15:45 15/09/2023

Giao dịch ETF đỡ điểm số, thanh khoản vẫn lao dốc mạnh

Kim Phong

Giao dịch tái cơ cấu của một số quỹ ETF ngoại đã làm thay đổi giá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn trong đợt ATC và đẩy thanh khoản tăng, nhưng cơ bản là giao dịch phiên chiều mạnh hơn buổi sáng. VHM, VCB tăng mạnh trong giao dịch cuối nổi lên thành trụ nâng đỡ điểm số. VN-Index đóng cửa tăng 3,55 điểm nhưng vẫn khiến chỉ số xác lập một “nến” giảm điểm trên đồ thị tuần sau 3 tuần tăng liên tiếp...

VN-Index vẫn có tuần mất điểm.
VN-Index vẫn có tuần mất điểm.

Giao dịch tái cơ cấu của một số quỹ ETF ngoại đã làm thay đổi giá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn trong đợt ATC và đẩy thanh khoản tăng, nhưng cơ bản là giao dịch phiên chiều mạnh hơn buổi sáng. VHM, VCB tăng mạnh trong giao dịch cuối nổi lên thành trụ nâng đỡ điểm số. VN-Index đóng cửa tăng 3,55 điểm nhưng vẫn khiến chỉ số xác lập một “nến” giảm điểm trên đồ thị tuần sau 3 tuần tăng liên tiếp.

Thanh khoản chiều nay trên hai sàn niêm yết tăng vọt 20% so với buổi sáng, đạt 12.036 tỷ đồng. HoSE tăng giao dịch 24%, đạt 11.218 tỷ đồng. Đợt ATC xuất hiện các lệnh mua bán lớn của quỹ ETF tái cơ cấu cũng là một nguyên nhân giúp thanh khoản lên cao.

Về cơ bản chiều nay thị trường phục hồi. VN-Index tuy tăng rất kém chỉ 3,55 điểm tương đương 0,29%, nhưng cổ phiếu cũng có cải thiện nhẹ: Số cổ phiếu đóng cửa tăng trên 1% đã tốt hơn, từ 44 mã phiên sáng thành 72 mã chiều nay. Ngoài ra số mã tăng giá so với phiên sáng cũng khá nhiều, độ rộng chốt phiên tốt hơn với 253 mã tăng/247 mã giảm (phiên sáng là 204 mã tăng/253 mã giảm).

Dù vậy mức độ cải thiện là không rõ rệt. Điểm số tăng có yếu tố đẩy trụ khá rõ: VCB đang từ giảm đảo ngược thành tăng, từ giá 88.700 đồng nhảy lên 89.800 đồng tức là tăng tới 1,24% trong một lần giao dịch. Chốt trên tham chiếu 0,79%, VCB kéo lại gần 1 điểm cho VN-Index. VHM cũng xuất hiện giao dịch lớn 3,96 triệu cổ đợt ATC và giá nhảy tăng 3,06%, đem lại 1,7 điểm. GAS không có giao dịch ETF và là trụ tăng ổn định nhất, đóng cửa trên tham chiếu 3,4% giúp chỉ số có 1,8 điểm. Như vậy điểm tăng của chỉ số gần như chỉ nhờ các trụ tạo thành, phần còn lại bù trừ là hết.

Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thay đổi giá tích cực trong đợt ATC nhờ hiệu ứng ETF giao dịch.
Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thay đổi giá tích cực trong đợt ATC nhờ hiệu ứng ETF giao dịch.

VN30-Index đóng cửa tăng 0,38% với 17 mã tăng/11 mã giảm, là nhóm đỡ thị trường chính. Midcap tăng không đáng kể 0,03%, Smallcap giảm 0,16%. Sự phân hóa trên thị trường không chỉ về giá tăng giảm mà cả về biên độ. Không nhiều mã có mức tăng giá mạnh đi cùng với thanh khoản: Trong 72 mã chốt phiên tăng hơn 1%, chỉ một nửa có thanh khoản từ 10 tỷ đồng trở lên. Tới 80% thanh khoản của cả nhóm này tập trung vào 10 mã giao dịch lớn nhất là STB, VIX, KBC, VHM, MBB, NVL, PDR, DXG, FPT, MSN. Có thể thấy nhóm VN30 chiếm nhiều mã, hầu hết có bóng dáng giao dịch ETF.

Rất khó để tách bạch thanh khoản từ hoạt động tái cơ cấu ETF trong tổng thanh khoản thị trường. Dù vậy tổng giao dịch khớp lệnh của sàn HoSE phiên này đã giảm 20% so với phiên trước, trong đó VN30 giảm 7%, Midcap giảm 21% và Smallcap giảm 30%. Hoạt động tái cơ cấu của ETF cũng khiến giao dịch chung của khối ngoại phiên này trở nên cân bằng hơn. Riêng chiều nay khối ngoại ghi nhận mua ròng 168 tỷ đồng trong khi phiên sáng bán ròng nhẹ 44,6 tỷ. Quy mô giao dịch thì lớn (mua 2.612 tỷ đồng và bán 2.488,5 tỷ đồng) nhưng chênh lệch không nhiều do các quỹ ETF chỉ thay đổi tỷ trọng phân bổ ở cổ phiếu trong danh mục.

Tính chung cả ngày, tổng giá trị khớp hai sàn niêm yết giảm gần 21% so với hôm qua, đạt 22.054 tỷ đồng, là mức thấp nhất 12 phiên. Ngay cả khi có các quỹ ETF tham gia, thanh khoản vẫn giảm khá nhiều là một tín hiệu kém tích cực. Lúc này dòng tiền bắt đáy mạnh là điểm tựa quan trọng, vì thị trường đang chứng kiến những phiên xả rất lớn. Các nhà đầu tư bán ra sẽ khó mua lại ngay ở thời điểm này vì biên độ điều chỉnh chưa nhiều, đồng thời thị trường vẫn chưa thể hiện rõ cơ hội vượt đỉnh.