15:35 22/06/2010

Giới quản lý đau đầu vì bóng đá

Huy Anh

Theo WSJ, ngay lúc này đã có thể xác định được những người “thua trận” trong World Cup 2010, đó là giới chủ lao động

Nhiều trận đấu bóng đá rơi đúng vào giờ làm việc ở châu Mỹ và châu Âu - Ảnh: WSJ.
Nhiều trận đấu bóng đá rơi đúng vào giờ làm việc ở châu Mỹ và châu Âu - Ảnh: WSJ.
Đội tuyển nào sẽ giành chức vô địch World Cup 2010, phải chờ tới tháng 7 chúng ta mới biết được. Tuy nhiên, theo WSJ, ngay lúc này đã có thể xác định được những người “thua trận”, đó là giới chủ lao động.

Các nhà quản lý lao động trên khắp thế giới đang phải đương đầu với tình trạng sụt giảm năng suất lao động do World Cup 2010 mang lại. Tình trạng này sẽ còn kéo dài tới ngày 11/7 tới và lặp lại 4 năm một lần.

Vòng chung kết năm nay có rất nhiều trận đấu diễn ra vào giữa giờ làm việc tại châu Mỹ và châu Âu. Ở những nước hâm mộ bóng đá tới điên cuồng như ở Anh, nhiều doanh nghiệp thậm chí còn không cấm nhân viên xem thi đấu.

Một số công ty còn cho phép nhân viên vừa làm việc vừa xem đá bóng. Còn ở những nơi khác, các nhà quản lý đã điều chỉnh giờ làm của nhân viên sao cho phù hợp với lịch diễn ra các trận thi đấu.

Tại Paraguay, hôm diễn ra trận đấu giữa đội tuyển nước này với Italy, Tổng thống Fernando Lugo còn ban hành một sắc lệnh cho phép công nhân viên chức được nghỉ một buổi chiều để theo dõi trận cầu.

Tại Anh, suy giảm năng suất lao động do World Cup gây ra có thể gây ra những thiệt hại ước tính khoảng 1 tỷ Bảng Anh (tương đương 1,45 tỷ USD), theo điều tra của Viện quản lý Chartered.

Theo kết quả khảo sát  sát của PricewaterhouseCoopers LLP đối với 1.000 công nhân Anh, hơn một nửa số nam giới và 21% nữ giới sẽ xem các trận đấu ngay trong giờ làm việc.

Asda, một chi nhánh của Wal-Mart, đã cho nhân viên cơ hội được nghỉ không lương hai tuần, nếu muốn tới Nam Phi. Công ty cũng đồng ý cho nhân viên chuyển ca trực, nghỉ giữa giờ lâu hơn và được xin nghỉ để xem các trận cầu tại nhà.

Các sản phẩm tivi đặt trong gian hàng điện tử của Asda cũng được bật kênh phát sóng các trận đấu của Cúp bóng đá thế giới, để giúp các nhân viên bán hàng có thể vừa xem vừa bán hàng.

"Chúng tôi tin rằng các đồng nghiệp của mình có thể làm việc ăn ý trong lúc vẫn xem được giải đấu”, một nữ phát ngôn viên của chuỗi siêu thị Asda cho hay.

Ông Jonathan Grant, một nhà quản lý thuộc PwC tại London, đã cho phép nhân viên đến và về sớm hơn vào những ngày có đội tuyển Anh thi đấu. Nhân viên của ông đến từ 3 quốc gia khác nhau, nên ông còn phải tham gia ngăn chặn những xung đột nho nhỏ giữa các “cổ động viên” này.

Tuy nhiên, công ty này đang phải xem xét việc cho phép nhân viên xem bóng đá ở những khu vực riêng. Bởi lẽ “tiếng reo hò có thể làm sao lãng sự chú ý của nhân viên đối với các cuộc trao đổi điện thoại”, ông Grant nói.

Những năm trước, Mỹ hầu như “miễn dịch” với giải thi đấu lớn nhất hành tinh này, người Mỹ không cuồng nhiệt bằng nhiều người Anh. Tuy nhiên, điều này có vẻ đã thay đổi, bóng đá đang ảnh hưởng tới quốc gia này

Năm 2006, tổng cộng 78 triệu người Mỹ đã xem World Cup trên các kênh của Walt Disney, tăng so với con số 70 triệu trong năm 2002. Các con số này chưa bao gồm những người xem qua kênh phát bằng tiếng Tây Ban Nha.

Trong ngày diễn ra trận khai mạc World Cup 2010 giữa Mexico và Nam Phi, nhiều công nhân Mỹ đã không hoàn toàn tập trung vào công việc. Trận đấu khai cuộc vào lúc 10h sáng, nhưng nhiều người đã bỏ việc để đi xem. Jack Keane, chủ một quán bar ở New York cho biết, cửa hàng chật kín, rất nhiều người tới đây xem và hầu như ai cũng mua bia rượu.