07:27 13/06/2007

Giải mã cổ phiếu tăng phi mã: Báo cáo có bị “rò rỉ”?

Hồng Kỳ

Trong ngày Trung tâm gửi văn bản cho Ủy ban, có một lượng khá lớn cổ phiếu BMC được tung ra bán

Các nhà đầu tư trong một phiên giao dịch tại Công ty Chứng khoán Vietcombank - Ảnh: TT.
Các nhà đầu tư trong một phiên giao dịch tại Công ty Chứng khoán Vietcombank - Ảnh: TT.
Trước sự tăng nóng một cách khó hiểu của hai cổ phiếu BMC (Công ty Cổ phần Khoáng sản Bình Định) và TCT (Công ty Cổ phần Cáp treo Tây Ninh), Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán.

>>Đọc thêm về BMC

Đồng thời, Trung tâm Lưu ký chứng khoán tại Tp.HCM cũng đang chuẩn bị báo cáo để nộp cho Ủy ban Chứng khoán.

Từ các số liệu báo cáo của hai đơn vị này, Uỷ ban sẽ phân tích những cổ phiếu này biến động như thế nào trong thời gian qua, nhận diện những ai đang mua vào - bán ra, liệu có những nhóm nhà đầu tư nào đó đang “tung hứng” trên thị trường để thao túng giá...

Thông tin này đã ảnh hưởng mạnh đến giá của hai cổ phiếu này. Trong phiên giao dịch ngày 12/6, giá của BMC đã giảm sàn từ 575.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 547.000 đồng/cổ phiếu (giảm 28.000 đồng).

Không những thế, cung cầu của cổ phiếu này cũng thay đổi 180o, đang từ dư mua kịch trần trở lại dư bán kịch sàn với số lượng lớn. Ngoài số lượng 34.330 cổ phiếu được khớp lệnh ở giá sàn, BMC còn dư bán 19.450 cổ phiếu ở giá sàn.

Điều mà nhiều nhà đầu tư thắc mắc là thông tin về văn bản của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM gửi Ủy ban Chứng khoán có thể bị “rò rỉ” từ trước, bởi trong phiên giao dịch ngày 11/6, ngày Trung tâm gửi văn bản cho Ủy ban, có một lượng khá lớn cổ phiếu BMC được tung ra bán (số lượng được chuyển nhượng thành công lên tới 88.610 cổ phiếu), trong khi ở các phiên trước đó tổng lượng bán chỉ “nhỏ giọt” 100 hoặc vài trăm cổ phiếu!

Tuy nhiên, chỉ có mỗi BMC giảm giá, cổ phiếu TCT vẫn tiếp tục phi mã, bất chấp sự “giải mã” của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Cụ thể, TCT tăng trần từ 387.000đồng lên 406.000 đồng/cổ phiếu (tăng 19.000đồng).

Theo giới chuyên môn, một nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá là do BMC là công ty có vốn điều lệ nhỏ (hơn 13 tỷ đồng) và số lượng cổ phiếu sẵn sàng giao dịch rất ít, chỉ khoảng hơn 600.000 đơn vị (cổ đông Nhà nước chiếm đến 51% vốn).

BMC chào sàn ngày 28/12/2006 với giá khởi điểm 50.000 đồng/cổ phiếu, nhưng đến ngày 21/5/2007 đã đạt 847.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi tách xuống còn 296.000 đồng/cổ phiếu (tỷ lệ thưởng 1:2) vào ngày 22/5/2007 lại tiếp tục phi mã tăng lên 575.000 đồng trong phiên ngày 11/6.

Mặt khác, nguyên nhân tăng nóng của cổ phiếu BMC còn được lý giải bởi kết quả kinh doanh 2006 khá ấn tượng: 52,76 tỷ đồng doanh thu và 19,16 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Tương tự, vốn điều lệ của TCT chỉ gần 16 tỷ đồng, nhưng doanh thu năm 2006 đạt hơn 30,2 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 14,5 tỷ đồng. Quý 1/2007, TCT đạt doanh số hơn 18,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lên đến 10,3 tỷ đồng. Theo Nghị quyết Đại hội cổ đông năm 2007, TCT đề ra 32 tỷ doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt 16 tỷ đồng và sẽ chi trả cổ tức đạt 15-20%.

Theo lý giải của một số nhà đầu tư, đây là lý do tại sao giá của TCT kể từ khi niêm yết đến nay (niêm yết ngày 6/12/2006 với giá chỉ có 49.000 đồng/ cổ phiếu) liên tục tăng và đang tạm dừng ở mức 406.000 đồng/ cổ phiếu khi kết thúc phiên giao dịch ngày 12/6.

Không chỉ có BMC và TCT, các cổ phiếu Công ty Cổ phần Vật liệu khoáng sản và Xây dựng Lâm Đồng) và SGH (Công ty Xổ phần Khách sạn Sài Gòn) cũng đang trong tình trạng tương tự.

Thiết nghĩ, đây chính là thời điểm mà cơ quan quản lý và các đơn vị có liên quan cần phải có điều tra cụ thể về các giao dịch bất thường của các cổ phiếu nói trên cho công chúng. Không thể để một số người nào đó lấy sàn giao dịch để làm nơi kích giá cổ phiếu để thu lợi.

* Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, báo cáo của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM chủ yếu khai thác các dữ liệu từ việc truy cập tài khoản giao dịch của các nhà đầu tư BMC và TCT, từ đó lọc ra các tài khoản có lệnh đặt mua - bán khối lượng lớn, tần suất đặt lệnh mua - bán lớn, những chủ tài khoản có cùng địa chỉ, những nhà đầu tư mở nhiều tài khoản giao dịch trong thời gian hai cổ phiếu này tăng giá vùn vụt...

Ủy ban Chứng khoán cũng cho biết sẽ không chỉ dựa vào báo cáo của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM mà còn nhiều nguồn khác để xem xét có việc làm giá hay không. Tuy nhiên, theo một quan chức Ủy ban, kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy việc theo dõi giao dịch nội gián hay thao túng thị trường không dễ, thường phải 6-7 tháng sau khi sự việc xảy ra thì cơ quan chức năng mới nhận diện được đó là giao dịch bất thường để vào cuộc điều tra.