13:43 27/07/2007

Giải pháp phần mềm giao dịch chứng khoán mới

Ngọc Anh

Việc trang bị hệ thống công nghệ hiện đại là việc làm cấp thiết đối với mỗi công ty chứng khoán trong thời điểm hiện nay

SSB đã được Công ty cổ Phần Chứng khoán Tràng An áp dụng.
SSB đã được Công ty cổ Phần Chứng khoán Tràng An áp dụng.
Việc trang bị hệ thống công nghệ hiện đại là việc làm cấp thiết đối với mỗi công ty chứng khoán trong thời điểm hiện nay.

Sự phát triển mạnh cả về quy mô và số lượng giao dịch của thị trường chứng khoán đòi hỏi các công ty chứng khoán phải nâng cấp, thay đổi hệ thống nhằm phục vụ các nhà đầu tư tốt hơn, cũng như đảm bảo thích ứng linh hoạt trước sự thay đổi của thị trường.

Mới đây, Công ty Cổ phần Phát triển phần mềm chứng khoán Việt Nam (VSSD) đã xây dựng hệ thống Securities BackOffice System (SBS), một giải pháp đồng nhất phục vụ các hoạt động giao dịch của các công ty chứng khoán.

Theo VSSD, SBS tích hợp các chức năng hỗ trợ các nghiệp vụ hoạt động của mỗi công ty chứng khoán trên cùng một nền tảng công nghệ, và SBS cho phép xử lý thông suốt giữa các nghiệp vụ phát sinh từ phía khách hàng đến hạch toán kế toán nội bộ.

Phó giám đốc phụ trách phát triển phần mềm của VSSD, ông Võ Công Văn, cho hay SBS không chỉ đáp ứng đầy đủ các nghiệp vụ hiện tại của các công ty chứng khoán mà còn sẵn sàng mở rộng các nghiệp vụ mới theo yêu cầu của thị trường.

Đánh giá về SBS, ông Lê Hồ Khôi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Tràng An - một doanh nghiệp đang áp dụng hệ thống này - cho biết, việc tích hợp các nghiệp vụ nội bộ trên cùng một hệ thống đã giúp Tràng An trong việc quản lý khách hàng, xử lý lệnh, cũng như hoạt động kế toán được tối ưu.

Vẫn theo ông Lê Hồ Khôi, hệ thống dữ liệu tập trung cho phép khách hàng của Tràng An có thể giao dịch tại tất cả các phòng giao dịch, chi nhánh của công ty cũng như đặt lệnh tại tất cả các đại lý nhận lệnh.

Còn ông Trương Hùng Long, Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính nhận định hiện có 58 công ty chứng khoán đã được cấp phép hoạt động, song phần lớn trong số đó có hệ thống công nghệ chỉ đáp ứng nhu cầu đầu tư hiện tại, nếu thị trường tăng trưởng nhanh về quy mô và chất lượng thì sẽ khó đáp ứng nổi.

Đại diện của Bộ Tài chính đưa ra ví dụ, khi thị trường giao dịch chứng khoán tăng thêm số lần khớp lệnh, hoặc chuyển qua giao dịch khớp lệnh liên tục thì các công ty chứng khoán sẽ gặp trở ngại với hạ tầng hiện có.

“Do đó, việc ứng dụng một hệ thống đồng nhất, tích hợp và có tính mở là giải pháp cho các công ty chứng khoán”, ông Trương Hùng Long nói.