14:40 18/04/2023

Mỹ và đồng minh loay hoay giảm quan hệ kinh tế với Trung Quốc

An Huy

Mỹ và các nước đồng minh đang tìm cách giảm quan hệ kinh tế với Trung Quốc, muốn hạn chế quan hệ trong những lĩnh vực nhất định mà họ xem là chiến lược nhưng bảo toàn được dòng chảy thương mại và đầu tư trên diện rộng với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Theo tờ Wall Street Journal, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến các cường quốc phương Tây thay đổi suy nghĩ về chiến lược với Trung Quốc - một đối thủ địa chính trị khác của phương Tây và cũng là một đối tác thân cận của Nga. Từ khi cuộc chiến nổ ra, Nga đã siết van các đường ống dẫn khí đốt mà nước này xuất khẩu sang châu Âu, gây đảo lộn thị trường năng lượng toàn cầu.

Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đang ngày càng lo ngại rằng Trung Quốc - một nhà cung cấp khổng lồ nhiều hàng hoá và nguyên vật liệu - có thể hành động tương tự như Nga, tức là hạn chế xuất khẩu các mặt hàng quan trọng trong trường hợp xảy ra xung đột hoặc một đại dịch khác. Mối lo này được chính các quan chức kinh tế cấp cao của phương Tây nói ra. Họ cũng lo ngại rằng vốn đầu tư và các bí quyết, chuyên môn của phương Tây, nếu không được kiểm soát, có thể giúp Bắc Kinh phát triển năng lực quân sự.

“Bởi vậy, bài học mà chúng tôi rút ra được là: vì tương lai, cần phải làm công việc khó khăn đó ngay từ bây giờ”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo nói.

Tuy nhiên, giới chức G7 cũng nói họ cố gắng tránh những biện pháp có thể gây tổn thất cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong khi đoàn kết tìm ra những biện pháp chính sách cụ thể để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhóm này bao gồm các nước Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Anh và Nhật Bản.

“Lựa chọn chiến lược lớn ở đây là trong khi tìm cách tăng cường sự vững vàng cho chuỗi cung ứng của mình, chúng ta có đẩy thế giới trở lại thời kỳ của chủ nghĩa bảo hộ hay không” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Jeremy Hunt nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn ở Washington vào tuần trước. Theo ông Hunt, các đồng minh phương Tây nền “hành động cùng nhau để cải thiện sự vững vàng đó”.

MỐI LO VỀ “CHIẾN TRANH LẠNH THỨ HAI”

Tuần trước, bên lề chuỗi sự kiện thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington DC, giới chức G7 nói họ đã nhất trí về những sáng kiến mới nhằm cải thiện chuỗi cung ứng. Sự đồng thuận này đạt được sau một cam kết gần đây của Mỹ và đồng minh về phát triển các công cụ chính sách mới để ứng phó với các biện pháp kinh tế thù nghịch.

Trong một báo cáo công bố vào tuần trước, IMF một lần nữa nhắc lại cảnh báo mà định chế này đã đưa ra trước kia về việc nền kinh tế toàn cầu có thể phân rã thành những khối địa chính trị đối đầu nhau, dẫn đầu là Mỹ và Trung Quốc. Một sự chia rẽ như vậy sẽ gây suy giảm thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, theo IMF.

“Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể quyết tâm hơn nữa để đảm bảo an ninh cung ứng mà không đẩy thế giới đi quá xa đến mức rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh thứ hai”, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva phát biểu tại một cuộc họp báo vào tuần trước. “Tôi là một trong số những người hiểu được hệ quả của một cuộc chiến tranh lạnh là như thế nào. Đó là một sự mất mát về tài năng và những đóng góp mà thế giới lẽ ra có được. Tôi không muốn chứng kiến điều đó lặp lại”.

Là một thành viên G7, nước Mỹ thời Tổng thống Joe Biden đã thúc giục mạnh mẽ hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong liên minh về sự cần thiết phải lái nền kinh tế toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Những đạo luật mới có hiệu lực ở Mỹ trong năm ngoái đã mạnh tay trợ cấp để thu hút các công ty năng lượng sạch và công nghệ bán dẫn tới Mỹ. Chính quyền ông Biden cũng hạn chế xuất khẩu các sản phẩm bán dẫn tiên tiến và thiết bị liên quan sang Trung Quốc, đồng thời đang chuẩn bị cho các biện pháp hạn chế mới đối với đầu tư vào Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nhiều lần kêu gọi Mỹ dựa nhiều hơn vào đồng minh trong các hoạt động thương mại. Tại một cuộc họp báo vào tuần trước, bà Yellen nói dự báo của IMF về những hậu quả tiêu cực của việc tăng cường quan hệ thương mại với đồng minh là một sự thổi phồng. Năm ngoái, thương mại Mỹ-Trung đạt mức cao chưa từng thấy.

“Lợi ích của thương mại cởi mở, bao gồm phân bổ hiệu quả các nguồn lực toàn cầu, vẫn được duy trì khi thắt chặt quan hệ thương mại với đồng minh. Bởi vậy, tôi nghĩ lập luận rằng việc này sẽ gây ra sự phân mảnh và làm mất đi lợi ích của thương mại là không chuẩn xác”, bà Yellen nói.

