09:14 01/12/2014

Giá vàng thế giới lao dốc vì Thụy Sỹ

Diệp Vũ

Cử tri Thụy Sỹ không cho phép Ngân hàng Trung ương nước này (SNB) tăng nắm giữ vàng trong dự trữ ngoại hối

Biểu đồ diễn biến giá vàng giao ngay thị trường quốc tế - Nguồn: Kitco.<br>
Biểu đồ diễn biến giá vàng giao ngay thị trường quốc tế - Nguồn: Kitco.<br>
Trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày Chủ Nhật vừa rồi, các cử tri của Thụy Sỹ quyết định không cho phép Ngân hàng Trung ương nước này (SNB) tăng nắm giữ vàng trong dự trữ ngoại hối. Giá vàng thế giới ngay khi mở cửa phiên châu Á sáng nay (1/12) đã rớt thảm trước kết quả cuộc bỏ phiếu trên.

Vào lúc gần 9h theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại châu Á trên bảng giá điện tử Kitco đứng ở 1.152,1 USD/oz, giảm 38,7 USD/oz, tương đương giảm gần 3,3% so với đóng cửa cuối tuần trước tại thị trường New York.

Trước đó, theo hãng tin Reuters, giá vàng có lúc rớt xuống mức 1.142,9 USD/oz, thấp nhất trong hơn 3 tuần, giảm gần 50 USD/oz so với chốt phiên ngày thứ Sáu tại Mỹ.

Với quyết định mà cử tri Thụy Sỹ đưa ra trong cuộc bỏ phiếu vào cuối tuần, SNB không được tăng gấp đôi dự trữ vàng như đề xuất trước đó. Nếu nhận được sự đồng thuận của cử tri, SNB sẽ mua khoảng 1.500 tấn vàng trong mấy năm tới đây, tạo ra một lực hỗ trợ cho giá vàng trong bối cảnh kim loại quý này đương đầu áp lực giảm giá từ nhiều phía.

Ngoài ra, kết quả cuộc trưng cầu dân ý cũng không cho phép SNB bán vàng ra.

Không chỉ giá vàng giảm mạnh, giá bạc cũng lao dốc chóng mặt trước thông tin từ Thụy Sỹ. Giá bạc có lúc giảm hơn 6% trong phiên sáng nay, xuống 14,42 USD/oz, thấp nhất trong 5 năm.

Tuần trước, giá vàng quốc tế giảm 2,8%, đảo ngược xu thế phục hồi của 2 tuần trước đó, do chịu sức ép giảm từ đồng USD mạnh và giá dầu thô liên tục lao dốc.

Sáng nay, giá dầu thô thế giới tiếp tục lập mức đáy mới của 4 năm. Có thời điểm, giá dầu thô ngọt nhẹ giao dịch điện tử tại thị trường New York giảm hơn 2% xuống mức 64,62 USD/thùng.

Tuần trước, giá dầu thô tại New York giảm 13,5%, mạnh nhất trong vòng 2 năm rưỡi. Giá dầu thô đã giảm mạnh và liên tục trong mấy tháng gần đây do sự dư thừa nguồn cung toàn cầu trong bối cảnh các nền kinh tế đầu tàu, ngoại trừ Mỹ, rơi vào tình trạng ì ạch. Tuần trước, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác, khiến tốc độ giảm của giá dầu càng được đẩy nhanh.

Giới phân tích cho biết, giá dầu lao dốc đang làm dấy lên nỗi lo về giảm phát ở khu vực Eurozone và Nhật Bản. Trong bối cảnh này, nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ có thêm biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.

Khả năng ECB và BoJ bơm thêm tiền vào nền kinh tế đang làm lợi cho tỷ giá đồng USD so với đồng Euro và đồng Yên. USD tiếp tục mạnh lên càng gây áp lực giảm giá lớn hơn cho vàng.

Tỷ giá Euro/USD tại Tokyo sáng nay là hơn 1,24 USD/Euro, giảm nhẹ so với thứ Sáu tuần trước. Đồng USD cũng tăng giá 0,2% so với đồng Yên vào đầu phiên giao dịch, lên mức 118,81 Yên/USD.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của đồng USD, hiện đang ở mức gần 88,32, gần mức cao nhất trong 4 năm là 88,4 thiết lập cách đây 1 tuần.