06:57 14/10/2008

Giải Nobel Kinh tế về tay nhà báo của New York Times

Mai Phương

Một nhà báo phụ trách chuyên mục Op-Ed của tờ New York Times là chủ nhân của giải thưởng Nobel Kinh tế năm nay

 Giáo sư Krugman đã đứng chuyên mục Op-Ed của tờ New York Times từ năm 1999 và có rất nhiều bài bình luận cho chuyên mục này, trong đó được chú ý nhiều nhất là các bài viết phê bình chính sách của đương kim Tổng thống Mỹ George W. Bush.
Giáo sư Krugman đã đứng chuyên mục Op-Ed của tờ New York Times từ năm 1999 và có rất nhiều bài bình luận cho chuyên mục này, trong đó được chú ý nhiều nhất là các bài viết phê bình chính sách của đương kim Tổng thống Mỹ George W. Bush.
Giáo sư kinh tế Paul Krugman thuộc Đại học Princeton của Mỹ, đồng thời còn là một nhà báo phụ trách chuyên mục Op-Ed của tờ New York Times, là chủ nhân của giải thưởng danh giá Nobel Kinh tế năm nay. Quyết định này được Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển công bố ngày 13/10.

Giải thưởng Nobel Kinh tế mà Giáo sư Krugman nhận được có trị giá 1,4 triệu USD.

Giáo sư Krugman đã phát triển các mô hình về cơ cấu thương mại giữa các quốc gia, cũng như về việc hàng hóa nào được sản xuất ở đâu và tại sao. Lý thuyết thương mại truyền thống cho rằng các giữa các quốc gia tồn tại sự khác biệt và các nước sẽ cùng nhau trao đổi các loại hàng hóa khác nhau. Trong khi đó, lý thuyết của Giáo sư Krugman giải thích tại sao thương mại quốc tế lại nằm dưới sự thống lĩnh của một số quốc gia tương đồng với nhau và tại sao một số nước lại nhập khẩu cùng loại hàng hóa mà nước đó sản xuất.

Lý thuyết này đồng thời cũng chỉ ra tác động của sản xuất quy mô lớn đối với thương mại và quá trình đô thị hóa. Theo Giáo sư Krugman, các nước có thể đạt được lợi thế cạnh tranh thông qua việc trợ cấp cho các ngành công nghiệp chủ chốt. Nghiên cứu của ông cũng giải thích việc phát triển sản xuất quy mô lớn trên thị trường thế giới giúp hấp dẫn người lao động tới các thành phố và dẫn tới mức lương cao hơn.

Giới quan sát cho rằng, giải thưởng Nobel Kinh tế dành cho Giáo sư Krugman năm nay đánh dấu sự chấm dứt của quãng thời gian 3 năm liên tiếp giải thưởng này được trao cho các lý thuyết kinh tế hiện đại, thay vì các lý thuyết mang hơi hướng cổ điển như của Giáo sư Krugman. Một số người còn nói vui rằng, sở dĩ có sự thay đổi này là do Ban Giám khảo là các độc giả trung thành của tờ New York Times.

Giáo sư Krugman đã đứng chuyên mục Op-Ed của tờ New York Times từ năm 1999 và có rất nhiều bài bình luận cho chuyên mục này, trong đó được chú ý nhiều nhất là các bài viết phê bình chính sách của đương kim Tổng thống Mỹ George W. Bush. Hiện ông vẫn đang giảng dạy tại Đại học Princeton và trong học kỳ này, ông dạy các môn về lý thuyết và chính sách tiền tệ quốc tế, với các chủ đề hợp thời điểm như khủng hoảng tài chính…

Vị giáo sư 55 tuổi này sinh ra tại đảo Long Island của Mỹ và từng theo học về kinh tế học tại Đại học Yale. Ông được cấp bằng Tiến sỹ tại Viện Công nghệ Massachusetts vào năm 1977, và sau đó tới giảng dạy tại Đại học Princeton. Từ năm 1982 - 1983, ông làm việc tại Hội đồng Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Bloomberg vào ngày 10/10 vừa qua, Giáo sư Krugman cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay có nhiều điểm tương đồng với thời kỳ Đại suy thoái trước đây. “Chúng ta đã phát triển một hệ thống tài chính ngoài tầm kiểm soát”, ông nhận xét. Vào năm 2005, ông từng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ đối với kinh tế Mỹ khi chỉ ra tình trạng bong bóng nhà đất và thâm hụt thương mại của nước này.

Giáo sư Krugman cho biết, ông từng hy vọng có ngày mình được trao giải Nobel Kinh tế nhưng vẫn hoàn toàn bất ngờ khi được biết tin mình là chủ nhân của giải thưởng năm nay. “Đây là một ngày rất không bình thường, nhưng không bình thường theo nghĩa tích cực”, ông nói.

(Theo New York Times, Bloomberg)