09:27 25/02/2023

Chứng khoán Mỹ bán tháo vì lạm phát “nóng” hơn dự báo, giá dầu tăng nhẹ

Bình Minh

Cả ba chỉ số cùng có một tuần giảm mạnh. Tính cả tuần, S&P 500 đã giảm 2,7%, tệ nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 9/12...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (25/2), hoàn tất tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu năm, sau khi thống kê cho thấy giá cả tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 1. Giá dầu tăng nhẹ khi cùng lúc bị hai yếu tố trái chiều tác động, một bên là lượng tồn kho của Mỹ tăng và một bên là Nga chuẩn bị cắt giảm đáng kể sản lượng.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 336,99 điểm, tương đương giảm 1%, còn 32.816,92 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1%, còn 3.970,04 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,7%, còn 11.394,94 điểm. Trong phiên, có lúc Dow Jones giảm tới 510 điểm, tương đương giảm 1,54%.

Cả ba chỉ số cùng có một tuần giảm mạnh. Tính cả tuần, S&P 500 đã giảm 2,7%, tệ nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 9/12. Dow Jones mất khoảng 3% trong tuần, đánh dấu tuần giảm thứ tư liên tiếp. Nasdaq trượt 3,3% cả tuần, đưa tuần này trở thành tuần giảm thứ hai của chỉ số trong vòng 3 tuần trở lại đây.

Cổ phiếu Boeing trượt hơn 4% sau khi hãng sản xuất máy bay tuyên bố tạm dừng việc giao máy bay 787 Dreamliners do vấn đề kỹ thuật ở phần thân phi cơ. Microsoft và Home Depot giảm tương ứng 2,2% và 0,9%, cũng là những cổ phiếu gây áp lực giảm lớn lên thị trường trong phiên này do tỷ trọng vốn hoá lớn.

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng - cho thấy giá cả trong tháng 1 tăng 0,6% so với tháng 12/2022 và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả hai mức tăng này đều vượt kỳ vọng của giới phân tích. Bản báo cáo làm gia tăng mối lo của thị trường vốn đã có từ trước rằng Fed có thể phải tăng lãi suất lên mức cao hơn trong thời gian lâu hơn để đưa lạm phát về mục tiêu 2%.

Chiến lược gia trưởng Liz Ann Sonders của Charles Schwab tin rằng ngoài số liệu PCE, thị trường vẫn còn đối mặt với nhiều nguồn áp lực giảm khác. “Thị trường đang gặp vấn đề không chỉ bởi lạm phát nóng hơn dự báo và mối lo Fed phải thắt chặt chính sách tiền tệ lâu hơn, mà còn bởi mức độ đầu cơ lớn của thời gian qua, tức là nguy cơ có bong bóng. Thị trường thường có xu hướng di chuyển theo chiều ngược lại khi nhà đầu tư cảm thấy nguy cơ như vậy. Bởi thế, tôi cho rằng diễn biến của phiên ngày hôm nay có liên quan tới tâm lý nữa, thay vì chỉ do các lực lượng vĩ mô”, bà Sonders nói với hãng tin CNBC.

Vị chiến lược gia này tin rằng lạm phát không thể giảm nếu nền kinh tế không sụt tốc trên diện rộng. “Tôi nghĩ rằng cần phải có một sự suy giảm diện rộng nào đó trong nền kinh tế, đặc biệt là ở thị trường lao động, để lạm phát có thể giảm rõ rệt. Nếu không, lạm phát sẽ kéo dài”.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,95 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, chốt ở 83,16 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,93 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, chốt sở 76,32 USD/thùng.

Tính cả tuần, giá dầu gần như đi ngang. Tuần này, giá dầu chịu áp lực giảm từ dấu hiệu của sự gia tăng nguồn cung ở Mỹ, xu hướng tăng giá của đồng USD, và triển vọng Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhưng cùng với đó, giá “vàng đen” được hỗ trợ bởi lạc quan về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc, cộng thêm việc Nga tăng kế hoạch cắt giảm sản lượng đã công bố trước đó.

Ngày 24/2 đánh dấu tròn 1 năm xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Giá dầu Brent - giá tiêu chuẩn của thị trường dầu lửa toàn cầu - đang thấp hơn khoảng 15% so với thời điểm đó. Hôm 8/3/2022, giá dầu Brent đạt đỉnh 14 năm ở mức gần 128 USD/thùng.

Hôm thứ Năm, giá dầu tăng hơn 2% sau khi Nga tuyên bố tăng mức cắt giảm sản lượng thêm 25%. Hồi giữa tháng này, Nga bất ngờ tuyên bố giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 3.

Dữ liệu từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy thị trường dầu thế giới có vẻ đang đủ cung, thể hiện qua việc lượng dầu tồn kho của nước này đang ở mức cao nhất kể từ tháng 5/2021. Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, có những dấu hiệu cho thấy dầu thô và các sản phẩm dầu tinh luyện của Nga đang được vận chuyển với khối lượng lớn bằng tàu biển - dấu hiệu cho thấy nguồn cung vẫn dồi dào.

Một báo cáo của ngân hàng đầu tư JP Morgan nói rằng trong ngắn hạn, giá dầu có xu hướng trượt về ngưỡng 70 USD/thùng hơn là tăng, “vì các trở ngại tăng trưởng toàn cầu lớn lên”, cho dù “sự dồi dào của lượng dầu tồn khó khó tính toán ở nhiều nơi sẽ giảm bớt khi dòng chảy dầu Nga chậm lại”.

JP Morgan cũng dự báo Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sẽ cắt giảm sản lượng để hạn chế bớt sự sụt giảm của giá dầu.

Do triển vọng chính sách thắt chặt của Fed, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tăng 0,6% trong phiên ngày thứ Sáu, chốt tuần ở mức gần 105,3 điểm. Trong vòng 1 tháng, chỉ số này đã tăng 3,3%, gây áp lực giảm lên các tài sản định giá bằng USD như dầu thô.

“Dù việc Nga giảm sản lượng dầu có thể là một nhân tố tăng giá, diễn biến giá dầu trong tháng này đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng lãi suất tăng lên ở Mỹ sẽ là một trở ngại lớn đối với khả năng tăng giá một cách bền vững của dầu”, chuyên gia Jim Ritterbusch của công ty tư vấn Ritterbusch and Associates nói với Reuters.