08:41 19/04/2023

Giới đầu tư tin đồng USD còn giảm giá sâu hơn

An Huy

Các nhà đầu tư đang đặt cược vào sự giảm giá sâu hơn của tỷ giá đồng USD sau đợt giảm gần đây...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Các nhà đầu tư đang đặt cược vào sự giảm giá sâu hơn của tỷ giá đồng USD sau đợt giảm gần đây, vì cho rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi tháng 3 sẽ hạn chế khả năng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc tăng lãi suất. Ngoài ra, cuộc săn tìm lợi nhuận ở thị trường nước ngoài của các nhà đầu tư Mỹ cũng là một nguồn áp lực xuống giá đối với đồng bạc xanh.

Sau đợt tăng giá (bull run) kéo dài suốt 18 tháng đưa tỷ giá USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác lên mức cao nhất 20 năm vào tháng 9 năm ngoái, đồng tiền này đã quay đầu giảm trong bối cảnh giới phân tích cắt giảm kỳ vọng về những đợt tăng lãi suất tiếp theo ở Mỹ. Tuần trước, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất 1 năm.

Nếu tính từ đầu năm, Dollar Index đã giảm hơn 1,7%. Hồi tháng 9/2023, chỉ số có lúc đạt gần 115 điểm. Hiện tại, chỉ số dao động quanh mốc 101,7 điểm.

Dù USD đã giảm sâu, tờ Financial Times cho biết các quỹ phòng hộ và một số nhà phân tích tin rằng với triển vọng lãi suất tiếp tục tăng ở khu vực Eurozone - nơi tăng trưởng kinh tế tiếp tục cải thiện - và ở Anh, nơi lạm phát còn ở mức hai con số, sẽ tiếp tục gây sức ép khiến USD giảm sâu hơn.

Diễn biến chỉ số Dollar Index.
Diễn biến chỉ số Dollar Index.

“Đồng USD đã có một đợt tăng ấn tượng, nhưng cũng đã bắt đầu đảo chiều. Sự bi quan mà chúng ta chứng kiến trong năm ngoái về châu Âu sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra đang chuyển dần thành lạc quan. Cùng với đó, các đồng tiền khác cũng có những câu chuyện tích cực của riêng mình”, chiến lược gia trưởng Alan Ruskin của Deutsche Bank nói với Financial Times.

CÁC NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG LỚN ĐANG CHỦ TRƯƠNG GÌ?

Các nhà giao dịch đầu cơ đã tăng gần gấp đôi trạn thái bán khống đồng USD trong thời gian từ giữa tháng 3 đến nay, theo ước tính của Refinitiv dựa trên số liệu từ Uỷ ban Giao dịch hàng hoá tương lai của Mỹ (CFTC). Đây là dấu hiệu cho thấy các quỹ phòng hộ đang đặt cược rằng đồng USD sẽ giảm giá thêm. Trong số liệu tuần mới nhất tính đến ngày 10/4, các nhà đầu tư đã tăng trạng thái bán khống, nâng tổng giá trị USD bị bán khống trên thị trường tài chính Mỹ lên 10,73 tỷ USD.

Ông Ruskin nhấn mạnh rằng bức tranh kinh tế sáng lên ở châu Âu, và những đồn đoán rằng ông Kazuo Ueda - vị Thống đốc mới của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) - có thể sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo trog bối cảnh áp lực tăng lãi suất gia tăng sẽ là những yếu tố chính chi phối diễn biến tỷ giá các đồng tiền.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được cho là sẽ tăng lãi suất thêm tổng cộng 0,75 điểm phần trăm nữa trong thời gian từ nay đến mùa hè, vì tốc độ tăng trưởng kinh tế khởi sắc và thị trường lao động thắt chặt của Eurozone làm dấy lên lo ngại rằng ECB chưa thể “toàn thắng” trong cuộc chiến chống lạm phát, cho dù lạm phát toàn phần đã giảm gần đây.

Và cho dù Thống đốc Ueda đến nay vẫn giữ nguyên chiến lược của người tiền nhiệm, điều này không thể làm suy yếu những đồn đoán rằng BOJ sẽ thoái lui khỏi kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) - chính sách được áp dụng để ghìm lãi suất ở mức siêu thấp.

Ở Anh, thị trường đang gần như tin chắc rằng Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) từ nay đến tháng 9 sẽ tăng lãi suất thêm tổng cộng nửa điểm phần trăm.

