11:20 25/02/2023

Giá vàng thế giới tiếp tục trượt dốc vì áp lực từ Mỹ, giá trong nước “nằm im”

Điệp Vũ

Đây là mức đáy mới của giá vàng trong vòng 8 tuần. Vàng tụt giá do chịu áp lực gia tăng đến từ số liệu lạm phát mới nhất của Mỹ...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: MarketWatch.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: MarketWatch.

Giá vàng thế giới tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (24/2), sau khi số liệu thống kê cho thấy mức lạm phát ở Mỹ trong tháng 1 cao hơn dự báo. Trong nước, giá vàng miếng sáng nay (25/2) gần như “bất động” sau khi để mất mốc 67 triệu đồng/lượng vào ngày hôm qua.

Lúc hơn 9h sáng, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,9 triệu đồng/lượng (bán ra), tương ứng giảm 50.000 đồng/lượng và đi ngang so với sáng qua.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 53,25 triệu đồng/lượng và 54,1 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với sáng qua.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,1 triệu đồng/lượng và 66,9 triệu đồng/lượng, giảm tương ứng 150.000 đồng/lượng và 50.000 đồng/lượng.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 14,6 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 14,1 triệu đồng/lượng vào sáng qua. Chênh lệch tăng như vậy cho thấy giá vàng trong nước giảm ít hơn nửa triệu đồng/lượng so với mức giảm của giá vàng quốc tế.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm tại thị trường Mỹ, giá vàng giao ngay giảm 10,7 USD/oz, tương đương giảm 0,6%, chốt ở 1.812,2 USD/oz. Mức giá này tương đương khoảng 52,3 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.

Đây là mức đáy mới của giá vàng trong vòng 8 tuần. Vàng tụt giá do chịu áp lực gia tăng đến từ số liệu lạm phát mới nhất của Mỹ.

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng - cho thấy giá cả trong tháng 1 tăng 0,6% so với tháng 12/2022 và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả hai mức tăng này đều vượt kỳ vọng của giới phân tích. Bản báo cáo làm gia tăng mối lo của thị trường vốn đã có từ trước rằng Fed có thể phải tăng lãi suất lên mức cao hơn trong thời gian lâu hơn để đưa lạm phát về mục tiêu 2%.

Kỳ vọng này đặt ra sức ép mất giá đối với vàng, vì kim loại quý này là một tài sản không mang lãi suất. Ngoài ra, đồng USD cũng tiếp tục tăng giá do kỳ vọng về chính sách thắt chặt của Fed, gây thêm áp lực đối với vàng - tài sản định giá bằng đồng USD.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tăng 0,6% trong phiên ngày thứ Sáu, chốt tuần ở mức gần 105,3 điểm, cao nhất gần 2 tháng trở lại đây.  Trong vòng 1 tháng, chỉ số này đã tăng 3,3%. Cùng với đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang tiến tới hoàn tất tuần tăng thứ 5 liên tiếp.

Diễn biến chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD trong vòng 1 năm trở lại đây - Nguồn: TradingView.
Diễn biến chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD trong vòng 1 năm trở lại đây - Nguồn: TradingView.

Nhà phân tích Edward Moya của Oanda nói rằng trong tuần tới, nhà đầu tư trên thị trường tài chính Mỹ sẽ hướng sự chú ý tới số liệu về ngành sản xuất Mỹ. “Nếu ngành sản xuất tăng tốc, đó sẽ là bằng chứng nữa cho thấy nền kinh tế không hề suy yếu. Về lý thuyết, điều đó sẽ đẩy cao hơn nữa mối lo lạm phát”, ông Moya nói và nhấn mạnh rằng điều này sẽ gây bất lợi cho giá vàng vì chừng nào lạm phát còn cao, Fed còn chưa thể dịch chuyển sang một lập trường mềm mỏng hơn.

Loạt dữ liệu gần đây cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ đang khiến giới đầu tư giảm bớt kỳ vọng vào việc Fed sẽ cắt giảm mạnh lãi suất trong năm nay. Thay vào đó, thị trường kỳ vọng bình quân lãi suất Fed sẽ đạt đỉnh 5,35% vào tháng 7 năm nay và duy trì trên 5% cho tới cuối năm.

Báo giá tại Vietcombank chốt tuần ở mức 23.630 đồng (mua vào) và 23.970 đồng (bán ra), giảm 20 đồng ở cả hai đầu giá so với sáng hôm qua.

Tuần này, giá vàng thế giới giảm 1,7% và giá vàng miếng SJC bán ra giảm 150.000-200.000 đồng/lượng, tương đương giảm khoảng 0,3%. Tỷ giá USD/VND tại Vietcombank giảm 10 đồng trong tuần, dù Dollar Index tăng 1,35%.