22:10 26/01/2011

Giảm lãi suất và ẩn số từ lạm phát

Nguyễn Hoài

Đầu năm, thị trường ngoại hối, vàng tạm ổn định, nhưng lãi suất cao ngất ngưởng đang là vấn đề khó xử lý đối với Ngân hàng Nhà nước

Nhiều doanh nghiệp hy vọng, hết quý 1/2011, chỉ tiêu tín dụng năm mới được mở, lãi suất sẽ giảm.
Nhiều doanh nghiệp hy vọng, hết quý 1/2011, chỉ tiêu tín dụng năm mới được mở, lãi suất sẽ giảm.
Đầu năm, thị trường ngoại hối, vàng tạm ổn định, nhưng lãi suất cao ngất ngưởng đang là vấn đề khó xử lý đối với Ngân hàng Nhà nước.

Nhiều doanh nghiệp hy vọng, hết quý 1/2011, chỉ tiêu tín dụng năm mới được mở, lãi suất sẽ giảm. Nhưng mong muốn này còn phụ thuộc khả năng kiểm soát lạm phát.

Ngày 26/1, tại buổi gặp mặt báo chí đầu xuân Tân Mão, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã công bố một số thông tin đáng chú ý.
 
Theo ông, nhờ ứng phó khá kịp thời trước những bất thường, điều hành chính sách tiền tệ năm 2010 đã đạt được mục tiêu căn bản nhất của Chính phủ giao là hỗ trợ tích cực chống suy giảm kinh tế, đồng thời, giữ ổn định thị trường tiền tệ ở mức độ chấp nhận được.

Ngân hàng Nhà nước đưa ra số liệu: so sánh mốc 31/12/2010 với 31/12/2009, tín dụng toàn hệ thống tăng 29,81% (VND tăng 25,3%; ngoại tệ tăng 49,3%) nhưng nếu trừ hư số do tỷ giá và giá vàng tăng thì tổng dư nợ chỉ tăng 27,6% (VND tăng 25,3%, ngoại tệ tăng 37,7%).

Song song, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 25,3%, huy động vốn tăng 27,2% và nếu trừ hư số (như nói trên) thì tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 23%, huy động vốn tăng 24,5%.

Ngoài ra, sau khi áp đặt mức lãi suất huy động 14%/năm, lãi suất cho vay bình quân đang là 15,27%/năm.

Tuy nhiên, đó là mức lãi suất mang tính chất “bình quân”, còn thực tế doanh nghiệp tiếp cận với lãi suất vài chục phần trăm/năm là chuyện bình thường. Rất nhiều doanh nghiệp cuối năm thiếu vốn chi trả, thanh toán đã phải bán hàng hóa, nguyên liệu sản xuất với giá rẻ hơn, chấp nhận nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất đang nhãn tiền khi bước vào năm mới, để thực hiện nghĩa vụ thanh toán với khách hàng.

Vì  thế, các doanh nghiệp hiện nay đang "dài cổ" chờ lãi suất giảm, và đó cũng là áp lực lớn nhất của Ngân hàng Nhà nước, nhất là đặt bài toán này trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2011 tăng 1,74%.

Thống đốc cho biết, khá nhiều chuyên gia tư vấn cho Ngân hàng Nhà nước rằng, nếu lạm phát vẫn cao, Ngân hàng Nhà nước cần sử dụng các công cụ để kéo lãi suất xuống. Tuy nhiên, hướng xử lý này mâu thuẫn với lý thuyết kinh điển. Bởi lẽ, nếu lạm phát cao thì phải thắt chặt tiền tệ để góp phần giảm lạm phát, như thế, lãi suất sẽ phải tăng; ngược lại, khi lạm phát cao, muốn giảm lãi suất thì phải nới rộng cung tiền và do đó, sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng “lạm phát ỳ”, kéo dài năm nọ qua năm kia.

Bởi thế, Ngân hàng Nhà nước đang “phấp phỏng” hy vọng CPI tháng 2/2011 chỉ tăng thấp, không như mức tăng 1,74% của tháng 1/2011, để việc xử lý giảm lãi suất thuận lợi hơn.

Xung quanh câu chuyện lãi suất và lạm phát, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phân tích rằng, lạm phát bất thường năm 2010 không chịu nhiều tác động từ chính sách tiền tệ, mà là từ yếu tố ngân sách và đầu tư (mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống và tổng phương tiện thanh toán lần lượt chỉ là 27,6% và 25,3%).

Trong khi đó, năm 2009, Chính phủ triển khai gói hỗ trợ nền kinh tế lên tới 8 tỷ USD, trong đó hỗ trợ lãi suất khoảng 1 tỷ USD. Tiền ngân sách năm 2009 tung ra nhiều, nhưng thu về lại không lớn vì miễn, giảm, hoãn, giãn thuế, thu ngân sách thấp hơn các năm trước nên mới xảy ra bội chi ngân sách tới 6% - 7% GDP.

Nếu đúng như vậy, giải bài toán “giảm lãi suất” phải lần lượt đi từ giảm lạm phát, muốn giảm lạm phát thì phải thắt chặt chi tiêu ngân sách. Và như thế, mong mỏi “hết quý 1/2011, lãi suất sẽ giảm” của doanh nghiệp có vẻ thật mong manh, bởi “nước xa khó cứu lửa gần”.