16:03 26/03/2013

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp: Cần đấy, nhưng...

Nguyên Thảo

Việc giảm thuế thu nhập trong lúc các doanh nghiệp đang ngụp lặn trong khó khăn đã tạo dư luận đa chiều

 Để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp thì đầu ra mới quyết định, khi 
hiện tại sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam rất ít lợi thế cạnh 
tranh.
Để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp thì đầu ra mới quyết định, khi hiện tại sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam rất ít lợi thế cạnh tranh.
Ít ngày trước, khi Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 23%, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sốt ruột, “nếu tôi là Bộ trưởng, tôi quyết 20%”.

Việc sửa luật để điều chỉnh giảm mức động viên thuế được Chính phủ nhấn mạnh là nhằm “tạo điều kiện tăng tích luỹ, tích tụ cho doanh nghiệp”. Với cơ quan thẩm tra dự án luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thì việc sửa luật phải “bảo đảm khoan sức dân”.

Tuy nhiên, theo quan điểm của cả quan chức và chính các doanh nghiệp thì dường như việc giảm thuế VAT mới thực sự gần với các mục tiêu nói trên.

Một trong số 499 vị đại biểu có tiếng nói quyết định đến việc sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh, trong cuộc gặp các doanh nghiệp cùng Thống đốc Nguyễn Văn Bình mới đây đã đặc biệt nhấn mạnh vai trò của kích cầu để vực dậy nền kinh tế. Bởi điều được ông nhấn mạnh là không tiêu dùng thì sản xuất ra bán cho ai?

Và, cái sự không gặp nhau, giữa cuộc sống và những nhà hoạch định chính sách vĩ mô, theo ông lại đang được thể hiện rất rõ qua câu chuyện về thuế.

“Cái mà cuộc sống đang cần nớ, thì ổng lại không làm, ổng làm qua một cách khác, ví dụ như người ta cần giảm thuế VAT, thì ổng lại đi vào giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, rồi nâng lên hạ xuống 25% còn 23%”, ông Thanh lấy ví dụ.

Ở cương vị điều hành doanh nghiệp, Giám đốc Công ty giày B.Q, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng, ông Phan Hải có quan điểm, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là cần thiết, phù hợp với xu thế chung, nhưng hoàn cảnh và thời điểm hiện nay thì chưa phù hợp.

Bởi vì, để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp thì đầu ra mới quyết định, khi hiện tại sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam rất ít lợi thế cạnh tranh và càng kém cạnh tranh hơn khi dỡ bỏ hàng rào thuế vào năm 2015, tức chỉ sau gần hai năm nữa.

Ngoài các giải pháp mang tính chiến lược như hạ lãi suất, thuế suất ổn định, lập hàng rào kỹ thuật, hàng rào mềm bảo vệ hàng sản xuất trong nước, thì vị doanh nhân trẻ này cho rằng việc giảm thuế VAT là phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 23%, từ góc nhìn của Tổng giám đốc Vissan, doanh nhân Văn Đức Mười cũng là bước tiến đáng kể, nhưng mang ý nghĩa tạo dựng niềm tin hơn là tạo ra động lực thực sự.

Ông Mười cũng cho rằng, giảm thuế VAT mới là quan trọng, góp phần tạo ra một chu kỳ sản xuất mới, tạo một khoản vốn không lãi cho doanh nghiệp để tổ chức sản xuất với giá thành hợp lý hơn, kích cầu tiêu dùng.

Nhìn vào sự mệt mỏi của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng hiện nay, vị CEO này cũng quan ngại tín hiệu được phát đi từ sự sụt giảm 0,29% của CPI tháng 3/2013. Các sản phẩm nông nghiệp đều bán thấp hơn giá thành là điều đáng lo, ông Mười nhấn mạnh.

Tính toán nhanh với tác động (giả sử) của việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25 xuống 23% và lạc quan hơn là xuống 20%, Tổng giám đốc Mười vẫn quả quyết không quan tâm nhiều đến vấn đề này, mà đặt hy vọng lạm phát kỳ vọng sẽ thấp hơn 2012.

“Tóm lại giảm bao nhiêu thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không quan trọng bằng giảm và giãn thuế VAT, vì đây mới là cơ sở để đẩy sức mua, tác động tích cực trở lại đến sản xuất, kinh doanh”, ông Mười nói với VnEconomy.

Nghe nhiều chuyên gia phân tích rằng nên giảm VAT vì hiện nay các doanh nghiệp hoạt động không có lãi thì làm gì có thu nhập mà nộp thuế, song Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - đại biểu Quốc hội Mai Hữu Tín cho rằng “nếu làm như vậy thì Quốc hội sa vào chuyện giải quyết tình huống rồi”.

“Luật phải mang tính ổn định và lâu dài. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tạo môi trường cạnh tranh thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước. Với ý nghĩa như vậy thì với tư cách là cơ quan lập pháp Quốc hội nên tập trung vào việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hơn”, ông Tín trao đổi với VnEconomy.

Vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I cũng chia sẻ rằng sẽ mạnh dạn đầu tư hơn nếu thuế thu nhập doanh nghiệp sớm giảm xuống còn 20% . Và mong Quốc hội sẽ cho phép giảm ngay xuống mức này từ năm 2014 chứ không đợi thêm nữa.