16:01 19/10/2021

5 năm tới, đưa vào khai thác gần 1.200km đường cao tốc, ưu tiên vùng có sức lan tỏa

Anh Tú

Trong chương trình hành động của Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026, với lĩnh vực đường bộ, Bộ sẽ ưu tiên những vùng động lực có sức lan tỏa và phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 1.176 km cao tốc, 1.600 km đường bộ, 7 cầu lớn...

Ngành giao thông phấn đấu hoàn thành và đưa vào khai thác khoảng 1.176km đường cao tốc giai đoạn 2021 - 2025.
Ngành giao thông phấn đấu hoàn thành và đưa vào khai thác khoảng 1.176km đường cao tốc giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể vừa ký Quyết định số 1802/QĐ-BGTVT ban hành Chương trình hành động của Bộ Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh - tế xã hội 5 năm 2021-2025.

Chương trình hành động của Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026 nhằm phát huy tối đa nội lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển ngành giao thông vận tải theo hướng hiện đại, giao thông thông suốt, thuận tiện. Kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ, kết nối các phương thức vận tải hiệu quả trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ số.

Đồng thời, phát triển các phương tiện giao thông vận tải hiện đại, đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phù hợp với các thỏa thuận và điều ước quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Giải quyết triệt để các điểm nghẽn giao thông, điểm đen an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông…

Đáng chú ý, trong lĩnh vực đường bộ, Bộ Giao thông vận tải sẽ đặt trọng tâm trong việc tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021.

“Đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù để huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ. Nghiên cứu để tiếp tục phân cấp, phân quyền hơn nữa trong lĩnh vực quản lý hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô từ trung ương cho cơ quan quản lý địa phương hoặc các thành phần khác của xã hội có đủ năng lực đảm nhiệm để phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội”, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

 

"Ưu tiên những vùng động lực có sức lan tỏa lớn và những vùng khó khăn, tập trung triển khai tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc vành đai đô thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 1.176 km cao tốc; đưa vào khai thác sử dụng 1.600 km đường bộ, 07 cầu lớn đường bộ". 

Bộ Giao thông vận tải.

Trên cơ sở Quy hoạch mạng đường bộ được phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải sẽ xác định thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư, trình cấp có thẩm quyền chấp thuận đưa vào kế hoạch đầu tư công hàng năm hoặc đầu tư bằng các hình thức khác.

Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, các sản phẩm dịch vụ và các sáng kiến mới trong xây dựng công trình giao thông và công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

“Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 sửa chữa hơn 4.100 km đường bộ, 1.960 chiếc cầu. Xóa bỏ các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông về số vụ, số người chết và bị thương khoảng 8%/năm”, Bộ Giao thông vận tải cho biết.

Ngoài ra, Bộ sẽ đẩy mạnh ứng dụng chính phủ điện tử, khẩn trương xây dựng bổ sung, đưa vào thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trong ngành đường bộ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân nộp phí, lệ phí đường bộ bằng hình thức không dùng tiền mặt.

Thúc đẩy hoạt động thu phí không dừng, tăng cường minh bạch doanh thu của các trạm thu phí đường bộ. Phấn đấu tăng mức độ dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 2 lên mức độ 3, mức độ 4. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ tăng cường hội nhập quốc tế về vận tải đường bộ thông qua việc nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đường bộ kết nối với các nước láng giềng và các tuyến đường bộ kết nối khu vực thuộc hệ thống Mạng lưới đường bộ ASEAN, đường bộ Xuyên Á. Khuyến khích và thúc đẩy việc triển khai các điều ước quốc tế về tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải qua biên giới bằng phương tiện đường bộ mà Việt Nam tham gia ký kết.

Ngoài ra, nâng cao chất lượng công tác quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và cam kết trong các Điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia, ký kết. Chú trọng chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Giám sát, xử phạt nghiêm các vi phạm về bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Phấn đấu giảm 10% hàng năm lượng xe vi phạm quy định về tải trọng, kích thước.

Đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các khuyến nghị của Tổ chức đăng kiểm ô tô quốc tế CITA, các hiệp định, hiệp ước và thông lệ quốc tế. Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 02 trung tâm thử nghiệm nằm trong hệ thống thử nghiệm của Châu Á - Thái Bình Dương được công nhận.

Xây dựng chương trình, đề án quốc gia phát triển phương tiện giao thông vận tải, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường trong đó có phương tiện giao thông điện trình Thủ tướng Chính phủ…