07:24 28/06/2013

Giới quan sát nói gì về tăng tỷ giá, hạ lãi suất?

An Huy

Đa phần các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng

Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá kể từ cuối năm 2011.
Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá kể từ cuối năm 2011.
Động thái tăng tỷ giá USD/VNDhạ lãi suất tiền gửi mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra ngày 27/6 đã thu hút sự quan tâm của giới quan sát quốc tế. Đa phần các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng.

Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá kể từ cuối năm 2011. Theo đó, mức tỷ giá bình quân liên ngân hàng áp dụng từ ngày hôm nay (28/6) là 21.036 đồng, tăng 1% so với mức tỷ giá 20.828 đồng áp dụng suốt khoảng 1 năm rưỡi trước đó.

Cùng với việc nâng tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cũng hạ trần lãi suất huy động về mức 7%/năm từ mức 7,5%/năm trước đó, có hiệu lực bắt đầu từ ngày 28/6.

Bối cảnh tăng trưởng yếu

Đánh giá về các động thái mới nhất này của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng HSBC cho rằng, điều này phản ánh nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước nhằm nới lỏng các điều kiện tín dụng, thúc đẩy cho vay, hỗ trợ cho tăng trưởng.

“Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng việc giảm trần lãi suất tiền gửi sẽ giúp đẩy lãi suất cho vay hạ, cung cấp thêm thanh khoản cho nền kinh tế”, báo cáo của HSBC có đoạn viết.

Ngân hàng này nêu rõ, số liệu mới nhất cho thấy, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam từ đầu năm tới nay mới đạt 3,31%. Nếu tính cả yếu tố lạm phát thì tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đang ở mức âm.

“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chịu ảnh hưởng bất lợi nhiều nhất kể từ khi Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11 để kiềm chế hoạt động cho vay ồ ạt nhằm hạn chế các áp lực lạm phát”, báo cáo nhận định.

Trong một báo cáo khác ra hôm qua, tổ chức nghiên cứu Capital Economics có trụ sở tại London, Anh, đánh giá rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn đang đối mặt với khó khăn trong bối cảnh những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng dẫn tới tình trạng thắt chặt tín dụng. Theo báo cáo này “những vấn đề trong hệ thống ngân hàng có thể sẽ còn đè nặng lên nền kinh tế. Tăng trưởng của 1-2 năm tới có thể duy trì thấp hơn nhiều so với những gì mà Việt Nam đạt được trong những năm gần đây”.

Bản báo cáo của Capital Economics nhấn mạnh, tăng trưởng GDP quý 2 của Việt Nam chỉ đạt 5% so với cùng kỳ năm trước, nhích nhẹ so với mức tăng 4,9% trong quý 1, và bằng với mức dự báo trước đó của giới quan sát.

“Sự khởi sắc tăng trưởng trong quý 1 không đồng nghĩa với các điều kiện kinh tế đang được cải thiện… Việc những số liệu này được công bố trước khi kết thúc quý dẫn tới câu hỏi về tính khả tin của dữ liệu. Thậm chí, những số liệu này cho thấy, kinh tế Việt Nam sẽ chỉ tăng khoảng 5% trong năm nay, không thay đổi so với năm ngoái. Trong 2 thập kỷ qua, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 7,5% mỗi năm”, báo cáo viết.

Phân tích về nguyên nhân chính dẫn tới sự giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, Capital Economics cũng cho rằng, đó là do những vấn đề trong hệ thống ngân hàng. Nợ xấu tăng mạnh, dẫn tới thắt chặt tín dụng.

Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, và sẽ mất thời gian để thực hiện thành công. Cho tới khi đó, tăng trưởng có thể còn ở mức thấp”, báo cáo viết.

