10:46 28/07/2014

Giao tranh ác liệt quanh khu vực MH17 rơi

Diệp Vũ

Đến nay mới chỉ có một vài chuyên gia quốc tế đến được hiện trường vụ rơi máy bay nhờ đàm phán được với quân nổi dậy

Quân ly khai hiện vẫn đang nắm quyền kiểm soát khu vực MH17 rơi.
Quân ly khai hiện vẫn đang nắm quyền kiểm soát khu vực MH17 rơi.
Giao tranh ác liệt ở miền Đông Ukraine, nơi chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines rơi, đang cản trở các nỗ lực điều tra nhằm tìm ra nguyên nhân của vụ việc. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu đang chuẩn bị tung thêm các đòn trừng phạt kinh tế mới đối với Nga vì cho rằng, Moscow có vai trò trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo tin từ Reuters, ít nhất 13 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa binh sỹ chính phủ Ukraine và lực lượng nổi dậy tại các khu vực xung quanh hiện trường vụ rơi chiếc Boeing 777 chở 298 hành khách hôm 17/7.

Các thanh sát viên quốc tế cho biết đã hoãn kế hoạch tới hiện trường rơi máy bay do lo ngại không an toàn. Trước đó, Chính phủ Malaysia cho biết, quân ly khai đã nhất trí để các thanh sát viên quốc tế đi vào khu vực máy bay rơi.

Chính phủ Ukraine cho biết đang tiếp tục nỗ lực đánh bật quân ly khai để mở đường cho các nỗ lực điều tra, nhưng phủ nhận việc binh sỹ quân đội đang chiến đấu gần hiện trường vụ MH17. Kiev cho rằng, các phần tử ly khai đã tìm cách tung tin giả về việc quân đội Ukraine đang chiến đấu gần hiện trường vụ rơi máy bay để các thanh sát viên quốc tế không tới khu vực này.

Trước những cáo buộc của Mỹ cho rằng Nga đã và sẽ cung cấp thêm tên lửa cho quân ly khai Ukraine, Moscow đã kiên quyết phủ nhận. Hiện phương Tây vẫn duy trì quan điểm cho rằng, gần như chắc chắn MH17 đã bị bắn hạ bởi quân ly khai Ukraine bằng tên lửa đất đối không do Nga cung cấp.

Về phần mình, quân ly khai cũng phủ nhận có bất kỳ sự liên quan nào tới vụ MH17. Những phủ nhận này của Nga và quân ly khai Ukraine đồng nghĩa với việc ám chỉ quân đội Ukraine là thủ phạm khiến máy bay bị rơi.

“Kiev đang tìm cách phá hủy bằng chứng tội ác mà quân đội của họ đã gây ra”, lãnh đạo phe ly khai Aleksander Borodai phát biểu ngày 27/7. Theo ông Borodai, trong ngày Chủ nhật, quân đội Ukraine thực hiện tấn công ở khu vực các không xa hiện trường vụ rơi MH17.

Hôm thứ Sáu tuần trước, Liên minh Châu Âu (EU) đã bổ sung danh sách các cá nhân và công ty Nga bị cấm visa và đóng băng tài sản do bị nghi ngờ có vai trò trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Theo dự kiến, vào ngày thứ Ba tuần này, EU sẽ đạt thỏa thuận cuối cùng về các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn đối với Nga, bao gồm đóng cửa thị trường vốn của khối đối với các ngân hàng quốc doanh Nga, cấm vận vụ khí, hạn chế sử dụng công nghệ ngăng lượng…

Mỹ cũng để ngỏ khả năng sẽ bổ sung lệnh trừng phạt đối với Nga nếu EU hành động. Lần gần đây nhất Mỹ tăng cường trừng phạt Nga là vào hôm 16/7, một ngày trước khi xảy ra vụ MH17.

Đến nay mới chỉ có một vài chuyên gia quốc tế đến được hiện trường vụ rơi máy bay nhờ đàm phán được với quân nổi dậy. Các thanh sát viên quốc tế nói rằng, các cuộc giao tranh có thể ảnh hưởng tới hiện trường, khiến công việc xác định thủ phạm thực sự khiến máy bay rơi càng trở nên khó khăn hơn. Theo dự kiến, các thanh sát viên sẽ nỗ lực tiếp cận hiện trường vào ngày thứ Hai này.

Quân ly khai hiện vẫn đang nắm quyền kiểm soát khu vực MH17 rơi. Tại các thành phố Donetsk và Luhansk thuộc miền đông Ukraine, giao tranh tiếp tục diễn ra ác liệt khi quân đội chính phủ nước này quyết tâm đánh bại lực lượng ly khai. Tuy vậy, ngoại trưởng Ukraine Pvalo Klimkin nói rằng, quân đội chính phủ tôn trọng vùng không chiến sự trong vòng bán kính 20 km kể từ hiện trường máy bay rơi.

Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak, cho hay, Malaysia, Australia và Hà Lan - ba nước có nhiều công dân thiệt mạng nhất trong vụ MH17 - sẽ thành lập một nhóm cảnh sát tới bảo vệ hiện trường máy bay rơi. Hà Lan và Australia cho biết, nhóm cảnh sát này gồm khoảng 49 sỹ quan và sẽ không được trang bị vũ khí.

Trong số 298 người thiệt mạng trên chuyến bay MH17 từ Amsterdam tới Kuala Lumpur, có 193 công dân Hà Lan, 43 công dân Malaysia, và 28 công dân Australia.