11:41 08/08/2021

Giải quyết bài toán lao động ra sao thời hậu dịch?

Lê Dương Anh Tuấn *

Khi các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt được áp dụng tại nhiều địa phương, đặc biệt là hai trung tâm kinh tế lớn TP.HCM và Hà Nội, khiến cho tốc lực của nền kinh tế bị chậm lại thì vấn đề hồi phục kinh tế sau đại dịch sẽ là mối quan tâm rất lớn của Chính phủ, giới doanh nghiệp và cả xã hội...

Việc hồi phục cần hiểu không chỉ là trở về trạng thái trước dịch, mà còn phải có định hướng thay đổi phù hợp để không lỡ nhịp với thế giới.

YẾU TỐ CÔNG NGHỆ ĐÓNG VAI TRÒ THEN CHỐT 

Theo báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey (MGI), đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn thị trường lao động trên toàn cầu trong năm 2020. Hậu quả của cú sốc này là hàng triệu người bị sa thải hoặc mất việc làm. Các biện pháp giãn cách được áp đặt làm gián đoạn quá trình sản xuất sẽ tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp triển khai tự động hóa cũng như chuyển đổi số và các biện pháp khác để thay đổi nhanh chóng cách thức kinh doanh.

Tình hình đó sẽ làm giảm nhu cầu lao động của một số ngành nghề. Ví dụ như công việc trực tiếp tương tác với khách hàng trong các cửa hàng bán lẻ, ngân hàng hay bưu điện sẽ có nguy cơ bị cắt giảm do sự phát triển và áp dụng rộng rãi của các nền tảng thương mại điện tử hay các phương thức giao dịch số. Nhân viên phục vụ ăn uống hay nhân viên đứng máy cũng được xem đối mặt với sự thay thế của robot và dây chuyền tự động hóa.

Tuy viễn cảnh áp dụng robot, AI hay dây chuyền tự động hóa rộng rãi ở Việt Nam chưa hẳn sẽ khả thi ngay sau đại dịch nhưng điều này hàm ý rằng đối với bất kỳ quốc gia nào, những công việc phổ thông đơn giản sẽ mất đi và bị thay thế nhanh hơn bằng những công việc có trữ lượng tri thức cao từ sau cột mốc Covid-19, đòi hỏi các bên liên quan phải nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng lao động.

Giải quyết bài toán lao động ra sao thời hậu dịch? - Ảnh 1

Tốc độ đào tạo lao động chất lượng cao của Việt Nam hiện nay vẫn còn rất chậm. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 nêu ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 70% lao động được qua đào tạo có bằng và chứng chỉ sơ cấp trở lên. Nhưng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê vào năm ngoái thì con số này chỉ đạt 24,1%.

Tính thiếu chuyên nghiệp, kỹ năng và kiến thức chậm được cập nhật của lực lượng lao động sẽ khó đáp ứng những nhu cầu của thị trường. Tư duy chấp hành kỷ luật và tuân thủ các quy định lao động chưa cao, tác phong làm việc còn nặng tính tự phát là những rào cản đối với năng suất lao động.

Đồng thời, sức ép của dịch bệnh đã làm tăng đáng kể số lao động thiếu việc làm ở cả ba khu vực kinh tế và khiến nhiều người buộc phải trở thành lao động trong khu vực phi chính thức. Trong số đó, các ngành dịch vụ du lịch, lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và các hoạt động kinh doanh vận tải và giải trí hiện đang sử dụng hơn 24,1 triệu lao động, tức 44,2% tổng số việc làm.

Tại Việt Nam, đây là những lĩnh vực thường xuyên thâm dụng lao động và đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do đại dịch, nếu không có giải pháp xử lý cụ thể sẽ để lại một lượng dư thừa nan giải trên thị trường.

Một vấn đề khác, một trong những tác động gián tiếp (indirect effect) của đại dịch Covid-19 là kéo lùi chất lượng đào tạo nói chung, gây lo ngại đối với lực lượng lao động trong tương lai. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lượng GenZ (nhóm người sinh ra trong khoảng thời gian 1997-2012) trong độ tuổi lao động (từ 15 tới 24 tuổi) vào năm 2019 vào khoảng 13 triệu người. Tới năm 2025, GenZ dự kiến sẽ đóng góp vào một phần ba lực lượng trong độ tuổi lao động tại Việt Nam và sẽ có ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động trong nước.

Các biện pháp giãn cách khiến cho công tác đào tạo đại học và đào tạo nghề chủ yếu được thực hiện qua phương thức trực tuyến. Chất lượng thực tế của từng buổi đào tạo không thể tránh khỏi có thể nằm dưới mức kỳ vọng. Việc sát hạch kiến thức nhiều nơi được triển khai lỏng lẻo hơn so với trước. Điều này cũng tạo ra lo ngại về khoảng cách giữa nhu cầu công việc và khả năng đáp ứng thực tế của sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp.

Trong một báo cáo của PwC Việt Nam, các kết quả khảo sát cho thấy GenZ Việt Nam tuy có cảm nhận tích cực về công nghệ, nhưng cũng là thế hệ tỏ ra lo ngại nhất. Ba mối quan ngại lớn nhất được GenZ đưa ra là công nghệ sẽ khiến vai trò của họ trở nên thừa thãi (51%), sẽ không có năng lực phù hợp (26%) và không thể học các kỹ năng phù hợp (12%).

