08:26 28/07/2023

ECB nâng lãi suất lên cao kỷ lục, lo lạm phát cao dai dẳng

Bình Minh

Giới phân tích nhận định đây có thể là lần tăng lãi suất cuối cùng của ECB trong chu kỳ thắt chặt này...

Chủ tịch ECB Christine Lagarde - Ảnh: Getty/FT.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde - Ảnh: Getty/FT.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 27/7 tăng lãi suất lên mức cao kỷ lục, nhưng phát tín hiệu rằng lãi suất ở khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone) có thể đã đạt đỉnh. Dù vậy, ECB bày tỏ lo ngại lạm phát sẽ duy trì ở mức “quá cao trong thời gian quá dài”, đồng nghĩa việc cắt giảm lãi suất có thể sẽ không sớm diễn ra.

Không nằm ngoài dự báo của thị trường tài chính, ECB nâng lãi suất chính sách 0,25 điểm phần trăm lên mức 3,75%, bằng mức kỷ lục thiết lập vào năm 2001 - thời điểm mà ECB tăng mạnh lãi suất nhằm tăng cường giá trị của đồng Euro khi đó mới ra đời.

Đây là đợt tăng lãi suất thứ 9 liên tiếp của ECB và diễn ra một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có đợt tăng lãi suất thứ 11 trong vòng 12 cuộc họp, với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm.

Khi kết thúc cuộc họp của Fed hôm thứ Tư, Chủ tịch Jerome Powell để ngỏ khả năng Fed có thể tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhà đầu tư đang đặt cược nhiều hơn vào khả năng đây là lần tăng lãi suất cuối cùng của cả Fed và ECB, bởi lẽ lạm phát đang giảm nhanh hơn dự báo ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương.

“Kịch bản chính của chúng tôi là ECB, cũng như Fed, đã hoàn tất việc tăng lãi suất. Dù vậy, vẫn còn một khả năng nhất định họ sẽ tăng lãi suất thêm”, nhà phân tích Krishna Guha của Evercore ISI nhận định với tờ Financial Times.

Đồng Euro tụt giá 0,8% so với USD sau quyết định của ECB, còn 1,099 USD đổi 1 Euro, do ECB phát tín hiệu có thể đã sẵn sàng cho việc kết thúc chiến dịch nâng lãi suất.

Phiên này, đồng USD còn được hỗ trợ bởi số liệu tăng trưởng kinh tế quý 2 của Mỹ tốt hơn dự báo. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 2,4% trong quý vừa qua, vượt dự báo tăng 2% mà các nhà kinh tế đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Trong cuộc họp hồi tháng 6, ECB nói trong tuyên bố chính sách rằng ngân hàng trung ương này sẽ đảm bảo lãi suất được nâng tới mức “đủ thắt chặt” để đưa lạm phát về mục tiêu 2% mà các nhà hoạch định chính sách đề ra.

Tuy nhiên, trong tuyên bố của cuộc họp vừa kết thúc, ECB đã có điều chỉnh phần nội dung này. Theo đó, ECB nói sẽ đảm bảo lãi suất “được thiết lập ở mức đủ để thắt chặt trong khoảng thời gian dài cần thiết”.

Lạm phát ở khu vực Eurozone hiện ở mức 5,5%, cao gấp khoảng 3 lần so với mục tiêu.

Tốc độ lạm phát hàng quý so với cùng kỳ năm trước ở Eurozone, Mỹ và Anh - Nguồn: FT.
Tốc độ lạm phát hàng quý so với cùng kỳ năm trước ở Eurozone, Mỹ và Anh - Nguồn: FT.

Trong họp báo sau cuộc họp chính sách, Chủ tịch ECB Christine Lagarde thừa nhận việc điều chỉnh ngôn từ trong tuyên bố của cuộc họp. Bà nói rằng nội dung trước không còn phù hợp và các nhà hoạch định chính sách có “một tư duy cởi mở về quyết định sẽ được đưa ra trong cuộc họp tháng 9 và các cuộc họp sau đó”.

“Có khả năng lãi suất tăng, và cũng có khả năng tạm dừng”, bà Lagarde nói về cuộc họp tháng 9, nhấn mạnh rằng quyết định sẽ tuỳ thuộc vào số liệu kinh tế trong thời gian tới.

Lạm phát tại Eurozone đã xuống thang từ mức đỉnh 10,6% thiết lập vào năm ngoái. Thị trường dự báo lạm phát của khu vực tiếp tục dịu đi trong số liệu tháng 7 dự kiến được công bố vào ngày thứ Hai tuần tới.

Tuyên bố của ECB nhắc lại cảnh báo rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn lo ngại lạm phát sẽ duy trì ở mức “quá cao trong thời gian quá dài”, đồng thời cam kết một “cách tiếp cận tuỳ theo dữ liệu” trong các quyết định lãi suất trong tương lai.

Dù vậy, ECB đã thay đổi miêu tả về lạm phát để “ra dấu” rằng giới chức của ngân hàng trung ương này đã tin tưởng hơn về việc áp lực giá cả ngày càng giảm.

 

“Nếu lãi suất của Eurozone chưa đạt đỉnh, thì có lẽ cũng gần đạt đỉnh rồi. Câu chuyện sẽ sớm trở thành lãi suất sẽ giữ ở đỉnh trong bao lâu”.

Giám đốc đầu tư Neil Birrell của Premier Miton Investors

Tháng trước, tuyên bố của ECB nói đang có “những dấu hiệu có vẻ như cho thấy sự suy giảm” của sức ép giá cả. Lần họp này, ECB nói “dù một vài chỉ số cho thấy dấu hiệu dịu đi, lạm phát lõi vẫn còn cao”.

Khi được các nhà báo đặt câu hỏi tại họp báo, bà Lagarde nói “chúng tôi không sớm giảm lãi suất đâu”.

Nhận định với hãng tin CNBC, Giám đốc đầu tư Neil Birrell của Premier Miton Investors, nhận định: “Nếu lãi suất của Eurozone chưa đạt đỉnh, thì có lẽ cũng gần đạt đỉnh rồi. Câu chuyện sẽ sớm trở thành lãi suất sẽ giữ ở đỉnh trong bao lâu”.

Một cuộc khảo sát của ECB cho thấy lượng vốn vay cấp cho doanh nghiêp trong khu vực đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong thời gian từ ​​​​giữa tháng 6 đến đầu tháng 7.

Dữ liệu hoạt động kinh doanh của Eurozone được công bố vào đầu tuần này cho thấy sự sụt giảm ở hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức và Pháp. Những con số này làm tăng thêm kỳ vọng rằng Eurozone có thể lại rơi vào suy thoái trong năm nay. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Eurozone có khả năng đạt mức tăng trưởng chỉ 0,9% trong năm nay, nhưng đó là trong trường hợp xảy ra suy thoái ở Đức - nơi GDP được dự báo giảm 0,3%.