16:14 20/04/2013

Giá xăng, dầu thế giới lao dốc trong tuần

Thanh Hải

Tính chung cả tuần, giá dầu thô giao sau giảm 3,6%, trong khi giá xăng mất 1,1% và giá dầu sưởi hao hụt 2,9%

 Tuần tới, thị trường dầu thô nếu có đi lên thì sẽ phải trông đợi 
vào những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang tiếp bước trên con
 đường hồi phục.
Tuần tới, thị trường dầu thô nếu có đi lên thì sẽ phải trông đợi vào những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang tiếp bước trên con đường hồi phục.
Những dự báo không mấy sáng sủa về khả năng tiêu thụ năng lượng trên thế giới trong thời gian tới của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ, đã trở thành nguyên nhân khiến giá xăng, dầu thế giới sụt mạnh trong tuần.

Cuối ngày 18/4, một quan chức từ Venezuela đã cho biết, tổ chức trên có thể sẽ phải tiến hành cuộc họp khẩn cấp trong bối cảnh giá dầu thô giảm mạnh, song những thành viên khác trong nhóm tỏ ra hoài nghi về khả năng một cuộc họp như vậy có thể diễn ra. Dù vậy, thực tế là giá dầu thô thế giới đang trong xu hướng suy giảm.

Chốt phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (19/4), giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 5 tăng 28 cent, tương ứng với mức tăng 0,3%, lên 88,01 USD/thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New York. Chốt phiên liền trước, giá dầu thô giao sau loại này cũng tăng được 1,2%. Tuy nhiên, tính cả tuần, giá dầu thô đã hao hụt 3,6%.

Theo một số chuyên gia phân tích, trong tuần tới, thị trường dầu thô nếu có đi lên thì sẽ phải trông đợi vào những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang tiếp bước trên con đường hồi phục. Ngoài ra, nếu có bất cứ một thông tin nào về việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ chuẩn bị cắt hạn ngạch, giá dầu sẽ tăng vọt.

Việc giá dầu thô suy giảm thời gian qua, một phần bắt nguồn từ việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và Cơ quan Năng lượng quốc tế công bố báo cáo định kỳ, trong đó cắt giảm dự báo lượng tiêu thụ năng lượng toàn cầu trong năm 2013. Do đó, việc cắt giảm hạn ngạch rất có thể sẽ là một sự lựa chọn cần thiết vào lúc này.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn so với kỳ vọng, đã "đổ thêm dầu vào lửa", khiến đà bán tháo trên thị trường dầu thô thế giới lan rộng hơn, khiến giá dầu thô nhiều ngày đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ trung tuần tháng 12 năm ngoái cho tới nay và tăng thêm sức ép lên các thị trường hàng hóa rủi ro khác, như chứng khoán.

Một số chuyên gia phân tích gần đây còn cho rằng, giá dầu thô giao sau tại New York có khả năng còn xuống vùng 80 USD mỗi thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao tại London sẽ xuống dưới 100 USD/thùng. Trên thực tế, trong vài phiên vừa qua, giá dầu thô Brent Biển Bắc đã xuống dưới mức này, đúng như dự đoán.

Phiên cuối tuần, giá dầu thô ngọt, nhẹ Brent Biển Bắc giao tháng 6 đóng cửa ở mức 99,65 USD/thùng, tăng được 52 cent, tương ứng với mức 0,5%. Tính chung cả tuần, giá dầu thô Brent giao sau tại sàn giao dịch London đã giảm 3,5% so với tuần trước. Hiện chênh lệch giá dầu thô New York và Brent đang được rút ngắn hơn.

Cũng trên sàn giao dịch New York phiên cuối tuần (19/4), giá khí tự nhiên giao tháng 5 tăng nhẹ 0,2% lên 4,408 USD/ triệu BTU, cao nhất từ tháng 7/2011. Tính cả tuần, giá khí tăng 4,4%. Trong khi đó, giá xăng giao cùng hạn chốt phiên cuối tuần tăng 2 cent, tương ứng 0,6%, lên 2,77 USD/gallon, nhưng giảm 1,1% trong tuần.

Tương tự như giá xăng và dầu thô, kết thúc phiên 19/4, giá dầu sưởi giao tháng 5 tăng nhẹ 0,3% lên 2,79 USD/gallon, nhưng giảm 2,9% trong toàn bộ 5 ngày giao dịch vừa qua.