09:26 18/07/2022

Giá vàng trong nước lao dốc, giá thế giới đối mặt nguy cơ tuột mốc 1.700 USD/oz

Điệp Vũ

Giá vàng thế giới tăng nhẹ trong phiên đầu tuần sáng nay (18/7), nhưng vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh. Giới phân tích lo ngại rằng với nhiều áp lực giảm hiện nay, giá vàng thế giới có thể không giữ được mức giá chủ chốt 1.700 USD/oz trong tuần này...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Lúc gần 9h sáng nay (16/7), Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,4 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối tuần, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 530.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 52,15 triệu đồng/lượng và 52,95 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối tuần.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,8 triệu đồng/lượng và 67,4 triệu đồng/lượng, giảm 550.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ sáng nay cao hơn khoảng 19,4 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 19,6 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.

Tuần vừa rồi, giá vàng thế giới có tuần giảm thứ 5 liên tiếp, với mức giảm khoảng 2%, nâng tổng mức giảm từ đầu năm lên 7%. Ngoài mối lo lãi suất tăng trên toàn cầu, đặc biệt là lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), giá vàng còn gặp bất lợi khi đồng USD liên tục tăng giá và lập những đỉnh cao mới của 20 năm. Tuần trước, chỉ số Dollar Index tăng hơn 0,9%, nâng mức tăng từ đầu năm lên hơn 16% - theo dữ liệu từ trang MarketWatch.

Lúc gần 9h sáng nay, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 4,4 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ cuối tuần trước, tương đương tăng gần 0,3%, đứng ở mức  1.714 USD/oz. Mức giá này tương đương hơn 48,7 triệu đồng/lượng.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ đang cao hơn 18,7 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 19,4 triệu đồng/lượng vào cuối tuần. Sự rút ngắn khoảng cách xảy ra khi giá vàng trong nước sáng nay giảm mà giá thế giới lại tăng. Trong hơn 1 tuần trở lại đây, giá vàng trong nước giảm khoảng 1,1 triệu đồng/lượng.

Tuần vừa rồi, giá vàng quốc tế “đã giảm xuống mức thấp nhất hơn 11 tháng vì nhà đầu tư rút vốn khỏi thị trường vàng để mua USD, trong bối cảnh tâm lý lo sợ rủi ro gia tăng trên khắp các thị trường”, chiến lược gia cấp cao Daniel Hynes của ANZ nhận định trên trang Kitco News.

Sự đặt cược vào bước nhảy 1 điểm phần trăm của lãi suất Fed đã tăng thêm sau khi Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) bất ngờ tăng lãi suất tròn 1 điểm phần trăm trong tuần vừa rồi. “Mức tăng như thế này là rất hiếm gặp. Lạm phát đang quá cao và ngày càng có nhiều người lo ngại lạm phát sẽ duy trì lâu ở mức cao này”, Thống đốc BOC Tiff Macklem phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu.

“Nhà đầu tư đang lo lắng về khả năng xảy ra một cuộc suy thoái toàn cầu, và họ bán bớt tài sản để tìm sự trú ẩn ở đồng USD. Họ đang bán kim loại quý. Chỉ số CPI tăng sẽ khiến Fed càng quyết tâm tăng mạnh lãu suất trong cuộc họp tới. Trạng thái ròng đầu cơ vàng giá lên trên sàn COMEX đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm, và các quỹ ETF vàng đã bán ròng 29 tấn vàng trong tuần vừa rồi”, ông Hynes nhấn mạnh.

Chiến lược gia trưởng Bart Melek của TD Securities nói rằng cho dù tăng lãi suất 1 điểm phần trăm hay 0,75 điểm phần trăm, Fed cũng sẽ thể hiện quyết tâm chống lạm phát trong cuộc họp tháng 7. “Lạm phát vẫn là một vấn đề, và sẽ buộc Fed phải thắt chặt. Điều đó gây bất lợi cho giá vàng”, ông Melek nói với Kitco News.

Với số liệu cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 6 ở Mỹ tốt hơn dự báo, Fed càng có dư địa để thắt thặt. “Lãi suất có thể sẽ lên cao hơn so với những gì mọi người nghĩ, nếu như Fed thực sự cam kết kéo lạm phát về mức 2%”, ông Melek nhận định, nhưng cho rằng sẽ đến lúc Fed phải dịch chuyển lập trường khỏi sự thắt chặt thái quá, và khi đó, giá vàng sẽ có cơ hội để hồi phục.

Lần gần đây nhất giá vàng ở dưới ngưỡng 1.700 USD/oz là trước khi Covid trở thành đại dịch. Dưới ngưỡng này không có nhiều mốc hỗ trợ cho giá vàng, đặt ra nguy cơ có thể xảy ra những đợt bán tháo lớn hơn. Đó là lý do khiến nhiều nhà phân tích lo ngại rằng giá vàng đối mặt nguy cơ lớn nếu không giữ được mốc 1.700 USD/oz.

Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: TradingView.
Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: TradingView.

“Giá vàng đã giảm nhiều hơn những gì tôi dự báo. Trong nhiều tuần qua, chúng ta đều tin 1.700 USD/oz sẽ là một ngưỡng hỗ trợ của giá vàng, và giờ mốc giá này xuất hiện. Rủi ro giảm giá của vàng vẫn đang rất lớn. Thị trường sẽ mất một thời gian lâu hơn để ‘tiêu hoá’ hết kỳ vọng mới về chính sách của Fed cũng như sự tăng giá của đồng USD”, chuyên gia kim loại quý Everett Millman của Gainesville Coins nhận định.

Theo ông Millman, giá vàng có khả năng giảm về ngưỡng 1.600-1.550 USD/oz trong ngắn hạn, nhưng có thể tăng vào cuối năm.

Nhà môi giới Bob Haberkorn cũng cho rằng 1.700 USD/oz là một mốc giá chủ chốt của giá vàng. “Giá vàng sẽ chật vật trong môi trường hiện nay. Nếu Fed tăng lãi suất 1 điểm phần trăm, ảnh hưởng đến giá vàng sẽ rất lớn”, ông nói.

Theo ông Melek, 1.679 USD/oz sẽ là mốc hỗ trợ quan trọng đầu tiên của vàng, còn 1.812-1.818 USD/oz sẽ là vùng kháng cự mạnh.

Trong cuộc khảo sát dự báo của chuyên gia về giá vàng tuần tới do Kitco News thực hiện tuần vừa rồi, 50% chuyên gia dự báo giá giảm, chỉ 19% dự báo giá tăng, và 31% dự báo giá đi ngang.

Ngân hàng Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.300 đồng (mua vào) và 23.580 đồng (bán ra), không thay đổi so với mức đóng cửa tuần trước.

Trên thị trường quốc tế, Dollar Index giảm dưới 107,8 điểm, hạ gần 0,3% so với đóng cửa cuối tuần trước.