23:57 16/06/2011

Gian lận cổ phiếu, “hàng xuất khẩu” mới của Trung Quốc?

An Huy

Cảnh báo về sự gian lận của các cổ phiếu Trung Quốc đã lặng lẽ gia tăng tại Mỹ trong những tháng qua

Trong số những công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ, câu chuyện Longtop không phải là hy hữu.
Trong số những công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ, câu chuyện Longtop không phải là hy hữu.
Một số công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu ở Mỹ bị cho là thực hiện không ít thủ đoạn để “đánh bóng” tình hình tài chính nhằm lừa gạt giới đầu tư, tờ Time nhận định. Báo này thậm chí cho rằng, gian lận cổ phiếu là “mặt hàng xuất khẩu mới” của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Công ty phần mềm Longtop Financial Technologies của Trung Quốc không từ việc gì có thể làm để thuyết phục các nhà đầu tư cổ phiếu Mỹ tin rằng, cổ phiếu công ty này là một khoản đầu tư an toàn. Nhưng có lẽ Longtop đã hơi “quá tay”.

Theo Time, công ty này thường báo cáo mức lợi nhuận cao hơn chút đỉnh so với những gì lãnh đạo công ty đã dự báo vài tháng trước đó. Trên bảng cân đối kế toán, Longtop tuyên bố có 412 triệu USD tiền mặt, một dự trữ tiền mặt quá lớn so với một công ty có quy mô như công ty này, dẫn tới việc một số người so sánh Longtop với “đại gia” Microsoft!

Cuối tháng 1 vừa qua, Longtop tung ra bản cuối cùng trong chuỗi những bản báo cáo tài chính với lợi nhuận chỉ có chiều đi lên của mình. Theo đó, trong quý 4/2010, doanh thu tăng 41%, đạt gần 77 triệu USD, lợi nhuận tăng 21%, đạt xấp xỉ 36 triệu USD. Giám đốc tài chính Derek Palaschuk của Longtop nói với giới đầu tư rằng, ông “rất hài lòng” với tình hình của công ty.

“Trong quý tài khóa thứ ba, công ty một lần nữa đạt kết quả kinh doanh cao hơn dự báo, và công ty vẫn còn cơ hội để đầu tư thêm nhằm đạt tới mức lợi nhuận đỉnh của ngành”, ông Palaschuk nói.

Nhưng đến nay, niềm tự hào của Palaschuk đã vơi đi rất nhiều, bởi vì những kết quả đó có thể chỉ là con số ma. Giữa tháng 5 vừa rồi, Palaschuk thôi việc ở Longtop giữa những cáo buộc về gian lận kế toán. Hãng kiểm toán của Longtop là Deloitte Touche Tohmatsu cũng đã nói lời từ biệt công ty này, với lo ngại Longtop có ít tiền mặt hơn rất nhiều những gì mà họ tự vỗ ngực. Theo Deloitte Touche Tohmatsu, nhân viên của Longtop đã ngăn chặn không cho các nhà kiểm toán kiểm tra tài khoản ngân hàng của công ty.

Kết quả, giá cổ phiếu của Longtop bốc hơi một nửa. Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE), nơi Longtop niêm yết, đã ngừng giao dịch cổ phiếu này. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đang tiến hành điều tra.

Điều đáng nói là, trong số những công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ, câu chuyện Longtop không phải là hy hữu.

Từ đầu năm tới nay, một số doanh nghiệp đến từ Trung Quốc có cổ phiếu niêm yết tại Mỹ đã phải đối mặt với các cáo buộc về gian lận kế toán. Tuần trước, cổ phiếu công ty Sino-Forest lao dốc 64% sau khi một báo cáo kết luận công ty lâm nghiệp của Trung Quốc này thổi phồng giá trị tài sản. Một công ty khác là China Mediaexpress chuyên về lắp đặt TV trên xe bus bị cho là có ít khách hàng hơn rất nhiều so với những gì họ tuyên bố.

Gian lận cổ phiếu và gian lận kế toán không phải là chuyện mới. Ở Mỹ cũng đầy rẫy những vụ gian lận thuộc các lĩnh vực này, mà điển hình là vụ Enron. Nhưng từ đầu năm tới nay, phần lớn các vụ gian lận cổ phiếu mà giới đầu tư Mỹ là nạn nhân lại xuất phát từ các công ty Trung Quốc. Vào giữa tháng 5, 15 trong số 19 cổ phiếu bị ngừng giao dịch trên sàn Nasdaq là của các công ty Trung Quốc. Kể từ đó đến nay, có thêm hai cổ phiếu Trung Quốc nữa chung số phận, bao gồm Longtop.

Giới luật sư và các nhà chức trách Mỹ cho biết, những kẽ hở trong luật pháp quốc tế cho phép các công ty Trung Quốc niêm yết tại nước này làm sai lệch các số liệu trong báo cáo tài chính. SEC đã bắt đầu điều tra các công ty kế toán-kiểm toán Mỹ có khách hàng Trung Quốc để xác định xem có sự thông đồng nào không.

Hồi đầu tháng 6 này, SEC lên tiếng cảnh báo các nhà đầu tư về việc rót vốn vào các công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu theo thứ gọi là sáp nhập ngược (reverse merger - thuật ngữ chỉ một công ty không đủ tư cách niêm yết nên đã sáp nhập với công ty khác để có được quyền niêm yết). Thỏa thuận sáp nhập ngược cho phép các công ty bán cổ phiếu đến tay các nhà đầu tư mà không phải chịu sự giám sát như áp dụng với các vụ phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) thông thường. Thêm vào đó, một số người cho rằng, trong bối cảnh kinh tế Mỹ trì trệ, ham muốn đầu tư vào các công ty đến từ một nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới như Trung Quốc, khiến giới đầu tư Mỹ mờ mắt, quên mất những rủi ro.

Cảnh báo về sự gian lận của các cổ phiếu Trung Quốc đã lặng lẽ gia tăng tại Mỹ trong những tháng qua. Tuy nhiên, vụ bóc mẽ Longtop hồi giữa tháng 5 đã thổi bùng lên những lo lắng của giới đầu tư và các nhà chức trách Mỹ về các công ty niêm yết Trung Quốc. So với những doanh nghiệp niêm yết khác bị cáo buộc gian lận, Longtop có quy mô khá lớn.

Thêm vào đó, Longtop lên sàn thông qua một vụ IPO, được bảo lãnh bởi hai tên tuổi lớn là Goldman Sachs và Deutsche Bank. Những đợt phát hành sau đó của Longtop được một “ông lớn” nữa là Morgan Stanley đỡ lưng. Nhiều quỹ đầu cơ cỡ bự cũng đã mua cổ phiếu này. Liệu có chuyện tất cả những nhà đầu tư và ngân hàng “có sừng có mỏ” này đã rà soát kỹ sổ sách của Longtop?

Cơ quan chức năng Mỹ từ lâu đã ra sức chống gian lận cổ phiếu trên thị trường nước này. Thị trường vẫn có thể tồn tại với một mức độ gian lận nhất định mà không ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư. Bởi vậy, Time kết luận, chừng nào những công ty nhỏ, không được kiểm chứng của Trung Quốc còn được niêm yết cổ phiếu tại Mỹ, thì gian lận vẫn tồn tại. Nhưng, mức độ gian lận mà nước Mỹ đã phát hiện ra tới thời điểm này có vẻ như không thể chấp nhận được đối với một thị trường lành mạnh.