09:38 06/12/2022

Mỹ, EU cân nhắc áp thuế môi trường với thép và nhôm Trung Quốc

Ngọc Trang

Được xây dựng dựa trên một thỏa thuận liên quan giữa Mỹ và EU vào năm ngoái, công cụ thuế quan mới chủ yếu nhằm vào Trung Quốc - nhà sản xuất thép và nhôm lớn nhất thế giới và cũng là một trong những nước gây ô nhiễm nhiều nhất...

Ảnh minh họa: Bloomberg
Ảnh minh họa: Bloomberg

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc áp đặt các loại thuế mới đối với nhôm và thép Trung Quốc, động thái nằm trong nỗ lực ứng phó với tình trạng phát carbon cũng như tình trạng dư thừa công suất và sản lượng của ngành nhôm thép toàn cầu - hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thân cận cho biết.

Động thái này cũng đánh dấu cách tiếp cận mới của Mỹ và EU trong việc thực hiện các mục tiêu về khí hậu của mình, bởi công cụ thuế quan lâu nay thường được dùng trong các tranh chấp thương mại. Thông tin này lập tức giúp giá cổ phiếu của các nhà sản xuất nhôm, thép Mỹ tăng mạnh trong phiên giao dịch ngoài giờ ngày 5/12.

Theo nguồn tin, ý tưởng về việc áp thuế với nhôm, thép Trung Quốc do chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khởi xướng và vẫn đang ở giai đoạn ban đầu xây dựng, chưa được đề xuất chính thức. Sớm nhất phải tới cuối năm sau, thỏa thuận về việc này với EU, bao gồm cụ thể về ngưỡng thuế, mới có thể được thực hiện - nguồn tin giấu tên cho biết.

Được xây dựng dựa trên một thỏa thuận liên quan giữa Mỹ và EU vào năm ngoái, công cụ thuế quan mới chủ yếu nhằm vào Trung Quốc - nhà sản xuất thép và nhôm lớn nhất thế giới và cũng là một trong những nước gây ô nhiễm nhiều nhất.

Theo các nhà phân tích, kế hoạch thuế quan này có thể sẽ làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa Bắc Kinh và Washington, đặc biệt là giữa thời điểm hai bên đều đã cam kết hợp tác chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và EU để cùng giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu là một dấu hiệu tích cực cho mối quan hệ đôi bên giữa lúc căng thẳng leo thang liên quan tới các vấn đề như Luật Giảm Lạm phát. Phía EU cho rằng đạo luật vừa được ký ban hành ở Mỹ vi phạm luật cạnh tranh quốc tế và phân biệt đối xử với các ngành công nghiệp của họ.

Về phía Mỹ, hiên chưa rõ chính quyền của ông Biden sẽ sử dụng thẩm quyền pháp lý nào để áp đặt thuế quan mới. Một nguồn tin thân cận với vấn đề cho biết câu hỏi này vẫn đang được giải quyết nội bộ và trong các cuộc đàm phán với EU cũng như với các đại diện ngành và Quốc hội Mỹ. Nhà Trắng cũng đang thảo luận với các nhà lập pháp về việc thành lập một số cơ quan chức năng mới.

Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai - Ảnh: Bloomberg
Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai - Ảnh: Bloomberg

Vào cuối tháng 10, Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai và đội ngũ của bà đã trình bày ý tưởng này với Ủy viên Châu Âu Valdis Dombrovskis và một số quan chức liên quan khác của EU ở Praha, Cộng hòa Séc. Thời điểm đó, các quan chức EU đã đặt ra một số câu hỏi liên quan tới ý tưởng này, bao gồm tính hợp pháp, sự phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như cơ chế định giá carbon nội bộ của khối - nguồn tin của Bloomberg cho hay.

Nỗ lực hoạt động thương mại đề cao vấn đề khí hậu của Mỹ và EU được đưa ra lần đầu tiên vào tháng 10/2021, khi hai bên giải quyết tranh chấp liên quan tới thuế thép và nhôm do cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt vì lý do an ninh quốc gia. Các quan chức Mỹ hiện vẫn đang cân nhắc mức thuế suất hoặc dải thuế suất sẽ được áp dụng cho các quốc gia khác và Washington muốn thỏa thuận thuế quan với EU có tính ràng buộc về pháp lý.

Theo Bloomberg, một số quốc gia khác đã bày tỏ mong muốn tham gia thảo luận về vấn đề này, nhưng nhiều khả năng thỏa thuận thuế quan mới sẽ không mở rộng thành viên ở giai đoạn đầu. Điều này đồng nghĩa nhôm và thép từ Nhật và các quốc gia khác nhập khẩu vào Mỹ, châu Âu có thể sẽ bị áp các loại thuế mới. Tuy nhiên, nguồn tin cho biết mục tiêu của Mỹ là mở rộng thỏa thuận thuế quan này với các quốc gia khác nhanh nhất có thể, miễn là họ đáp ứng được các điều kiện.

Với chính quyền Tổng thống Biden, đây là thỏa thuận thuế quan đầu tiên thuộc loại này được thảo luận và sẽ là một nhân tố được Nhà Trắng mô tả là chính sách thương mại hướng tới người lao động, tập trung vào bảo vệ các ngành công nghiệp và người lao động ở cả Mỹ và châu Âu.