Giới chuyên gia dự báo Fed đã xong chiến dịch tăng lãi suất
Chủ tịch Fed Jerome Powell và các quan chức khác của Fed phát tín hiệu còn tăng lãi suất, nhưng giới chuyên gia không cho là như vậy...
Hôm thứ Tư tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell gửi đến thị trường tài chính toàn cầu một thông điệp: không một ai nên nghi ngờ quyết tâm của ngân hàng trung ương này trong việc “hạ gục” lạm phát cao dai dẳng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thông điệp của ông Powell được đưa ra sau khi Fed có lần nâng lãi suất thứ 11 kể từ khi chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ khởi động vào tháng 3 năm ngoái.
Tuyên bố trên của người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới có thể đồng nghĩa với việc Fed còn tăng lãi suất trong năm nay. Đây là một lời cảnh báo cứng rắn, nhưng giới chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư dường như không tin lắm - theo tờ Financial Times.
“Không có gì trong tuyên bố chính sách của Fed hay cuộc họp báo của ông Powell sau cuộc họp vừa rồi khiến tôi hoài nghi về quan điểm của chúng tôi rằng đó chính là lần tăng lãi suất cuối cùng của Fed”, nhà kinh tế trưởng Ellen Zentner của Morgan Stanley nhận định. “Tiêu dùng đang chậm lại, thị trường việc làm đang chậm lại, lạm phát đang chậm lại, và tất cả những mảnh ghép lớn đó của nền kinh tế đều đang diễn biến phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi”.
Ông Powell nói Fed sẽ theo sát toàn bộ các số liệu kinh tế tiếp theo trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào - hàm ý nói rằng Fed hoàn toàn có thể thắt chặt hơn nữa, nhưng chưa có gì đảm bảo chắc chắn sẽ có thêm một đợt nâng lãi suất.
“Chúng tôi cần phải sẵn sàng hành động theo các dữ liệu. Và xét tới chặng đường đã đi, chúng tôi nên kiên nhẫn một chút để chờ xem nền kinh tế diễn biến thế nào”, ông Powell nói.
Financial Times nói rằng giới kinh tế học nhìn chung dự báo lạm phát ở Mỹ sẽ tiếp tục dịu đi trong 2 tháng tới.
Nhà kinh tế trưởng Ian Shepherdson của Pantheon Mcroeconomics tin rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi của Mỹ sẽ chỉ tăng 0,1-0,2% trong tháng 7 so với tháng 8, tương đương mức tăng chỉ 1,8% trong 3 tháng cho tới khi diễn ra cuộc họp tiếp theo của Fed vào tháng 9.
“Những con số như vậy sẽ khiến Fed cảm thấy khó có lý do để tăng lãi suất lần nữa, xét tới xu hướng giảm chậm nhưng đều đặn về tăng trưởng việc làm”, ông Shepherdson nhấn mạnh.
Bà Tiffani Wilding, nhà kinh tế của quỹ đầu tư trái phiếu khổng lồ Pimco dự báo lạm phát ở Mỹ sẽ tiếp tục xuống thang trong nửa sau của năm nay, và quan trọng là nhu cầu lao động và hoạt động kinh tế sẽ bị dần “ngấm đòn” bởi những đợt tăng lãi suất đã có của Fed và điều kiện tín dụng ngày càng thắt lại. Theo quan điểm của bà Wilding, Fed sẽ không có thêm lần nâng lãi suất nào nữa trong năm 2023.
Nhà kinh tế trưởng Jonthan Pingle của UBS cũng dự báo Fed sẽ chuyển sang thế “an binh bất động” sau đợt nâng lãi suất vừa rồi, nhưng nói rằng “còn quá sớm” để ông Powell hay bất kỳ quan chức nào khác của Fed đưa ra một tín hiệu dừng lại, bởi lạm phát lõi vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.
“Chúng ta đã có những lần lầm tưởng về lạm phát, nên cho dù tin là tình hình sẽ cải thiện, chúng tôi cũng nghĩ chúng ta chưa hoàn toàn thoát khỏi lạm phát. Cho tới khi có thêm thông tin về lạm phát, sẽ khó có chuyện Fed phát tín hiệu đã hoàn tất việc nâng lãi suất”, ông Pingle nhận định.
Một rủi ro lạm phát được ông Powell đề cập đến chính là sức mạnh của bản thân nền kinh tế Mỹ, với mức tăng trưởng được duy trì khá bất chấp chiến dịch chống lạm phát lịch sử đã kéo dài 18 tháng qua, khi Fed tìm cách làm hạ nhiệt nhu cầu trong nền kinh tế bằng cách đẩy lãi suất lên cao.
Ông Powell nói sự vững vàng của nền kinh tế là “điều tuyệt vời” và báo hiệu tốt cho nỗ lực của Fed nhằm khống chế lạm phát mà không gây ra sự sụt tốc nghiêm trọng của nền kinh tế. Gần đây, giới chức Fed cũng đã trở nên lạc quan hơn về triển vọng kinh tế Mỹ, từ bỏ dự báo mà tới tháng trước họ cho rằng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái.
Nhưng giữa những tin tốt đó, ông Powell cũng đưa ra một lời cảnh báo: “Dần dần, tăng trưởng kinh tế mạnh lên có thể dẫn tới lạm phát cao hơn, và như thế sẽ đòi hỏi một phản ứng phù hợp từ chính sách tiền tệ”.
Các nhà kinh tế học của Oxford Economics đề cập đến những cú sốc tiềm tàng khác có thể khiến Fed duy trì việc siết chặt nền kinh tế. Những cú sốc như vậy có thể bao gồm giá lương thực-thực phẩm ở Mỹ tăng mạnh do hiện tượng thời tiết El Nino.
Ông Benson Durham, trưởng bộ phận chính sách toàn cầu thuộc công ty Piper Sandler, là một trong số ít chuyên gia cho rằng các số liệu kinh tế Mỹ sắp tới sẽ buộc Fed phải tăng thêm lãi suất. Hướng đi như dự báo của vị chuyên gia này là phù hợp với dự báo mà các quan chức Fed đưa ra trong cuộc họp tháng 6.
Khi đó, dự báo “dot-plot” của Fed nhận định lãi suất điều hành sẽ đạt mức 5,5-5,75% trong năm nay, đồng nghĩa với việc Fed phải có thêm một đợt tăng 0,25 điểm phần trăm nữa trong thời gian còn lại của năm. Ông Durham cho rằng khả năng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 9, nhưng cũng có thể các quan chức Fed sẽ chọn tháng 11.
Dù Fed có tăng lãi suất thêm nữa hay không, chuyên gia Zetner của Morgan Stanley cho rằng hai tháng tới đây sẽ là khoảng thời gian nhiều biến động, xét tới những bấp bênh đang phủ bóng lên triển vọng kinh tế Mỹ. “Những bước ngoặt luôn có nhiều khó khăn, và rất khó để Fed truyền đạt tới thị trường, vì các nhà hoạch định chính sách muốn giữ sự ‘nước đôi’ và thị trường thì không muốn phản hồi tích cực với sự mập mờ. Bởi vậy, sẽ có nhiều biến động khi chúng ta mổ xẻ những điểm dữ liệu tiếp theo.