Giảm liền 9 phiên, giá dầu rơi vào “thị trường gấu”
Giá dầu tại thị trường Mỹ ngày 8/11 có phiên giảm thứ 9 liên tiếp, rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống
Giá dầu tại thị trường Mỹ ngày 8/11 có phiên giảm thứ 9 liên tiếp, rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market), hay còn gọi là thị trường gấu. Phiên này, thị trường "vàng đen" đó nhận thêm những dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu gia tăng dù nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đạt mức kỷ lục.
Giá dầu thế giới đã sụt giảm liên tiếp trong 5 tuần qua, dưới sức ép của đợt bán tháo tài sản rủi ro trên toàn cầu trong tháng 10, những dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu yếu đi, và sản lượng dầu tăng từ các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Xu hướng giảm giá của dầu thô tiếp tục trong tuần này, sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng biện pháp miễn trừ với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ, cho phép các nền kinh tế này tiếp tục được nhập khẩu dầu từ Iran trong 180 ngày nữa mà không phải chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
"Kết quả là nguồn cung dầu sẽ tăng lên mức cao hơn so với những gì thị trường dự báo", ông Andrew Lipow, Chủ tịch Lipow Oil Assets, nhấn mạnh với hãng tin CNBC. "Có vẻ như nguồn cung dầu tư Iran sẽ chỉ giảm khoảng 1-1,2 triệu thùng/ngày, mà các nước OPEC và đối tác có thể tăng nguồn cung nhiều hơn thế".
Diễn biến giá dầu WTI giao sau tại Mỹ từ đầu năm đến nay - Nguồn: CNBC.
Trong phiên, có lúc giá dầu WTI giảm còn 60,4 USD/thùng, xóa sạch thành quả tăng từ đầu năm. Lúc đóng cửa, giá dầu WTI mất 1 USD/thùng, tương đương mức giảm 1,6%, còn 60,67 USD/thùng.
So với mức đỉnh của 4 năm là 76,9 USD/thùng thiết lập hồi đầu tháng 10, giá dầu WTI hiện đã giảm 21%, đáp ứng định nghĩa thị trường đầu cơ giá xuống.
Tại thị trường London, giá dầu Brent sụt 1,42 USD/thùng, tương đương giảm gần 2%, còn 70,65 USD/thùng. Hiện giá dầu Brent đã sụt gần 19% so với mức đỉnh 4 năm vào đầu tháng 10.
Giá xăng giao sau tại thị trường Mỹ hiện cũng đang ở trong trạng thái thị trường giá xuống, giảm gần 28% so với mức đỉnh 52 tuần.
Hôm thứ Tư, báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy một loạt dữ liệu bất lợi đối với giá dầu. Trong đó, lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm tuần thứ 7 liên tiếp, còn sản lượng dầu thô của nước này đạt kỷ lục 11,6 triệu thùng/ngày trong tuần trước.
EIA dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ đạt mức bình quân 12,1 triệu thùng/ngày trong năm 2019, tăng mạnh so với lần dự báo trước.
Ngoài Mỹ, hai quốc gia khác trong top 3 nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới là Saudi Arabia và Nga cũng đang nâng sản lượng.
"Cả ba nước đều đang khai thác dầu với tốc độ kỷ lục. Đó là một phần nguyên nhân khiến dầu thô rơi vào thị trường giá xuống", bà Tamar Essner, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng thuộc Nasdaq Corporate Solutions, nhận định. "Tôi cho rằng thị trường đang chịu sức ép từ sự bấp bênh các yếu tố căn bản. Chúng ta không biết liệu cung dầu sẽ thừa hay thiếu".
Gần đây, các nhà dự báo cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu, khiến giá dầu càng có lý do để đi xuống. Chuyên gia Jim Cramer của CNBC dự báo giá dầu WTI có thể giảm về mức 40 USD/thùng do nhu cầu tiêu thụ yếu đi mà nguồn cung lại tăng mạnh.
Tuy nhiên, số liệu do Trung Quốc công bố ngày thứ Năm cho thấy nhập khẩu dầu thô của nước này đạt mức cao nhất mọi thời đại 9,61 triệu thùng/ngày trong tháng 10.
Ngoài ra, hãng thông tấn Tass của Nga cũng nói rằng Saudi Arabia và Nga sắp tới có thể sẽ đề nghị một nhóm gồm 12 nước sản xuất dầu tiến hành cắt giảm sản lượng khai thác.
Hồi tháng 1/2017, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga nhất trí giảm sản lượng để đỡ giá dầu. Tháng 6 năm nay, nhóm này nhất trí nâng sản lượng trở lại trong bối cảnh giá dầu tăng mạnh.
Cuối tuần này, một ủy ban của OPEC sẽ nhóm họp để bàn về sản lượng và đưa ra đề xuất tại cuộc họp toàn khối vào tháng 12. Giới phân tích không loại trừ khả năng OPEC sẽ hạ sản lượng để tránh tình trạng giá dầu giảm quá sâu.