10:25 14/08/2023

Giới đầu tư tin Fed sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài

An Huy

Dù tin rằng Fed đã đi tới hồi kết của việc thắt chặt chính sách tiền tệ, giới đầu tư cho rằng ngân hàng trung ương này sẽ không sớm xoay trục sang nới lỏng và khi giảm lãi suất cũng sẽ không giảm nhanh....

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ gần đây lại tăng vượt ngưỡng 4%, lên gần mức cao nhất trong 1 thập kỷ, do những đặt cược mới trên thị trường tài chính rằng nền kinh tế còn khoẻ của Mỹ có thể mở đường cho Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giữ lãi suất ở mức cao trong nhiều năm.

Dù tin rằng Fed đã đi tới hồi kết của việc thắt chặt chính sách tiền tệ, giới đầu tư cho rằng ngân hàng trung ương này sẽ không sớm xoay trục sang nới lỏng và khi giảm lãi suất cũng sẽ không giảm nhanh.

Ở thời điểm ngày 10/8, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động quanh ngưỡng 4,01%, cách không xa mức đỉnh của 14 năm là 4,231% thiết lập vào tháng 10. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm dao động quanh ngưỡng 4,8%, giảm từ mức khoảng 4,9% hồi cuối tháng 7.

NHỮNG CHUYỂN BIẾN TRÊN ĐƯỜNG CONG LỢI SUẤT

Xu hướng tăng gần đây của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ các kỳ hạn dài hơn - những lãi suất giữ một vai trò quan trọng trong việc thiết lập lãi suất của các khoản vay như vay thế chấp nhà, cho tới định giá cổ phiếu - diễn ra ngay cả khi lợi suất của các trái phiếu ngắn hạn hơn đã chững lại. Giới chuyên gia nhận định đây là một dấu hiệu phản ánh đánh giá của nhà đầu tư rằng lạm phát xuống thang và tăng trưởng kinh tế tiếp tục vững vàng sẽ cho phép Fed dừng tăng lãi suất và giữ nguyên lãi suất ở mức đỉnh đó cho tới ít nhất hết năm nay.

Mấy tháng trước, lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ các kỳ hạn ngắn tăng mạnh hơn so với các kỳ hạn dài, vì giới đầu tư tin rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát, rồi sẽ cắt giảm lãi suất một khi suy thoái kinh tế xảy đến. Giờ đây, lợi suất diễn biến theo chiều gần như ngược lại - lợi suất của kỳ hạn ngắn giảm và lợi suất của kỳ hạn dài tăng lên - tín hiệu cho thấy nhà đầu tư tin Fed sắp hoặc đã dừng việc tăng lãi suất, nhưng chưa chắc sẽ cắt giảm lãi suất trong thời gian sớm vì khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái đang giảm đi nhiều.

Lợi suất trái phiếu tính bằng lợi tức cuống phiếu chia cho giá trái phiếu, có đơn vị tính là %/năm, phản ánh mức lợi nhuận mà nhà đầu tư kỳ vọng nhận được khi mua một trái phiếu cụ thể. Khi giá trái phiếu tăng, lợi suất giảm; và khi giá trái phiếu giảm, lợi suất tăng. Khoảng cách chênh lệch giữa lợi suất của các trái phiếu với kỳ hạn khác nhau được gọi là đường cong lợi suất.

 

Nhà đầu tư đang tăng cường đặt cược vào kịch bản kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, mà ở đó lạm phát sẽ giảm về mục tiêu 2% của Fed trong khi nền kinh tế duy trì sự tăng trưởng chứ không suy thoái như trong kịch bản hạn cánh cứng.

Trong hầu hết thời gian, nhà đầu tư đòi hỏi mức lợi nhuận cao hơn khi họ rót tiền vào những trái phiếu có kỳ hạn dài hơn, vì kỳ hạn dài thường đi kèm với mức độ bấp bênh lớn hơn. Bởi vậy, đường cong lợi suất thường là một đường dốc đi lên. Khi đường cong lợi suất đảo ngược thành một đường dốc đi xuống, nghĩa là lợi suất của các trái phiếu kỳ hạn ngắn cao hơn lợi suất của các trái phiếu kỳ hạn dài, đó được xem là một dấu hiệu của suy thoái kinh tế có thể sắp xảy ra.

Đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã ở trong trạng thái đảo ngược suốt một thời gian dài cho đến hiện tại, nhưng mức độ đảo ngược đã giảm bớt, cho thấy nhà đầu tư đang giảm đặt cược vào khả năng suy thoái kinh tế.

“Sự đảo ngược của đường cong lợi suất đã xảy ra trong một thời gian dài là một chỉ báo rằng nền kinh tế có thể hạ cánh cứng và việc sở hữu trái phiếu kỳ hạn dài là một cách để nhà đầu tư phòng vệ. Giờ đây, thị trường đang nói rằng nếu mà hạ cánh cứng không xảy ra, thì tại sao phải nắm trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm kia chứ?” Giám đốc đầu tư Jim Caron của Morgan Stanley Investment Management phát biểu.

