Giảm đóng bảo hiểm xã hội còn 15 năm: Tính toán kỹ mức hưởng tương ứng
Theo các chuyên gia, việc rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn 15 năm cần tính toán kỹ mức hưởng phù hợp. Bởi vì, khi giảm năm đóng mà mức hưởng quá thấp sẽ không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cho người về hưu…
Tại dự thảo đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ mới đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí.
Hướng sửa đổi là giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Như vậy, so với dự thảo lần đầu là đề xuất giảm số năm đóng từ 20 năm xuống còn 15 năm, tiến tới còn 10 năm, hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đề xuất một phương án là giảm còn 15 năm.
TỶ LỆ HƯỞNG QUÁ THẤP, KHÔNG ĐẢM BẢO MỨC SỐNG TỐI THIỂU
Trao đổi với VnEconomy về đề xuất này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, chủ trương giảm thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ hưu trí là cần thiết. Bởi điều kiện hiện nay để một người được hưởng lương hưu là có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội 20 năm và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật lao động.
Theo ông Quảng, với số năm tham gia bảo hiểm xã hội là 20 năm thì hầu hết người lao động đều cho là khá cao, ngay cả trên thế giới việc quy định 20 năm đóng cũng vậy, do đó giảm thời gian đóng là phù hợp.
“Tuy nhiên, việc giảm năm đóng cần có thêm các chính sách sửa đổi một cách đồng bộ. Giảm nhưng phải tính toán rất kỹ mức hưởng sao cho phù hợp, hiện nay theo quy định đóng đủ 20 năm thì được hưởng 45%. Vì vậy, khi giảm năm đóng mà mức hưởng tương ứng quá thấp thì sẽ không đảm bảo mức sống tối thiểu cho người về hưu”, ông Quảng nêu quan điểm.
Nhấn mạnh thêm rằng, giải quyết vấn đề này cần có nhiều giải pháp và sửa đổi nhiều chính sách đi kèm, ông Quảng lý giải là nếu tách bạch một chế độ bảo hiểm xã hội khi nhìn rộng hơn sẽ không đảm bảo chính sách an sinh về lâu dài.
“Việc sửa đổi cần nhìn trong bối cảnh tổng thể, để đảm bảo chính sách bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt và nguyên tắc đóng hưởng công bằng. Rõ ràng đây là một đề xuất tách bạch nhưng lại cần có các giải pháp đi kèm. Đó là làm sao khi giảm thời gian đóng nhưng người về hưu cần được hưởng mức lương hưu đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Tôi cho rằng, đây là những bài toán mà chúng ta sau này cần tính toán cụ thể và bàn rất kỹ”, ông Quảng nhấn mạnh.
LINH HOẠT TRONG CHÍNH SÁCH HƯU TRÍ
Cũng trao đổi về vấn đề này, TS Phạm Đình Thành, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học bảo hiểm xã hội nói rằng, việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm để được hưởng lương hưu cũng là một giải pháp để tạo cơ hội cho những người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thấp được nhận lương hưu.
“Như vậy là chúng ta đang từng bước tiếp cận với phương thức linh hoạt trong chính sách hưu trí như nhiều quốc gia khác. Ví dụ, tôi biết như ở Đức, thời gian đóng tối thiểu là 5 năm được hưởng lương hưu, nhưng với điều kiện tiên quyết là phải đủ tuổi nghỉ hưu.
Trong cuộc đời lao động của mỗi người, không phải ai cũng “thuận buồm xuôi gió” để có việc làm liên tục và tham gia bảo hiểm xã hội không ngắt quãng, mà sẽ có những giai đoạn ngừng nghỉ, thất nghiệp hoặc chuyển đổi từ làm công ăn lương sang tự hành nghề hoặc đan xen nhau”, TS Phạm Đình Thành dẫn chứng.
Vì vậy, theo ông Thành, việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu là nhằm gắn chính sách với thực trạng đời sống lao động của mọi người và làm cho Luật Bảo hiểm xã hội dễ đi vào đời sống một cách sâu rộng hơn.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây nhất Bộ Tư pháp trong báo cáo thẩm định dự luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng đánh giá, giải pháp giảm số năm đóng sẽ góp phần thúc đẩy gia tăng số lượng người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu.
Bộ Tư pháp cho rằng, đây là một trong những chính sách lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, nếu đóng với thời gian ngắn, mức lương hưu người lao động nhận được thấp, có thể không đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động khi nghỉ hưu. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ phải điều chỉnh lương hưu đối với người có lương hưu thấp trong tương lai, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Theo Bộ Tư pháp, với chính sách này, cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá kỹ các tác động, nhất là tác động về kinh tế, xã hội. Đồng thời, cần làm rõ tỷ lệ lương hưu tương ứng như thế nào với thời gian đã giảm dần, tức là giữ nguyên mức hưởng 45% như hiện hành hay giảm xuống tỷ lệ nào mà vẫn đảm bảo được điều kiện sống cho người lao động.
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2020, cả nước có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Trong đó, chỉ có khoảng trên 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng.
Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (1,8 triệu người) thì tổng cộng có khoảng gần 5 triệu người được hưởng các khoản trợ cấp hàng tháng.
Như vậy, đến nay vẫn còn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội hoặc tầng an sinh xã hội nào khác.