08:13 28/06/2023

Bộ Giao thông vận tải sẽ giải ngân gần 22.000 tỷ đồng trong quý 3, tạo đà bứt tốc cho nhiều dự án

Ánh Tuyết

Lũy kế 6 tháng đầu năm, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông vận tải dự kiến đạt gần 34.500 tỷ đồng, đạt hơn 36% so với kế hoạch vốn được giao. Nhiều dự án từng bị phê bình gay gắt đến nay cũng đang tăng tốc...

Trong quý 3, Bộ Giao thông vận tải sẽ giải ngân thêm gần 22.000 tỷ đồng, cao hơn tốc độ giải ngân trong hai quý đầu năm.
Trong quý 3, Bộ Giao thông vận tải sẽ giải ngân thêm gần 22.000 tỷ đồng, cao hơn tốc độ giải ngân trong hai quý đầu năm.

Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải cho thấy, ước giải ngân 6 tháng đầu năm kế hoạch vốn năm 2023 đạt gần 34.500 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 36,24% so với kế hoạch vốn được giao. Trong đó, về công tác giải ngân vốn kế hoạch năm 2023, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6 ước đạt 34.465 tỷ đồng, đạt 36,61% kế hoạch Bộ Giao thông vận tải giao.

Tính riêng công tác giải ngân vốn kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2023, ước thanh toán từ đầu năm đến cuối tháng 6 đạt hơn 33 tỷ đồng, tương ứng đạt 3,12% kế hoạch.

TĂNG TỐC GIẢI NGÂN, NHIỀU DỰ ÁN ĐÓN TÍN HIỆU TÍCH CỰC

Năm 2023, Bộ Giao thông vận tải giao chi tiết cho các dự án với tổng số 94.135 tỷ đồng. Trong đó, vốn cho các dự án ODA đạt khoảng 7.783 tỷ đồng, còn vốn chuẩn bị đầu tư, các dự án giao thông trong nước, khối khác là 86.351 tỷ đồng.

 

Theo kế hoạch, trong quý 3, Bộ Giao thông vận tải sẽ giải ngân thêm gần 21.700 tỷ đồng, gồm hơn 20.800 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn được giao năm 2023 và hơn 855 tỷ đồng thuộc nguồn vốn kéo dài thời gian thực hiện giải ngân trong năm nay.

Theo ghi nhận, việc giải ngân của các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang nỗ lực bám sát tiến độ yêu cầu.

Trong đó, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được bố trí tổng số vốn hơn 45.200 tỷ đồng, trong đó, giải phóng mặt bằng 14.439 tỷ đồng; xây lắp 29.507 tỷ đồng; tư vấn, quản lý dự án, chi phí khác 1.279 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 6, nhóm 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 giải ngân gần 17.000/45.500 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch.

Trong đó, cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi giải ngân đạt 716 tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch; đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng giải ngân 740 tỷ đồng, đạt gần 30%...

Còn cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có chiều dài 88 km với tổng mức đầu tư "khủng" 20.470 tỷ đồng năm nay được rót trên 7.100 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6, đoạn tuyến giải ngân được hơn 2.294 tỷ đồng, đạt 32,2% kế hoạch.

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

Còn nhóm các dự án ODA giải ngân cao hơn tốc độ bình quân chung, đạt gần 3.157 tỷ đồng trong nhiệm vụ giải ngân gần 7.800 tỷ đồng, tương ứng đạt 40,6% kế hoạch.

Theo quan sát, một số dự án giao thông lớn do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư từng bị phê bình gay gắt, đến nay cũng đang tăng tốc. 

Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk được giao 472 tỷ đồng. Dù tính đến cuối tháng 6, dự án giải ngân mới đạt 10%, thấp hơn mức trung bình nhưng cao hơn đáng kể lần kiểm điểm giữa tháng 4.

Một số dự án có tín hiệu giải ngân khá tích cực như: dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A đoạn tránh thị xã Ba Đồn và tránh nhà máy xi măng sông Gianh của Sở Giao thông vận tải Quảng Bình được giao 156 tỷ đồng, giải ngân hơn 68 tỷ đồng, đạt 44% kế hoạch.

Tuyến tránh thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng của Sở Giao thông vận tải Cao Bằng được giao 78 tỷ đồng, giải ngân được 15 tỷ đồng, đạt 20%.

THƯỜNG XUYÊN RÀ SOÁT, QUYẾT LIỆT GIẢI NGÂN

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân từ nay đến cuối năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các chủ đầu tư tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ.

Theo đó, đối với một số dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành công tác xây dựng, các chủ đầu tư cần tập trung hoàn thiện thủ tục hoàn công, thanh quyết toán dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Đối với các dự án còn đang triển khai thi công cần chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các dự án.

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, các chủ đầu tư cần phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công và giải ngân nguồn vốn được giao; phối hợp với các địa phương hoàn thiện các thủ tục để sớm cấp mỏ vật liệu cho các nhà thầu khai thác phục vụ thi công.

Trong thời gian chờ thủ tục cấp mỏ, cũng như dự phòng cho trường hợp giá vật liệu tăng cao, các chủ đầu tư cần chỉ đạo các nhà thầu chủ động mua và tập kết vật liệu để tổ chức thực hiện, bảo đảm không xảy ra hiện tượng thiếu vật liệu ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án.

Cùng với đó, các chủ đầu tư cần tiếp tục yêu cầu các nhà thầu tập trung huy động mọi nguồn lực để triển khai thi công bảo đảm tiến độ yêu cầu; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng ngay khi có khối lương theo đúng quy định.

"Chủ động rà soát báo cáo Bộ Giao thông vận tải kịp thời điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt, còn thiếu vốn theo quy định; nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân, xác định việc giải ngân dự án là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành", Bộ Giao thông vận tải yêu cầu.

Khối lượng cần giải ngân trong năm 2023 là rất lớn, do vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu bổ sung nhân sự nội nghiệp, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục nghiệm thu, thanh toán để kịp thời giải ngân kế hoạch vốn được giao.