Các số liệu thống kê cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế không phải là lý do duy nhất khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng thời gian gần đây. Sức ép còn đến từ việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hồi cuối tháng 7 tuyên bố nới trần của lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm lên 1% từ 0,5% trước đó. Động thái này của Nhật Bản làm dấy lên lo ngại rằng các nhà đầu tư đến từ đất nước mặt trời mọc có thể bán bớt lượng trái phiếu kho bạc Mỹ khổng lồ mà họ đáng nắm giữ để chuyển sang mua trái phiếu trong nước.

Tiếp đó, Bộ Tài chính Mỹ công bố nhu cầu vay vốn trong những tháng tới ở mức cao hơn so với những gì nhà đầu tư kỳ vọng. Điều đó có nghĩa là thị trường sẽ phải hấp thụ lượng trái phiếu lớn hơn nữa đúng vào lúc các nhà giao dịch cảm thấy tài sản này đang trở nên kém hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, cơ sở sâu xa để lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng đã hình thành trong suốt nhiều tháng, với báo cáo nối tiếp báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ đang ở vào một vị thế vững vàng cho dù lạm phát có nhiều dấu hiệu xuống thang. Điều này đúng với cả báo cáo việc làm tháng 7 mà Bộ Lao động Mỹ công bố hồi đầu tháng này, với mức tăng trưởng việc làm ít hơn kỳ vọng nhưng mức tăng của tiền lương bình quân theo giờ tăng mạnh hơn dự báo.

Giờ đây, nhà đầu tư đang tăng cường đặt cược vào kịch bản kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, mà ở đó lạm phát sẽ giảm về mục tiêu 2% của Fed trong khi nền kinh tế duy trì sự tăng trưởng chứ không suy thoái như trong kịch bản hạn cánh cứng. Một kịch bản như vậy nếu trở thành hiện thực có thể mang theo những hàm ý quan trọng, phản ánh rằng nền kinh tế có thể chống chịu với mức lãi suất cao hơn nhiều so với những gì mà giới đầu tư có thể hình dung bấy lâu.

TÁC ĐỘNG CỦA LỢI SUẤT TRÁI PHIẾU CAO

Một thời kỳ lợi suất cao kéo dài có thể đặt ra trở ngại đối với những người vay tiền mua nhà đang nuôi hy vọng lãi suất sẽ giảm xuống để họ có thể đảo nợ, hoặc những người đang chờ lãi suất giảm để vay mua nhà. Lãi suất trung bình của khoản vay thế chấp nhà lãi suất cố định kỳ hạn 30 năm ở Mỹ gần đây là 6,9%, so với mức khoảng 5% cách đây 1 năm.

Cùng với đó, lãi suất và lợi suất trái phiếu cao hơn sẽ là tin vui đối với những người gửi tiền tiết kiệm và những quỹ lương hưu vốn nhiều năm đối mặt sức ép phải dấn thân vào những khoản đầu tư có độ rủi ro lớn hơn để đạt mục tiêu sinh lời. Lãi suất và lợi suất cao còn tạo cho Fed khả năng phản ứng tốt hơn với suy thoái, vì Fed sẽ có dư địa lớn hơn để cắt giảm lãi suất khi tình trạng của nền kinh tế chuyển xấu.

 

Lợi suất của kỳ hạn ngắn giảm và lợi suất của kỳ hạn dài tăng lên là tín hiệu cho thấy nhà đầu tư tin Fed sắp hoặc đã dừng việc tăng lãi suất, nhưng chưa chắc sẽ cắt giảm lãi suất trong thời gian sớm vì khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái đang giảm đi nhiều.

Đối với nhà đầu tư, một câu hỏi quan trọng hiện nay là liệu lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate) - lãi suất điều hành của Fed, áp dụng cho các khoản vay qua đêm liên ngân hàng - có giảm từ vùng 5,25-5,5% hiện nay về mức 2,5%, vốn là ngưỡng cao nhất của những năm 2010, hay “chúng ta đang quay trở lại thời kỳ giống như những năm 1990”, khi lãi suất duy trì ở mức cao hơn nhiều - theo lời chiến lược gia Zach Griffifths của công ty nghiên cứu CreditSights.

Nhưng cũng cần phải lưu ý rằng kỳ vọng của thị trường có thể thay đổi rất nhanh chóng, cùng với sự thay đổi của nền kinh tế.

“Hầu hết các cuộc suy thoái kinh tế đều có đặc điểm chung là ban đầu diễn biến rất chậm chạp rồi sau đó ập đến bất ngờ”, Giám đốc đầu tư Matt Smith của công ty Ruffer nhận định với Wall Street Journal. Ông Smith cùng với ê-kíp của mình đang mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ, đặt cược rằng giá trái phiếu sẽ tăng vì suy thoái sẽ đến. “Chúng tôi không biết khi nào thì suy thoái xảy ra, nhưng chúng tôi có trạng thái đầu tư để phản ánh rằng việc Fed thắt chặt sẽ gây ra suy thoái”, ông nói.