Giá vàng thế giới chững lại, trong nước giảm khá
Trong nước, giá vàng miếng sáng nay (7/6) giảm 150.000-250.000 đồng/lượng, tiếp tục duy trì mốc 67 triệu đồng/lượng...
Giá vàng thế giới ít biến động trong lúc thiếu vắng những yếu tố tác động và nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ cũng như cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới. Trong nước, giá vàng miếng sáng nay (7/6) giảm 150.000-250.000 đồng/lượng, tiếp tục duy trì mốc 67 triệu đồng/lượng.
Lúc hơn 9h, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng tương ứng 100.000 đồng/lượng và 150.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá tương ứng là 55,5 triệu đồng/lượng và 56,4 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,4 triệu đồng/lượng và 67 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Giá vàng miếng đã lình xình quanh ngưỡng 67 triệu đồng/lượng suốt từ nhiều tháng nay, mặc giá vàng thế giới biến động chóng mặt trong biên độ rộng từ 1.800 USD/oz đến trên 2.000 USD/oz. Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế quy đổi vì thế liên tục co giãn.
Sáng nay, giá vàng SJC bán lẻ cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 11,4 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 11,3 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.
Lúc hơn 9h, dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco cho thấy giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở mức 1.964 USD/oz, không thay đổi với mức giá đóng cửa phiên ngày thứ Ba tại thị trường Mỹ. Mức giá này tương đương 56 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
Trong phiên New York vào đêm qua, giá vàng giao ngày tăng 1,9 USD/oz, chốt ở 1.964,6 USD/oz.
Giá vàng thế giới thu hẹp biên độ khi nhà đầu tư chờ thêm những dữ liệu mới để phán đoán xem Fed sẽ hành động như thế nào trong cuộc họp vào tuần tới. Tuần này sẽ không có nhiều số liệu quan trọng về kinh tế Mỹ được công bố, nhưng tuần tới sẽ có một báo cáo rất quan trọng là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5.
“Hiện tại không có nhân tố nào có thể khiến giá vàng bứt phá. Thị trường đang ở trong trạng thái ‘chờ xem’”, chiến lược gia trưởng Phillip Streible của Blue Line Futures nhận định với hãng tin Reuters.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 tăng, đồng loạt gây áp lực giảm giá lên vàng trong phiên ngày thứ Ba, vì vàng là tài sản định giá bằng USD và không mang lãi suất.
Sáng nay, Dollar Index dao động trên ngưỡng 104,1 điểm, từ mức 104 điểm vào sáng hôm qua.
Thị trường lãi suất tương lai đang phản ánh khả năng 80% Fed giữ nguyên lãi suất trong khoảng 5-5,25% trong cuộc họp vào ngày 13-14/6, sau 10 lần tăng liên tiếp kể từ tháng 3 năm ngoái. Khả năng Fed nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 7 là 50%.
Nhà phân tích cấp cao Craig Erlam của công ty dữ liệu Oanda nhận định rằng giá vàng đã giữ được sự ổn định tương đối sau báo cáo việc làm Mỹ công bố hôm thứ Sáu tuần trước và trước thềm cuộc họp vào tuần tới của Fed. Tuy nhiên, theo ông Erlam, còn nhiều bấp bênh xung quanh triển vọng lãi suất của Fed, vì số liệu của Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) cho thấy sự suy yếu trên diện rộng trong lĩnh vực dịch vụ.
Báo cáo CPI tháng 5 của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 13/6, chỉ một ngày trước khi Fed đưa ra quyết định lãi suất.
“Tuần tới sẽ có rất nhiều dữ liệu kinh tế có thể khiến thị trường dịch chuyển. Tôi cho rằng nhà đầu tư nên cẩn trọng”, ông Streible nói.
Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng 1,5 tấn vàng trong phiên ngày thứ Ba, giảm khối lượng nắm giữ còn 938,1 tấn vàng. Trước đó, quỹ này mua ròng 1,5 tấn vàng trong phiên ngày thứ Hai.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.320 đồng (mua vào) và 23.660 đồng (bán ra), giảm 10 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.