Giá xăng ở Mỹ đã tụt 21% so với đỉnh, được dự báo tiếp tục giảm
Giá xăng ở Mỹ tiếp tục sụt giảm, đặt ra khả năng giá bán lẻ xăng ở nước này có thể tụt dưới mốc 3 USD/gallon, tương đương khoảng 18.600 đồng/lít, trước cuối năm nay...
Giá bán lẻ xăng bình quân toàn quốc ở Mỹ vào ngày 15/8 là 3,96 USD/gallon (24.500 đồng/lít), giảm nhẹ so với ngày hôm trước, duy trì xu hướng giảm liên tiếp đã kéo dài 62 ngày.
Theo trang CNN Business, kể từ khi lập kỷ lục 5,02 USD/gallon (hơn 31.000 đồng/lít) vào hôm 14/6, giá xăng ở Mỹ hiện đã giảm 1,06 USD/gallon, tương đương giảm 21%. Tại 28 bang của nước này, giá bán lẻ xăng bình quân trong bang đã giảm về mức từ 3,99 USD/gallon trở xuống.
Tại một số bang, giá xăng vẫn còn ở mức cao, chẳng hạn giá xăng ở California đang ở mức bình quân 5,37 USD/gallon. Tuy nhiên, nếu so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 6, giá xăng ở California cũng đã giảm hơn 1 USD/gallon.Enter your email to subscribe to the CNN Business Newsletter.
Nhà phân tích Tom Kloza của công ty phân tích OPIS nói rằng với mùa lái xe cao điểm ở Mỹ sắp kết thúc, giá xăng có thể giảm sâu hơn. Ông nhận định rất có khả năng đến tháng 9 hoặc tháng 10, giá bán lẻ xăng bình quân toàn quốc ở nước này có thể giảm dưới 3,53 USD/gallon - mức giá ở thời điểm cuối tháng 2, khi cuộc chiến tranh giữa Nga với Ukraine mới nổ ra.
Cũng theo ông Kloza, giá bán buôn xăng giao tháng 11 và tháng 12 tại thị trường Mỹ trong phiên giao dịch ngày 15/8 cho thấy giá bán lẻ xăng có thể giảm dưới 3 USD/gallon tại nhiều bang trước cuối năm nay. Tuy nhiên, ông cũng không loại trừ khả năng giá xăng có thể bất ngờ tăng trở lại.
“Chúng ta vẫn không biết Nga sẽ làm gì, hay mùa bão năm nay trên Vịnh Mexico sẽ như thế nào”, ông Kloza nói về những yếu tố có thể đẩy giá xăng tăng trở lại.
Nhân tố chính khiến giá xăng ở Mỹ hạn nhiệt là giá dầu giảm sâu. Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, giá dầu thô giao sau giảm khoảng 3%, chạm mức thấp nhất 6 tháng, do mối lo suy thoái kinh tế toàn cầu. Kể từ hôm 8/6 tới nay, giá dầu thô đã giảm từ 24-28% tuỳ loại.
Giá dầu thế giới đã tăng cao trong năm nay, khi nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng và chiến tranh Nga-Ukraine gây suy giảm nguồn cung dầu. Giá dầu tăng đẩy lạm phát leo thang và các ngân hàng trung ương lớn phản ứng bằng cách tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Lãi suất tăng mạnh đặt ra nguy cơ suy thoái kinh tế và gây áp lực giảm lên nhu cầu tiêu thụ năng lượng, khiến giá dầu giảm trở lại.
Khi kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, giá xăng bình quân ở nước này đã giảm 60% chỉ trong vòng khoảng 5 tháng từ mức kỷ lục khi đó là 4,11 USD/gallon thiết lập vào tháng 7.
Phiên giảm mạnh ngày 15/8 của giá dầu thế giới một phần xuất phát từ việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ hạ lãi suất để vực dậy tăng trưởng đang giảm tốc. Động thái này của Bắc Kinh được thị trường xem là một tín hiệu đang lo ngại về sức khoẻ của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
“Thị trường nhận thấy một tín hiệu bi quan về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu”, ông Richard Joswick, trưởng bộ phận phân tích nguồn cung dầu tại công ty nghiên cứu S&P Global Commodity Insights nhận định.
Ngoài ra, giá dầu còn giảm do cuộc đàm phán về khôi phục thoả thuận hạt nhân Iran 2015 tiếp tục có bước tiến. Iran cho biết sắp đưa ra phản hồi về văn kiện dự thảo cuối cùng của thoả thuận mà châu Âu đưa ra, đồng thời kêu gọi Mỹ linh hoạt để giải quyết ba vướng mắc còn lại. Nếu thoả thuận hạt nhân được khôi phục, lệnh trừng phạt của phương Tây đối với xuất khẩu dầu của Iran sẽ được gỡ bỏ, và xuất khẩu dầu của nước này sẽ tăng mạnh trở lại.
“Nếu phương Tây đạt thoả thuận với Iran, ảnh hưởng của thoả thuận đó với thị trường dầu có thể rất lớn”, Chủ tịch Andy Lipow của Lipow Oil Associates nhận định trong một báo cáo.