Giải pháp tài chính đầu tư đường bộ cao tốc: Lựa chọn kênh tiếp cận
Đối thoại chuyên đề “Giải pháp tài chính đầu tư đường bộ cao tốc - Lựa chọn kênh tiếp cận” được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên nền tảng VnEconomy và FanPage VnEconomy vào 14 giờ, thứ Hai, ngày 25/10...
Ngày 1/9/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch này, từ nay đến năm 2030, dự kiến hoàn thành đầu tư trên 5.000 km đường bộ cao tốc, với số vốn ước tính trên 29 tỷ USD. Quy hoạch cũng xác định huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư, chủ yếu theo phương thức đối tác công tư (PPP), ngân sách nhà nước tham gia vào dự án đóng vai trò “vốn mồi”.
Đáng lo ngại, hiện tại, có nhiều dự án đường cao tốc hoàn thiện phương án khả thi nhưng bế tắc nguồn vốn, có thể dẫn đến các mục tiêu Chính phủ đặt ra khó trở thành hiện thực.
Song song với đó, quá trình thực hiện các dự án BOT thời gian qua cũng tồn tại không ít bất cập trong các khâu như: lập dự án, tư vấn, thẩm định và phê duyệt, làm đội vốn, tính toán dòng tiền không sát với phương án tài chính ban đầu, dẫn đến hậu quả nợ đọng cho ngân hàng và bức xúc trong dư luận.
Với mục tiêu đến 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc có chiều dài trên 5.000 km, với số vốn ước tính trên 29 tỷ USD, Tạp chí Kinh tế Việt Nam-VnEconomy chủ trì tổ chức Đối thoại chuyên đề: “Giải pháp tài chính đầu tư đường bộ cao tốc - Lựa chọn kênh tiếp cận”, tập trung giải quyết bài toán tài chính tổng thể và phân kỳ, trong đó, có đề cập tới một số dự án cấp thiết.
Phiên đối thoại cũng thảo luận về việc khơi thông các vướng mắc, bất cập nêu trên, nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao tính khả thi của dự án, đặc biệt là phương án tài chính khi dự án đi vào vận hành.
Đối thoại chuyên đề “Giải pháp tài chính đầu tư đường bộ cao tốc: Lựa chọn kênh tiếp cận” bao gồm 2 nội dung chính:
Phần 1: Nhận diện và đánh giá bức tranh đường bộ cao tốc thời gian qua, trong đó nhấn mạnh tới những bất cập của dự án BOT giao thông và mục tiêu xây dựng 5.000 km đường cao tốc 10 năm tới.
Phần 2: Tìm kiếm và lựa chọn các kênh vốn đầu tư cho dự án BOT giao thông.
Tham gia Đối thoại sẽ có các chuyên gia tài chính, ngân hàng, đại diện Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.
- TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội;
- Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước;
- Ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC);
- TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia;
- Ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Ban Tài trợ Dự án - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV);
- Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam;
-TS. Cấn Văn Lực và Nhà báo Đặng Hương, Trưởng ban Đầu tư – Hạ tầng, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy, sẽ điều hành tọa đàm.
Nội dung Đối thoại chuyên đề sẽ được phát trực tuyến vào lúc 14 giờ, thứ Hai, ngày 25/10 trên VnEconomy và Fanpage VnEconomy.
Cùng với đó, toàn bộ nội dung phiên đối thoại cũng được thể hiện trên chuyên mục Tiêu điểm của VnEconomy và số 68 (6176) Tạp chí Kinh tế Việt Nam phát hành ngày 25/10/2021.
Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi!