18:50 30/05/2023

Giải pháp cho ngành nhôm vượt qua khó khăn

Song Hà

Nhu cầu thị trường giảm mạnh, quyết định áp thuế chống bán phá giá sắp hết hiệu lực, các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc đang chuyển hướng đầu tư sản xuất tại Việt Nam… Đây chính là những thách thức lớn buộc ngành nhôm cần phải có các giải pháp để tồn tại và phát triển mạnh trong thời gian tới...

Nỗi lo lớn nhất của ngành nhôm hiện nay là vấn đề tiêu thụ sản phẩm.
Nỗi lo lớn nhất của ngành nhôm hiện nay là vấn đề tiêu thụ sản phẩm.

Ngành công nghiệp bauxite-alumin mới chỉ phát triển trong hơn 10 năm trở lại đây với sự có mặt của hai công ty thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. Toàn bộ lượng alumin sản xuất tại Việt Nam đều được xuất khẩu. Thị trường Hoa Kỳ chiếm 27,7% giá trị xuất khẩu trong tổng số 2,127 triệu USD.

BA THÁCH THỨC LỚN

Theo Chiến lược phát triển ngành nhôm giai đoạn 2007 - 2015 có xét đến năm 2025 (theo Quyết Định 167/2007/QĐ-TTg), giai đoạn này Việt Nam có hai nhà máy điện phân với công suất 0,4 triệu tấn/năm.

Đến nay việc luyện nhôm chưa thành công, mới chỉ dừng lại ở bột nhôm. Nhà máy luyện nhôm Đắk Nông đang được xây dựng với công suất 450.000 tấn/năm và dự kiến sẽ cho ra mẻ nhôm đầu tiên sử dụng alumin từ Nhà máy nhôm Nhân Cơ vào năm 2024.

Dự báo tốc độ tăng trưởng ngành nhôm Việt Nam đạt khoảng 7%/năm. Các sản phẩm chính ngành nhôm Việt Nam là phôi nhôm thỏi INGOT (chiếm số lượng nhiều nhất), tiếp đến là phôi nhôm BILLET, nhôm định hình PROFILE và nhôm công nghiệp. Các sản phẩm khác: đồ gia dụng, nhôm tấm, nhôm lá, nhôm dây chiếm sản lượng rất thấp.

Tại “Diễn đàn doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam 2023” do Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA) phối hợp với Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tổ chức mới đây, ông Vũ Văn Phụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VAA, đánh giá trong bối cảnh nền kinh tế đang suy thoái hiện nay, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động và ngành nhôm cũng không ngoại lệ.

Phân tích sâu hơn, ông Phụ cho rằng ngành nhôm phải đối mặt với ba thách thức lớn.

Thứ nhất, hiện tượng dư thừa công suất. Số nhà máy sản xuất nhôm hiện nay khoảng 100 nhà máy, chủ yếu là sản xuất nhôm định hình. Năng lực sản xuất nhôm tăng mạnh, khoảng trên 1,2 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Vài năm gần đây, công suất của ngành nhôm bắt đầu dư thừa. Sản lượng chỉ đạt 70% công suất thiết kế, lượng hàng hóa đã vượt xa nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Quý 1/2023, các nhà máy chỉ hoạt động ở mức 30-40% công suất, chủ yếu duy trì việc làm cho người lao động, doanh thu thấp, dòng tiền khó khăn. Trong khi đó, một số doanh nghiệp trong nước đang bán phá giá gây nhiễu loạn thị trường.

Thứ hai, vấn đề phòng vệ thương mại. Nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc đang chiếm tỷ lệ lớn trong thị trường nhôm Việt Nam. Việc nhập khẩu nhôm từ Trung Quốc với giá rẻ đã ảnh hưởng đến sản xuất nhôm trong nước và gây ra sự cạnh tranh khốc liệt tại Việt Nam.

Nhằm bảo vệ sản xuất nhôm trong nước khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh từ các sản phẩm nhập khẩu, Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá với nhôm Trung Quốc từ năm 2019 với mức thuế tạm thời từ 2,49% đến 35,58%, hiệu lực 5 năm, sẽ hết hiệu lực từ tháng 10/2024.

Thứ ba, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư sang ngành nhôm Việt Nam những năm gần đây rất rõ nét; trong đó, chủ yếu là dòng vốn đến từ các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc. Điển hình là vụ việc Công ty Xingfa Quảng Đông đang chuyển hướng đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Theo ông Phụ, sau khi bị áp thuế chống bán phá giá, các nhà sản xuất Trung Quốc đã tìm cách chuyển hướng đầu tư trực tiếp sang Việt Nam để “tráng men xuất xứ”, né thuế phòng vệ thương mại từ các nước.

Đồng thời, việc chuyển cứ điểm sản xuất sang Việt Nam có thể giúp nhôm Trung Quốc rửa nguồn, lấy xuất xứ Việt Nam, tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại mà nhôm Việt Nam đang được hưởng, nhằm tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước như Mỹ, EU, Anh…

“Xu hướng dịch chuyển này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu của các nhà máy nhôm Việt Nam. Các doanh nghiệp lại thêm lần nữa đối mặt với nguy cơ mất đi thị trường trong nước lần 2 như những năm 2018-2019 trước khi áp thuế chống bán phá giá, đồng thời đối mặt với rủi ro bị điều tra, áp thuế lẩn tránh phòng vệ thương mại khi nhôm Việt xuất khẩu sang EU, Mỹ và các thị trường khác”, ông Phụ nhận định.

LIÊN KẾT ĐỂ TĂNG SỨC MẠNH

Tuy nhiên, cơ hội cho thị trường nhôm Việt Nam vẫn rất lớn. Đại diện VAA cho rằng nhôm định hình được kỳ vọng sẽ thống trị thị trường, trong đó ngành xây dựng là động lực thúc đẩy thị trường nhôm Việt Nam.

Việt Nam là thị trường xây dựng tăng trưởng thứ 4 của khu vực châu Á. Với các mục tiêu lớn về cơ sở hạ tầng, nhà ở thì đây chính là động lực phát triển của ngành trong giai đoạn tiếp theo.

Song, để nâng cao năng lực cho ngành nhôm trong bối cảnh hiện nay, theo ông Phụ, trước hết cần xem xét quy hoạch tổng thể ngành nhôm, sản xuất nhôm nguyên chất và tăng cường tái chế nhôm, tiếp cận nguyên liệu “xanh”.

Đối với phòng vệ thương mại, giai đoạn năm 2019-2020, việc áp thuế chống bán phá giá nhôm định hình xuất xứ từ Trung Quốc đã từng là cứu cánh cho các doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam trước bờ vực phá sản, mất đi thị trường trong nước. Do đó, các nhà sản xuất cần xem xét lại tình hình hiện nay và thống nhất quan điểm với VAA để đề nghị Bộ Công thương gia hạn quyết định thêm 5 năm.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 22-2023 phát hành ngày 29-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Giải pháp cho ngành nhôm vượt qua khó khăn  - Ảnh 1