PHƯƠNG TÂY MUỐN GIẢM QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC: KHÔNG DỄ

Một số đồng minh đồng tình với hầu hết các mục tiêu của Mỹ đã đề cập đến mối lo ngại về việc chính quyền ông Biden muốn giảm quan hệ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, trợ cấp của Mỹ dành cho công nghệ năng lượng sạch, chủ yếu nhằm phát triển ngành này ngoài Trung Quốc, đã khiến giới chức châu Âu nổi giận vì họ cho rằng một số yêu cầu liên quan đến chính sách trợ cấp này đặt các công ty châu Âu vào thế bất lợi. Giới chức Mỹ đang tìm cách xoa dịu châu Âu bằng cách thúc đẩy một loạt thoả thuận thương mại để hợp tác trong việc mua các khoáng chất quan trọng thông qua một câu lạc bộ người mua. Phía Mỹ cũng khởi động một diễn đàn về các sáng kiến năng lượng sạch với Liên minh châu Âu (EU) nhằm ngăn chặn một cuộc chiến trợ cấp.

Phủ bóng lên nỗ lực của Mỹ nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc là mâu thuẫn giữa trung Quốc với Đài Loan. Đây là một vấn đề có thể mang đến thêm những bất đồng giữa Mỹ và các đồng minh. Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói việc nhận tín hiệu từ Mỹ trong vấn đề căng thẳng Trung Quốc-Đài Loan sẽ là “điều tồi tệ nhất” đối với châu Âu. Sau đó, giới chức Pháp đã tìm cách xoa dịu những phản ứng sau phát biểu này của ông Macron. Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói Pháp chia sẻ với Mỹ những mối lo ngại về phụ thuộc vào Trung Quốc. “Về hạn chế rủi ro, chúng tôi có quan điểm đúng như Mỹ”, ông Le Maire nói.

Nguồn tin là những người gần gũi với các cân nhắc của Washington tiết lộ rằng ngay cả việc hoạch định chính sách của Mỹ về Trung Quốc cũng là một nhiệm vụ khó khăn và tốn thời gian. Chẳng hạn, giới chức Mỹ đang xem xét làm thế nào hạn chế vốn đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc bằng cách chỉ nhằm vào những lĩnh vực có thể giúp Bắc Kinh tăng cường năng lực quân sự.

Các quy định đang được vạch ra nhằm cấm vốn đầu tư mạo hiểm và vốn đầu tư cổ phần tư nhân của Mỹ rót vào các lĩnh vực điện toán lượng tử và bán dẫn tiên tiến ở Trung Quốc, đồng thời yêu cầu các công ty phải công bố những khoản đầu tư như vậy rót vào các lĩnh vực gồm con chip cấp thấp hơn - theo nguồn tin. Các quy định này dự kiến sẽ được triển khai sau khoảng thời gian hoàn thiện kéo dài khoảng 1 năm.

Trong khi đó, giới chức Mỹ vẫn loay hoay trong việc xử lý vấn đề trí thuệ nhân tạo (AI), vì họ chưa vạch ra được một ranh giới cụ thể cho những dạng AI có thể được sử dụng cho mục đích quân sự và những dạng AI khác chủ yếu được dùng trong công nghệ dân sự - nguồn tin tiết lộ.

ĐỘNG THÁI CỦA CÁC BÊN

Giới chức Mỹ đang hy vọng sẽ tập hợp được toàn bộ nhóm G7 ủng hộ đề xuất hạn chế đầu tư vào Trung Quốc. Trong một cuộc gặp ở Washington vào tháng 3, Tổng thống Biden và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã cam kết tiến hành các bước tiếp theo để ngăn dòng vốn và tri thức của phương Tây giúp ích cho sức mạnh quân sự của các nước đối thủ chiến lược.

Về thương mại, một số quan chức phương Tây xem Trung Quốc đã có những hành động thù nghịch. Trung Quốc đã áp đặt cấm vận thương mại không chính thức đối với Australia sau khi nước này kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra về nguồn gốc của Covid-19 và đối với Lithuania vì cho phép Đài Loan mở một cơ quan ngoại giao ở nước này với tên gọi Đài Loan.

Ngoài ra, Trung Quốc đang cân nhắc hạn chế xuất khẩu các công nghệ chủ chốt dùng trong việc sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời.

Tháng trước, EC, chính phủ các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu đã nhất trí về dự thảo “công cụ chống áp bức kinh tế” vạch ra các bước đi để tham vấn và trả đũa trong trường hợp có một quốc gia bị cho là có hành vi áp đặt về kinh tế đối với các nước trong liên minh. Chủ đề này dự kiến sẽ xuất hiện trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản vào tháng tới, và một số nghị sỹ Mỹ đến từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà cũng đang soạn thảo một dự luật về chủ đề tương tự.

“Chúng tôi không nên lặp lại những toan tính sai lầm hoặc những sai lầm đã phạm phải trong quá khứ liên quan đến Nga và các nước lớn khác”, ông Niels Annen, người phụ trách vấn đề hợp tác kinh tế và phát triển của Quốc hội Đức, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn khi đề cập đến sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung năng lượng Nga trước khi xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, ông Annen cũng nói rằng “chúng tôi không muốn thực thi một chính sách hay chiến lược gây phân ly”.