường như chưa tác động nhiều đến giá vàng trong nước. Giá vàng miếng tiếp tục “lình xình” quanh vùng 36,5 triệu đồng/lượng trong bối cảnh giá vàng quốc tế thiếu lực hỗ trợ để bứt phá qua ngưỡng 1.300 USD/oz.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn khoảng 1 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch này đã khá sát với mức chênh 400.000 đồng/lượng vốn được coi là “chuẩn” giữa giá vàng trong nước với thế giới.

So với thời điểm cuối tuần trước, giá vàng miếng hiện như đi ngang. Tuy nhiên, từ đầu tháng tới nay, giá vàng miếng đã tăng khoảng 200.000 đồng/lượng.

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại New York, giá vàng giao ngay tăng 5 USD/oz so với đóng cửa phiên trước, đạt mức 1.291,8 USD/oz.

Tuần này, giá vàng thế giới biến động chậm do không có yếu tố tác động mạnh. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có phần giảm nhiệt khiến lực mua vàng phòng rủi ro giảm sút. Trong khi đó, diễn biến tỷ giá đồng USD - nhích nhẹ trong suốt 4 ngày giao dịch đầu tiên của tuần trước khi sụt giảm vào ngày thứ Sáu - cũng không có ảnh hưởng nhiều đến giá vàng.

Trong bài phát biểu tại sự kiện được giới đầu tư chờ đợi nhất tuần là hội nghị thường niên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) diễn ra ở Jackson Hole vào ngày thứ Năm và thứ Sáu, Chủ tịch FED Janet Yellen không đề cập gì đến chính sách tiền tệ của Mỹ.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi, người cũng tham dự hội nghị này, cũng không bày tỏ lo ngại về đồng Euro mạnh như dự báo trước đó của thị trường. Sự im lặng về tỷ giá đồng Euro của ông Draghi được giới đầu tư xem như một tín hiệu để mua vào đồng tiền chung châu Âu.

Kết quả, tỷ giá Euro tăng mạnh so với USD, khiến chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm. Chỉ số này khép lại phiên giao dịch ngày thứ Sáu với mức giảm 0,8%, còn 92,542 điểm.

Tỷ giá Euro/USD đã đạt mức 1,1940 USD/Euro, cao nhất kể từ tháng 1/2015. Phiên này, đồng Euro tăng 1%, mức tăng cao nhất trong 2 tháng.

Từ đầu năm đến nay, Euro đã tăng giá 13% so với USD, chủ yếu do việc FED tăng chậm lãi suất và những rắc rối chính trị bủa vây chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Trong nước, tỷ giá USD/VND tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 22.740 đồng (mua vào) và 22.760 đồng (bán ra), không thay đổi so với hôm qua. Tuy nhiên, trong tuần này, giá USD tự do đã tăng 20 đồng.

So với giá USD bán ra niêm yết tại các ngân hàng thương mại, giá USD tự do đang gần ngang bằng sau một thời gian đứng thấp hơn đáng kể.

Hôm thứ Sáu, Vietcombank niêm yết giá USD tự do ở mức 22.695 đồng (mua vào) và 22.765 đồng (bán ra). Eximbank báo giá ngoại tệ này ở các mức tương ứng lần lượt là 22.680 đồng và 22.770 đồng.