Giao dịch cổ phiếu Sacombank dồn dập đón cung lớn
Hàng trăm triệu cổ phiếu STB của Sacombank lần lượt đưa ra bán vừa qua và sắp tới
Chỉ những ngày cuối 2017 và đầu 2018, giao dịch cổ phiếu STB của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đón loạt thông tin bán ra lượng lớn từ các tổ chức.
Cụ thể, ngày 20/12/2017, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thực hiện bán 1,316 triệu cổ phiếu STB, mở đầu cho kế hoạch thoái vốn nhanh tại Sacombank.
Trước giao dịch này, Eximbank nắm 144.495.636 cổ phiếu STB, ứng với tỷ lệ sở hữu 8,01%.
Sau đó, Eximbank liên tục bán ra lượng lớn, và đến 5/1 vừa qua, tỷ lệ sở hữu đã giảm xuống còn 4,91%, ứng với còn 88.470.716 cổ phiếu. Theo đó, cổ đông lớn này đã bán xong hơn 56 triệu cổ phiếu STB.
Với tỷ lệ còn 4,91%, Eximbank đã đảm bảo quy định giới hạn sở hữu tại Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, theo thông tin từ lãnh đạo này đưa ra gần đây, họ dự kiến sẽ tiếp tục bán nốt phần còn lại.
Sau Eximbank, vừa qua Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng có thông báo sẽ bán một phần cổ phiếu STB để giảm tỷ lệ sở hữu. Hiện chưa rõ các giao dịch triển khai cụ thể từ LienVietPostBank.
Tuy nhiên, với khoảng 60 triệu cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu của công đông này tại Sacombank chỉ 3,18%, nằm dưới giới hạn quy định tại Thông tư 36. Đại diện LienVietPostBank cũng cho biết, đây là kế hoạch thu hồi vốn sau một thời gian đầu tư, khi mà giá cổ phiếu STB có diễn biến tốt thời gian gần đây.
Và hôm qua (15/1), Hội đồng Quản trị Sacombank ra nghị quyết bán toàn bộ 81.562.287 cổ phiếu quỹ, tương đương với 4,33% vốn điều lệ, theo đề án tái cơ cấu sau sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Với ba kế hoạch bán ra nói trên, giao dịch cổ phiếu STB trên HOSE đón một lượng cung lớn. Tuy nhiên, đây cũng chính là giai đoạn giá cổ phiếu này, cùng quy mô giao dịch, tốt và lớn nhất trong hơn ba năm qua.
Đột biến giá cổ phiếu STB bắt đầu từ phiên 8/1/2018, tức mức 13.600 đồng vọt lên kịch trần 14.550 đồng. Cao điểm, giá cổ phiếu này lên tới mức 16.500 đồng phiên 11/1, tức tăng hơn 21% so với chốt phiên tuần liên trước (5/1).
Quy mô giao dịch tại STB cũng liên tục bùng nổ từ đầu năm 2018 đến nay, cao điểm lên tới gần 50 triệu đơn vị chuyển nhượng trong phiên 10/1.
Quãng giao dịch bùng nổ trên khởi đầu bằng thông tin Sacombank đã xử lý được hơn 19.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2017. Quy mô này được nhìn nhận là vượt xa kỳ vọng của nhà đầu tư nói chung, mở ra triển vọng hồi phục rõ rệt hơn ở ngân hàng này qua năm đầu tiên thực hiện tái cơ cấu.
Chưa dừng lại, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank còn cho biết, năm 2018 ngân hàng tiếp tục đặt mục tiêu xử lý được lượng nợ xấu tối thiểu như năm 2017.
Ngoài ra, Sacombank đã có được tổng thu nhập năm 2017 đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước, có thêm điều kiện để xử lý các tồn đọng.
Riêng về lợi nhuận, hiện Sacombank chưa công bố con số cụ thể năm 2017. Tuy nhiên, sau khi đã sớm vượt chỉ tiêu kế hoạch trong năm, kết quả cuối cùng sẽ phản ánh ý chí của ngân hàng này, trong việc cân đối với các tồn đọng, cũng như ứng xử với việc trích lập dự phòng rủi ro, dù cơ chế cho phép giãn ra trong nhiều năm theo đề án tái cơ cấu đã được duyệt.
Trong thông tin gửi tới VnEconomy mới đây về quan điểm và góc nhìn của ông Dương Công Minh, diễn biến giá cổ phiếu STB vừa qua được đánh giá là hơi nhanh.
"Dưới góc độ thận trọng thì cá nhân tôi cho rằng mức tăng hiện nay của cổ phiếu Sacombank là tương đối mạnh và hơi nhanh. Tuy nhiên nhìn vào cả thị trường thì đây đang là hướng chung", ông Dương Công Minh nhìn nhận.
Cùng đó, ở góc độ cá nhân, ông Minh dự tính rằng, thông thường sau đợt tăng thị trường thường sẽ có những điều chỉnh và đó cũng là quy luật chung của thị trường chứng khoán.
Sau khi tham gia vào Hội đồng Quản trị Sacombank với vị trí Chủ tịch, ông Dương Công Minh liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu STB. Hiện ông Minh đã sở hữu 3,32% cổ phần Sacombank, và tổng tỷ lệ sở hữu với những người liên quan là 7,47%.
Ông Minh cũng cho biết sẽ tiếp tục mua vào cổ phiếu STB theo quy định và giới hạn cho phép.