PHỤC HỒI TRONG SỰ THAY ĐỔI 

Có một vấn đề mang tính căn cơ là tình trạng quy hoạch chuyển dịch cơ cấu lao động chưa đồng bộ với các chính sách khác. Quá trình công nghiệp hóa gắn liền với đô thị hóa. Và khi đô thị hóa diễn ra sẽ thúc đẩy chuyển dịch lao động từ nông thôn vào thành thị. Tuy nhiên, một bộ phận lao động nông thôn vì chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyển đổi nghề nghiệp nên dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp và vòng luẩn quẩn của đói nghèo.

Tình hình này cộng hưởng với việc phải đào tạo bắt kịp với các xu hướng của toàn cầu nhằm đáp ứng dần những việc làm tương lai, sẽ đặt Chính phủ và các cơ quan chuyên môn trước việc hoàn thành một “mục tiêu kép” khác, đó là vừa phải đào tạo được lao động chất lượng cao, vừa phù hợp với xu hướng phát triển việc làm. Và để làm được việc này thì chính sách được hoạch định cần hướng đến cả hai phía cung – cầu của thị trường.

Đối với phía cung, một ví dụ là trong báo cáo về “Tương lai việc làm Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018 nêu ra 5 xu hướng lớn tác động đến tình hình việc làm của Việt Nam, trong đó có sự phát triển của tầng lớp tiêu dùng ở châu Á và Việt Nam. Theo ước tính, đến năm 2030 sẽ có hơn 90% số hộ gia đình ở các nước châu Á đang phát triển (kể cả Việt Nam) sẽ có thu nhập khả dụng thừa để tiêu dùng, từ đó tạo thành một tầng lớp tiêu dùng có quy mô đáng kể.

Như đã đề cập ở trên, yếu tố công nghệ sẽ đóng vài trò then chốt, cộng với xu thế này sẽ mang đến cơ hội cho những ngành như dịch vụ và thương mại bán buôn và bán lẻ. Chiến lược đảm bảo “mục tiêu kép” trong trường hợp này có thể là thúc đẩy đào tạo nhân lực chất lượng cao tập trung vào đáp ứng nhu cầu lao động trong phân khúc thương mại điện tử và các phương thức thanh toán số.

Bên cạnh đó, đối với phía cầu của thị trường thì trước hết là các gói giải pháp cho doanh nghiệp cần được thực hiện có trọng tâm, thiết thực hơn. Cụ thể, đối với những doanh nghiệp thuộc các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp có chuỗi sản xuất và doanh nghiệp đầu chuỗi nên sẽ được tập trung tháo gỡ khó khăn, để có thể hỗ trợ một điểm nhưng kích hoạt được nhiều điểm. Ví dụ như hỗ trợ kích cầu thông qua phát phiếu mua hàng có hạn sử dụng được áp dụng tại các địa phương du lịch, sẽ thúc đẩy việc chi tiêu cho nhiều sản phẩm và dịch vụ khác như lưu trú, nhà hàng, ăn uống.

Đồng thời, cần có các chính sách và cơ chế, pháp luật ưu tiên hơn để “nuôi dưỡng” những doanh nghiệp đang kinh doanh trong những lĩnh vực lành mạnh và có tiềm năng lớn. Bên cạnh các biện pháp hỗ trợ chung như giảm, giãn, hoãn các loại thuế, phí thì cần có các giải pháp tài khóa như chương trình ưu đãi thuế trong khoảng thời gian nhất định để khuyến khích các ngành như chuyển đổi số, kinh tế xanh và đô thị thông minh phát triển.

Trong ngắn hạn, vấn đề chất lượng đào tạo đại học và đào tạo nghề có thể cân nhắc những giải pháp tình thế như đối với những môn học trọng yếu của ngành, nên chọn những giảng viên giảng dạy tốt nhất của bộ môn để đào tạo cho người học thông qua các buổi học trực tuyến chung. Điều này giúp không đánh rơi chất lượng chuyên môn trong suốt quá trình học tập của sinh viên và học viên.

Ngoài ra, các cấp quản lý nên nghiên cứu các chính sách hỗ trợ cho các đơn vị trực tiếp đào tạo lao động nắm bắt tốt các nhu cầu tuyển dụng và có thể thiết kế các học phần đào tạo bổ sung theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp và nhanh chóng nắm bắt công việc ngay, đỡ chi phí đào tạo lại của các doanh nghiệp. Về dài hạn cần cân nhắc mở rộng việc giao cho doanh nghiệp trực tiếp thực hiện đào tạo và tuyển dụng lao động sau đào tạo, gắn tuyển sinh với tuyển dụng.

Chính phủ cần chú ý có các chính sách thúc đẩy tạo việc làm đầy đủ để phát huy hiệu quả toàn bộ lực lượng lao động. Hạn chế hiệu ứng “sung túc giả” trên thị trường lao động thông qua tỷ lệ thất nghiệp giảm, nhưng không phải do số lượng công việc được tạo ra nhiều hơn mà là do tỷ lệ người thất nghiệp ngừng tìm kiếm việc làm tăng lên bởi thiếu việc làm.

Dịch Covid-19 không chỉ gây đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hóa mà còn làm đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Sau dịch, nhu cầu tuyển dụng lao động phù hợp có thể tăng đột biến khiến chi phí lương tăng và mặt bằng giá cả bị ảnh hưởng, góp phần tạo thêm áp lực đối với công tác kiểm soát lạm phát.

Do đó, Chính phủ cần giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến cung – cầu lao động, việc làm cũng như giải quyết triệt để các bất cập về cơ chế, chính sách và nắm bắt tốt các xu hướng mới để có định hướng phù hợp, góp phần rất lớn đảm bảo giá trị tích cực cho các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế.

—————

(*) Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM