15:53 28/10/2024

Giai đoạn 2019-2023 có hơn 30.000 người tử vong do tai nạn, thương tích mỗi năm

Nhật Dương

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2019-2023, mỗi năm cả nước có hơn 30.000 người tử vong do tai nạn thương tích. Tai nạn giao thông, đuối nước, và tai nạn lao động là những nguyên nhân hàng đầu...

Tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Ảnh minh họa.
Tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Ảnh minh họa.

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý tại Hội nghị khoa học quốc gia lần thứ 4 về phòng, chống tai nạn thương tích với chủ để: “Giảm thiểu gánh nặng do thương tích: Hiệu quả của các chính sách và can thiệp bền vững”, do Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) phối hợp với Trường Đại học Y tế công cộng tổ chức, ngày 28/10. 

Thông tin tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận, cho biết theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tai nạn thương tích chiếm tới 11% gánh nặng bệnh tật toàn cầu, trong đó 80% là ở các nước đang phát triển.

Mỗi năm có 4,4 triệu người chết (chiếm gần 8% tổng số các trường hợp tử vong) và 78 triệu người tàn tật vĩnh viễn do tai nạn thương tích. Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ, đuối nước, ngã và bạo lực là những nguyên nhân chính.

Tai nạn thương tích không chỉ gây ra những mất mát to lớn về sinh mạng mà còn tạo ra gánh nặng kinh tế và xã hội, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Phòng, chống thương tích và bạo lực cũng là một trong những chỉ số quan trọng để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Trong mô hình bệnh tật tại Việt Nam, tai nạn thương tích chiếm tỷ lệ hơn 11%, bệnh truyền nhiễm chiếm gần 16% và bệnh không lây nhiễm chiếm 73%.

Theo Thứ trưởng Lê Đức Luận, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích nhưng đây vẫn là một vấn đề đáng lo ngại. 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2019-2023, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1,1 triệu trường hợp mắc tai nạn thương tích đến khám và điều trị tại cơ sở y tế; mỗi năm cả nước có hơn 30.000 người tử vong do tai nạn thương tích, chiếm 7% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân. Khoảng hơn 80 người tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày.

Tai nạn giao thông, đuối nước và tai nạn lao động là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do tai nạn thương tích. Điều này cho thấy, dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực và đầu tư hơn nữa để giảm thiểu tai nạn thương tích và giảm tối đa những hậu quả do tai nạn thương tích gây ra.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận thông tin tại hội nghị. Ảnh: MOH.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận thông tin tại hội nghị. Ảnh: MOH.

Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay, tỷ suất tử vong do tai nạn thương tích trên 100.000 dân giảm khoảng 28%. Gần 500 xã/phường được công nhận cộng đồng an toàn – phòng, chống tai nạn thương tích.

“Mặc dù vậy, số trường hợp tử vong vẫn duy trì ở mức cao, còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn thương tích do biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa... ngay cả tai nạn giao thông, tai nạn lao động cũng vẫn còn nhiều nguy cơ”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Tiến sĩ David Meddings, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva, cho biết đuối nước, té ngã và tai nạn giao thông đường bộ là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Ở Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em 1-4 tuổi. Trong khi đó, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho nhóm 20-24 tuổi là tai nạn giao thông.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã và đang triển khai các hoạt động và chính sách nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích. Luật Khám, chữa bệnh 2023 đã quy định cụ thể về hoạt động cấp cứu ngoại viện.

Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật đường bộ được thông qua ngày 27/6/2024 đã đưa vào một số điểm mới liên quan đến quy định về thiết bị an toàn của trẻ em.

Hiện Bộ Y tế đang đề xuất các nội dung liên quan đến các biện pháp can thiệp hiệu quả và sơ cứu tai nạn thương tích trong Luật Phòng bệnh; Chương trình quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030, và một số chương trình và dự án can thiệp dựa vào bằng chứng theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.