18:48 31/10/2023

Giảm hơn 7.200 tỷ đồng vốn đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP.HCM sau cập nhật

Thiên Ân

Sau khi cập nhật lại, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đã giảm 7.200 tỷ đồng, từ 18.900 tỷ đồng được duyệt xuống còn 11.700 tỷ đồng...

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM là tuyến huyết mạch mang tính chiến lược kết nối TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và vùng Đông Nam Bộ.
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM là tuyến huyết mạch mang tính chiến lược kết nối TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và vùng Đông Nam Bộ.

Trong công văn báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và Ủy ban nhân dân TP.HCM về tình hình giải ngân vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cho biết như trên.

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, thời điểm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 3 TP.HCM, các địa phương là TP.Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh nhận thức rằng nguồn vốn cần được bố trí đầy đủ, tránh thiếu hụt kinh phí dẫn đến phải báo cáo Quốc hội điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Trên cơ sở đó, các địa phương đã khái toán chi phí bồi thường dựa trên nguyên tắc: Căn cứ vào ranh bản đồ chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), cung cấp chập ranh hiện trạng bản đồ Google Map, các vị trí có nhà trên bản đồ Google thì dự kiến là đất ở và tính đủ hạn mức theo quy định (từ 200 m2 đến 300 m2).

Đơn giá bồi thường cũng được khái toán theo mức cao nhất trong khung hệ số điều chỉnh giá đất. Đối với công trình, vật kiến trúc và các khoản hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đều dự kiến theo mức cao nhất. Bên canh đó, các khu đất do nhà nước trực tiếp quản lý theo quy định không được bồi thường, nhưng khi khái toán cũng tính luôn diện tích này như trường hợp được bồi thường. Vì vậy, khái toán kinh phí bồi thường rất cao, lên tới hơn 25.600 tỷ đồng.

Đến thời điểm dự án được duyệt cuối năm 2022, nguồn vốn này cập nhật còn hơn 18.900 tỷ đồng. Sau khi rà soát hồ sơ pháp lý đất của người dân và quỹ đất đền bù, các địa phương xác định tổng chi phí bồi thường, tái định cư cho dự án còn 11.700 tỷ đồng, giảm hơn 7.200 tỷ đồng so với mức phê duyệt.

Cụ thể, nhu cầu kinh phí bồi thường của TP. Thủ Đức cần là 6.225 tỷ đồng, huyện Củ Chi cần 1.718 tỷ đồng, huyện Hóc Môn 1.614 tỷ đồng và huyện Bình Chánh 1.687 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hạ tầng khu tái định cư và các chi phí khác là 453 tỷ đồng. 

Như vậy, so với khái toán lúc lập nghiên cứu tiền khả thi đến thời  điểm cập nhật cuối cùng, tổng nguồn vốn dành cho bồi thường, giải phóng mặt bằng đã giảm gần 60%, từ 25.600 tỷ đồng xuống còn 11.700 tỷ đồng, giảm 12.800 tỷ đồng. Và đây không phải là dự án duy nhất ở TP.HCM thừa vốn sau cập nhật.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM được phê duyệt theo Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 3. Dự án có tổng chiều dài 89 km, đi qua địa bàn các tỉnh: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An.

Sau hơn 10 năm được phê duyệt quy hoạch chi tiết, đến nay toàn dự án mới chỉ có đoạn Bình Chuẩn - Tân Vạn (đoạn 2) dài 16,3 km qua địa bàn tỉnh Bình Dương đã được đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng.

Đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM chiều dài hơn 47 km, có tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỷ đồng, gồm chi phí xây dựng hơn 22.400 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 18.000 tỷ đồng. Riêng đoạn đi qua TP. Thủ Đức có chiều dài gần 15 km, chiếm gần 1/3 tổng chiều dài đoạn qua địa phận TP.HCM tính từ điểm giáp với nút cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và kết thúc tại nút giao Tân Vạn. 

Ngoài đoạn Bình Chuẩn – Tân Vạn qua Bình Dương đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng, các đoạn còn lại qua địa phận các địa phương TP.HCM, Đồng Nai và Long An đã đồng loạt khởi công hồi tháng 6/2023 vừa qua. Dự án được dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2026.