07:19 15/09/2011

Giá xăng, dầu đồng loạt “bốc hơi” mạnh

Diệp Anh

Kinh tế Mỹ, nợ châu Âu đã khiến bức tranh xăng dầu u ám hơn sau khi các tổ chức năng lượng đua nhau hạ dự báo tiêu thụ

Bức tranh triển vọng giá xăng, dầu đang bị dự báo nhu cầu tiêu thụ giảm phủ bóng đen.
Bức tranh triển vọng giá xăng, dầu đang bị dự báo nhu cầu tiêu thụ giảm phủ bóng đen.
Hôm qua (14/9), giá dầu thô kỳ hạn giảm mạnh, do giới đầu tư lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ giảm sút trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bấp bênh và khủng hoảng nợ châu Âu chưa được chặn đứng. Cùng với dầu thô, giá xăng cũng giảm nhiều sau khi tăng èo uột vài phiên trước đó.

Cụ thể, chốt phiên giao dịch hàng hóa New York (Mỹ) đêm qua, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 10/2011 bốc hơi 1,30 USD, tương ứng 1,4%, xuống còn 88,91 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu hợp đồng loại này đã rớt xuống mức thấp mới là 88,21 USD/thùng.

Đêm qua, giá xăng hợp đồng tháng 10 cũng giảm 2 xu Mỹ, tương ứng 0,6%, xuống 2,73 USD/gallon, sau khi tăng yếu trong vài phiên trước đó. Tương tự, giá dầu sưởi giao cùng tháng cũng giảm bớt 1 xu Mỹ, tương ứng 0,3%, xuống còn 2,95 USD/gallon. Một gallon tương đương với 3,78 lít.

"Chúng tôi nhận thấy rằng mức tăng trưởng yếu kém của các loại hàng hóa quan trọng trên sàn giao dịch" có liên hệ tới "sức khỏe" của nền kinh tế toàn cầu, Richard Ross, một nhà phân tích kỹ thuật của hãng Auerbach Grayson ở New York cho biết. Theo ông, về mặt kỹ thuật mà nói, dầu thô hiện khó duy trì trên mốc 90 USD/thùng.

Phiên giao dịch liền trước, giá dầu thô hợp đồng tháng 10 tại sàn giao dịch hàng hóa New York đã bất ngờ tăng vọt lên trên 90,21 USD/thùng, sau báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết lượng dự trữ dầu của OPEC và các nước không thuộc tổ chức này sẽ giảm khá mạnh.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch châu Á chiều qua, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 10 đã quay đầu giảm mạnh 1,48 USD, xuống 88,73 USD/thùng tại sàn giao dịch điện tử Singapore. Giá dầu thô Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 59 xu Mỹ, xuống chốt ở 111,30 USD/thùng.

Hôm qua, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ thuộc Bộ Năng lượng nước này công bố dự trữ dầu thô trong tuần kết thúc ngày 9/9 vừa qua đã giảm tới 6,7 triệu thùng, vượt xa mức dự báo giảm 2,9 triệu thùng của giới phân tích trong cuộc điều tra dư luận do Platts tiến hành.

Trong khi đó, dự trữ xăng tăng 1,9 triệu thùng, ngược với dự báo giảm 400.000 thùng của giới phân tích. Lượng dự trữ các chế phẩm từ dầu cũng tăng 1,7 triệu thùng, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho hay, vượt hơn mức dự báo tăng 1 triệu thùng của giới phân tích.

Tuy nhiên, trái với mong đợi của giới đầu cơ về lượng dự trữ giảm sẽ thúc đẩy giá đi lên, thị trường lại quay đầu chìm sâu bởi nỗi lo khủng hoảng nợ công tại châu Âu, cụ thể là ở Hy Lạp, sẽ khiến thế giới rơi vào suy thoái mới và nhấn chìm nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này.

Hôm qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã thỏa thuận rằng, Hy Lạp sẽ tiếp tục ở lại Khu vực đồng Euro, bất chấp cuộc khủng hoảng nợ ngày càng gay cấn ở quốc gia này.

Trong cuộc hội đàm trên điện thoại diễn ra tối qua, các quan chức trên cho biết, họ ủng hộ quyết định đạt được tại một hội nghị các lãnh đạo châu Âu hồi tháng 7, theo đó sẽ giải cứu Hy Lạp ra khỏi nguy cơ vỡ nợ công, hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên Chính phủ Hy Lạp cho biết.

Cũng trong cuộc điện đàm này, Thủ tướng Hy Lạp Papandreou đã nói rằng, quốc gia này đã xác định cần đáp ứng tất cả các cam kết do họ đưa ra.

Trong một diễn biến khác, hôm qua, tổ chức định mức tín nhiệm Moody's bất ngờ hạ bậc tín dụng của hai ngân hàng Pháp là Credit Agricola SA và Societe Generale SA. Động thái này góp phần đẩy những lo lắng của nhà đầu tư lên mức cao hơn.

Những quan ngại về khả năng kinh tế Mỹ đang hướng tới một cuộc suy thoái mới, cùng với nguy cơ vỡ nợ công ở châu Âu, đã khiến việc hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu năm nay và năm tới của Cơ quan Năng lượng quốc tế đưa ra hôm qua càng trở nên u ám hơn.

Chuyên gia hàng hóa thuộc ngân hàng ANZ tại Singapore cho biết, tình trạng giá cả biến động thất thường diễn ra trên hầu hết các thị trường hàng hóa trong thời gian gần đây, khi mà nguy cơ Hy Lạp rơi vào tình trạng vỡ nợ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.