Điểm sáng xuất khẩu


Tuy thận trọng, giới phân tích quốc tế vẫn chỉ ra một số điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam, nổi bật là lĩnh vực xuất khẩu. “Khu vực xuất khẩu vẫn hoạt động tốt. Đáng chú ý, kết quả tích cực không chỉ đến từ những mặt hàng giá trị gia tăng thấp như dệt may, mà cả ở những mặt hàng có giá trị gia tăng cao như các mặt hàng điện tử tiêu dùng. Xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh trong 1-2 năm tới bất chấp khả năng nhu cầu toàn cầu còn yếu”, Capital Economics nhận xét.

Báo cáo này cho rằng, dù tăng trưởng GDP gây thất vọng, nhưng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán dường như đã không còn. Hiện cán cân vãng lai của Việt Nam đang ở trạng thái thặng dư, nhờ đó mà dự trữ ngoại hối tăng, hỗ trợ cho tỷ giá đồng nội tệ.

Ở một báo cáo khác, Ngân hàng JPMorgan Chase cũng cho rằng, việc Việt Nam trở lại với thâm hụt thương mại trong tháng 6 này không phải là một mối lo lớn đối với cán cân thanh toán.

Theo thống kê, Việt Nam thâm hụt thương mại 200 triệu USD trong tháng 6. Tuy nhiên, số liệu thâm hụt của tháng 5 được điều chỉnh giảm xuống còn 553 triệu USD từ mức 1,2 tỷ USD trong lần công bố đầu tiên. Tính từ đầu năm, thâm hụt thương mại hiện là 1,5 tỷ USD, so với mức thặng dư 685 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.

“Năm nay, Việt Nam có thể thâm hụt thương mại trở lại, nhưng mức thâm hụt có thể sẽ thấp hơn nhiều so với mức thâm hụt 7,9-19,8% trong các năm từ 2008-2011”, JPMorgan Chase đánh giá.

Tác dụng của hạ lãi suất, tăng tỷ giá đến đâu?

Nói về tác dụng của việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá và lãi suất, HSBC cho rằng, những động thái này có thể chỉ có tác động nhỏ tới nền kinh tế. Theo ngân hàng này, lạm phát lõi của Việt Nam vẫn tăng, theo đó hạn chế cơ hội cho Ngân hàng Nhà nước mạnh tay nới lỏng các điều kiện tín dụng.

“Việc giảm trần lãi suất tiền gửi có thể tạo ra một cú hích cho tăng trưởng tín dụng, nhưng chỉ là một cú hích nhỏ. Có ý nghĩa hơn cả là những cải cách nhằm giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và nâng cao mức độ hiệu quả của các doanh nghiệp quốc doanh”, HSBC đánh giá.

Cùng quan điểm trên, Capital Economics nói rằng “chỉ cắt giảm lãi suất sẽ là không đủ để vực dậy nền kinh tế. Cho tới khi giải quyết được những vấn đề trong hệ thống ngân hàng và dòng vốn tín dụng được khơi thông, tăng trưởng sẽ còn ở mức thấp”.

Dè dặt dự báo tăng trưởng

HSBC dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ ở mức 5,1%. Capital Economics dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay và 5,5% trong năm tới.

Tờ Wall Street Journal dẫn một báo cáo từ Ngân hàng ANZ đánh giá rằng, kinh tế Việt Nam có nguy cơ không đạt được mức tăng trưởng 5,6% như dự báo mà ngân hàng này đưa ra cho năm 2013.

Trao đổi với hãng tin tài chính Bloomberg, ông Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, lạc quan thận trọng cho rằng, có thể tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang chạm đáy. “Có một vài tín hiệu cho thấy tăng trưởng có thể đang chạm đáy. Nhưng còn quá sớm để kết luận rằng liệu đây có phải là khởi đầu của một quá trình phục hồi bền vững”.

Với quan điểm tương tự, ông Gaurav Gupta, Giám đốc điều hành của hãng xe General Motors (GM) tại Việt Nam, nhận xét trên Bloomberg: “Năm nay sẽ không phải là một năm tăng trưởng mạnh của kinh tế Việt Nam, nhưng nền kinh tế đang đi vào ổn định. Năm nay sẽ tạo cơ sở cho Chính phủ hành động để đưa tăng trưởng lên mức cao hơn trong tương lai”.