08:25 15/08/2022

“Đế chế” dầu lửa vùng Vịnh lãi gần 50 tỷ USD trong một quý, giá cổ phiếu bùng nổ

An Huy

Với kết quả này, Saudi Aramco gia nhập danh sách những hãng dầu lửa lớn như Exxon Mobil và BP báo lãi lớn hoặc lãi kỷ lục trong quý 2...

Một nhân viên Saudi Aramco làm việc tại một cơ sở của công ty này tại Saudi Arabia tháng 10/2019 - Ảnh: Reuters.
Một nhân viên Saudi Aramco làm việc tại một cơ sở của công ty này tại Saudi Arabia tháng 10/2019 - Ảnh: Reuters.

Hãng dầu lửa quốc doanh Saudi Aramco của Saudi Arabia ngày 14/8 báo cáo mức lãi quý cao chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2019, nhờ giá dầu tăng cao và tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn ở mảng lọc hoá dầu.

Với kết quả này, Saudi Aramco gia nhập danh sách những hãng dầu lửa lớn như Exxon Mobil và BP báo lãi lớn hoặc lãi kỷ lục trong quý 2. Tất cả những công ty này đều hưởng lợi từ sự leo thang của giá dầu thô và khí đốt, khi lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga khiến nguồn cung năng lượng trên toàn cầu vốn dĩ đã thắt chặt lại càng thêm phần khan hiếm.

Trong thông báo kết quả kinh doanh, CEO Amin Nasser của Saudi Aramco cho biết công ty dự báo “nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian còn lại của thập kỷ này, bất chấp sức ép suy giảm tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn”.

Lợi nhuận ròng của Saudi Aramco tăng 90%, đạt 181,64 tỷ Riyal, tương đương 48,39 tỷ USD, trong quý 2, so với mức 95,47 tỷ Riyal cùng kỳ năm ngoái và mức 46,2 tỷ USD mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Công ty cho biết sẽ chi 18,8 tỷ USD để trả cổ tức cho quý 2, phù hợp với dự kiến trước đó của công ty, và số tiền này sẽ được giải ngân trong quý 3.

Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Saudi Aramco đã tăng hơn 25%, so với mức tăng 11% của thị trường chứng khoán Saudi Arabia.

Trong một cuộc trao đổi với báo giới qua điện đàm, CEO Nasser bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu đầu tư vào các dự án khai thác năng lượng hoá thạch trên toàn cầu, dẫn tới công suất khai thác dự trữ là “rất hạn chế”. Ông cũng nói Saudi Aramco sẵn sàng nâng sản lượng khai thác dầu lên công suất tối đa bền vững là 12 triệu thùng/ngày nếu được Chính phủ Saudi Arabia yêu cầu.

Trong quý 2, tổng sản lượng hydrocarbon của Saudi Aramco đạt 13,6 triệu thùng tương đương dầu mỗi ngày. Công ty đang nỗ lực tăng sản lượng từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm năng lượng tái sinh và hydogen cũng như từ dầu thô và khí đốt, nhằm đáp ứng cùng lúc hai mục tiêu là an ninh năng lượng và chống biến đổi khí hậu – theo ông Nasser.

Đầu tư cơ bản của Saudi Aramco trong quý 2 tăng 25% so với cùng kỳ 2021, đạt 9,4 tỷ USD. Aramco cho biết công ty sẽ tiếp tục đầu tư cho tăng trưởng, mở rộng màng lọc hoá và phát triển các mảng kinh doanh có dấu ấn carbon thấp.

Tháng 7 vừa qua, hãng Exxon của Mỹ báo khoản lãi quý lớn kỷ lục, với lợi nhuận ròng quý 2 đạt 17,9 tỷ USD, tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Những hãng dầu lửa lớn của châu Âu như Shell và TotalEnergies cũng hưởng lợi từ sự gia tăng mạnh mẽ của tỷ suất lợi nhuận từ lọc hoá - mảng hoạt động sản xuất ra những sản phẩm như xăng và dầu diesel.

Lợi nhuận ròng nửa đầu năm 2022 của Aramco đạt 87,9 tỷ USD, một con số kỷ lục. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London có lúc lên mức 139 USD/thùng vào tháng 3 năm nay, cao nhất 14 năm, do nỗi lo chiến tranh Nga-Ukraine sẽ dẫn tới sự gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu. Gần đây, giá dầu giảm về ngưỡng 100 USD/thùng do nỗi lo suy thoái kinh tế có thể xảy ra.

Trong bối cảnh giá năng lượng leo thang đẩy lạm phát tăng cao ở hầu khắp các quốc gia, với lạm phát ở Mỹ lên mức cao nhất 40 năm trong tháng 6 năm nay, Mỹ đã kêu gọi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tăng sản lượng khai thác dầu. Tuy nhiên, lời kêu gọi này đã nhận được phản hồi hờ hững của Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của OPEC. Trong cuộc họp mới đây, OPEC+, liên minh giữa OPEC và một số nước ngoài khối gồm Nga, chỉ tăng sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày - một mức tăng được đánh giá là “muối bỏ bể”.

Giới quan sát nói rằng Saudi Arabia đang ngả về phía Nga thay vì về phía Mỹ trong vấn đề sản lượng dầu. Thông tin mới được công bố ngày 14/8 một lần nữa cho thấy mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Riyadh với Moscow.

Quỹ đầu tư của Kingdom Holding của Saudi Arabia cho biết đã rót vốn vào 3 công ty năng lượng quốc doanh của Nga bao gồm Gazprom, Rosneft và Lukoil trong thời gian từ ngày 22/2-22/3 năm nay. Trong đó, Gazprom nhận 1,37 tỷ Riyal; Rosneft nhận 196 tỷ Riyal; và Lukoil nhận 410 tỷ Riyal.

Kingdom Holding chủ yếu thuộc sở hữu của hoàng tử Alwaleed bin Talal, nhưng quỹ đầu tư quốc gia Public Investment Fund (PIF) của Saudi Arabia đã thâu tóm cổ phần 16,87% trong quỹ này hồi đầu tháng 5.