Ngược lại, sau một đợt tăng lãi suất nữa với mức tăng 0,25 điểm phần trăm được kỳ vọng trong cuộc họp tháng 5 của Fed, thị trường cho rằng Fed sẽ sớm chuyển sang cắt giảm lãi suất nếu các rủi ro suy thoái kinh tế trở nên rõ ràng hơn.

CUỘC KHỦNG HOẢNG NGÂN HÀNG Ở MỸ

Chưa kể, cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ gần đây cũng gây tác động mất giá không nhỏ lên đồng USD. Sau 3 vụ sụp đổ liên tiếp của 3 ngân hàng Mỹ chỉ trong vòng 1 tuần vào tháng trước, một cuộc khảo sát thường kỳ của Fed chi nhánh Dallas cho thấy khối lượng vốn tín dụng cấp mới của các ngân hàng ở Mỹ giảm mạnh. Nhiều dữ liệu cho thấy thị trường việc làm của Mỹ cũng đã yếu đi, dù báo cáo quan trọng nhất là thống kê việc làm hàng tháng của Bộ Lao động nước này cho thấy thị trường lao động vẫn trụ vững.

“Cú sốc đối với các ngân hàng Mỹ củng cố đánh giá rằng Mỹ có thể rơi vào suy thoái trước các nền kinh tế lớn khác”, và điều này đặt ra bất lợi đối với đồng USD”-  chiến lược gia trưởng Ebrahim Rahbari của Citigroup nhận định.

Trong khi đó, việc Fed hỗ trợ hệ thống ngân hàng vượt khủng hoảng, bao gồm thiết lập một cơ chế cho vay mới, đã một phần đảo ngược nỗ lực thu hẹp bảng cân đối kế toán của Fed. Được biết đến với tên gọi thắt chặt định lượng (QT), việc thu hẹp bảng cân đối kế toán là một cách khác để hút bớt thanh khoản dư thừa trong hệ thống. Khi khủng hoảng xảy ra, Fed buộc phải bơm tiềm cho những ngân hàng khu vực có nguy cơ “sập tiệm”, và điều này làm suy yếu chính sách QT.

“Nói một cách căn bản, tỷ giá hối đoái là phần mở rộng của chính sách tiền tệ. Đồng USD đã tăng giá mạnh khi Fed thắt chặt chính sách. Xu hướng đó đã thay đổi từ đầu năm nay, khi những dấu hiệu giảm tốc của kinh tế Mỹ xuất hiện. Sau đó, cuộc khủng hoảng ngân hàng đã thực sự khiến tỷ giá USD đảo chiều”, chiến lược gia trưởng Chris Turner của ngân hàng ING nhận xét.

RỦI RO KHI ĐẶT CƯỢC VÀO SỰ MẤT GIÁ CỦA USD

Dù vậy, đặt cược vào sự mất giá sâu hơn của đồng USD có thể khiến nhà đầu tư “trở tay không kịp” trong trường hợp một cuộc khủng hoảng nữa bất ngờ xảy đến và thị trường đổ xô mua bạc xanh như một “hầm trú ẩn”.

Các điều kiện hiện tại gây áp lực giảm giá lên USD “có thể biến mất tương đối nhanh chóng nếu thị trường cảm nhận thấy một mắt xích yếu khác trong hệ thống tài chính hoặc nền kinh tế toàn cầu khi thế giới thích ứng với lãi suất cao hơn. Đồng USD có thể bất ngờ tăng giá mạnh mà không có dấu hiệu báo trước”, chiến lược gia trưởng Jane Foley của Rabobank nói.

Và như năm nay đã chứng kiến, bất kỳ con đường giảm giá nào của USD cùng có thể nhiều gập ghềnh vì nhà đầu tư vẫn còn chưa chắc chắn về việc các ngân hàng trung ương sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ đến đâu để kiểm soát lạm phát.

“Nếu nhìn lại năm nay, thời điểm tháng 1 có vẻ như mọi thứ đều rất tốt đẹp vì lạm phát toàn phần giảm xuống. Sau đó đến tháng 3, thị trường lao dốc vì khủng hoảng ngân hàng bùng phát. Mọi thứ sẽ không đi theo đường thẳng mà sẽ luôn trồi sụt và biến động bất ngờ”, chiến lược gia trưởng Athanasios Vamvakidis của Bank of America phát biểu.