12:02 10/06/2024

Giá vàng trong nước "bốc hơi"15 triệu đồng/lượng, tính từ đỉnh 92,4 triệu đồng

Tùng Thư

Sáng 10/6, Ngân hàng Nhà nước công bố giữ nguyên giá bán vàng miếng SJC cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC là 75,98 triệu đồng/lượng. Trên thị trường, giá vàng miếng JSC mua vào ổn định ở ngưỡng 74,98-75,5 triệu đồng/lượng, giá bán trụ tại 76,98 triệu đồng/lượng, thấp nhất kể từ 30/1/2024...

Sau tuần đầu tiên triển khai bán vàng miếng, một số ngân hàng thương mại Nhà nước công bố mở thêm điểm bán.
Sau tuần đầu tiên triển khai bán vàng miếng, một số ngân hàng thương mại Nhà nước công bố mở thêm điểm bán.

Cập nhật lúc 11h ngày 10/6, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước cùng niêm yết giá vàng SJC bán ra là 76,98 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với cuối tuần trước (7/6).

THẬN TRỌNG TRƯỚC DIỄN BIẾN KHÓ LƯỜNG CỦA THỊ TRƯỜNG VÀNG THẾ GIỚI

Công ty SJC  niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng, ngang giá chiều mua và bán so với chốt phiên 7/6.

Công ty DOJI, niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng, mua vào bán ra không điều chỉnh so với cuối tuần qua. 

 

Sau 5 ngày mở bán vàng miếng tại 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC, giá vàng miếng SJC đã giảm tổng cộng 4 triệu đồng/lượng. Tính từ vùng giá đỉnh lịch sử 92,4 triệu đồng, mỗi lượng vàng miếng SJC mất hơn 15 triệu đồng. 

Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 75,5 – 76,98 triệu đồng/lượng, đi ngang cả hai chiều mua – bán so với giá chốt phiên trước.

Tại Phú Quý, giá vàng SJC niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 75,5 – 76,98 triệu đồng/lượng, mua vào – bán ra đứng im so với giá chốt phiên cuối tuần. 

Như vậy, giá vàng miếng trong nước duy trì xu thế đi ngang kể từ 6/6 đến nay do Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên giá bán vàng miếng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC.

Trong khi đó, thị trường kim loại quý thế giới biến động mạnh trong tuần qua. Sau 4 phiên giao dịch đầu tuần, thông tin cắt giảm lãi suất 0,25 điểm % của ngân hàng trung ương châu Âu và Canada đã giúp giá vàng giao ngay thiết lập mức cao nhất tuần ở 2.386 USD/ounce.

Tuy nhiên, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC) thu hút sự chú ý vào cuối tuần khi thông báo phá vỡ chuỗi 18 tháng mua vàng trong tháng 5, khiến giá kim loại quý lao dốc không phanh.

Thậm chí, báo cáo việc làm mạnh mẽ của Mỹ được công bố còn khiến vàng giảm sâu hơn. Số việc làm phi nông nghiệp mới cùng mức lương tăng vượt dự báo cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,5% cho đến tận cuối năm nay. 

Các lệnh bán tháo vàng đã được thực hiện liên tiếp và nhanh chóng khiến mặt hàng này mất hơn 100 USD mỗi ounce. Kết phiên cuối tuần, giá kim loại quý chìm xuống dưới mốc 2.300 USD/ounce, đóng cửa ở mức 2.292 USD/ounce. Lúc hơn 7h sáng 10/6 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 2,3 USD/oz so với đóng cửa phiên 7/6 tại Mỹ, tương đương tăng 0,1%, giao dịch ở mức 2.296,2 USD/oz.

Theo Công ty phân tích dữ liệu WiGroup, lúc 11h ngày 10/6, giá vàng thế giới quy đổi (đã bao gồm thuế, phí... và quy đổi theo tỷ giá thị trường tự do) ở mức 71,77 triệu đồng/lượng. Như vậy, chênh lệch giá vàng trong nước và thế ngày 10/6 ở mức 5,21 triệu đồng/lượng.

Ngày 10/6, giá vàng nhẫn tiếp tục giảm. Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn 73,38 - 74,68 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 140.000 đồng/lượng so với sáng 9/6. Giá vàng nhẫn của Công ty SJC 72,6 - 74,2 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra trong khi giá vàng nhẫn của Tập đoàn Doji niêm yết 73,45 - 74,9 triệu đồng/lượng.

QUẢN LÝ CHẶT THỊ TRƯỜNG NGOẠI HỐI

Ngoài các biện pháp nghiệp vụ để quản lý thị trường vàng, trong tuần đầu tháng 6, Ngân hàng Nhà nước  ban hành một loạt công văn gửi các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình để quản lý thị trường vàng.

Cụ thể, tại văn bản số 4695/NHNN-QLNH, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương phối hợp triển khai các nội dung sau: Thực hiện các biện pháp theo quy định để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ về ngoại hối và vàng. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động về thu đổi ngoại tệ; nhận và chi trả ngoại tệ; chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai không đúng quy định; các hoạt động mua, bán vàng miếng của các cửa hàng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Yêu cầu các tổ chức kinh doanh mua, bán vàng, nhất là kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện nghiêm việc áp dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng. Phối hợp xử lý mạnh các vụ việc, trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép ngoại tệ và vàng qua biên giới để cùng Ngân hàng Nhà nước kịp thời triển khai phương án quản lý thị trường ngoại hối và vàng hiệu quả.

Tại văn bản số 4696/NHNN-QLNH, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn (Công an, Quản lý thị trường, Thuế …) trong công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối và vàng.

Tại văn bản số 4697/NHNN-QLNH, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp triển khai các nội dung chính sau: phối hợp quản lý, điều hành chặt chẽ, hiệu quả thị trường ngoại hối và vàng; không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng về tỷ giá và giá vàng; phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý chặt các doanh nghiệp kinh doanh vàng…

Ngày 9/6, tại cuộc họp để trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và bàn sửa đổi Nghị định số 24/2012/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24, mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế, không để vàng hóa tác động đến điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, ngoại hối, cán cân thanh toán. Không để giá vàng chênh lệch cao so với giá thế giới; tác động tâm lý xã hội; nghiên cứu từng bước đưa nguồn lực vàng trong dân vào sản xuất, kinh doanh.