09:52 08/06/2016

Giới triệu phú sắp chiếm quá nửa tài sản thế giới

Thăng Điệp

Các hộ triệu phú hiện đang kiểm soát 47% tài sản toàn cầu, và tỷ lệ này sẽ tăng lên 52% vào năm 2020

Tỷ phú người Anh Richard Branson - Ảnh: Getty/CNBC.<br>
Tỷ phú người Anh Richard Branson - Ảnh: Getty/CNBC.<br>
Các triệu phú sẽ nắm quyền kiểm soát hơn một nửa tài sản tư nhân của thế giới vào năm 2020, trong đó những triệu phú giàu nhất chính là những người sẽ chứng kiến tài sản gia tăng mạnh nhất - hãng tin CNBC dẫn một báo cáo mới được công bố cho biết.

Theo báo cáo Tài sản Toàn cầu (Global Wealth) của công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG), số hộ gia đình triệu phú trên thế giới đã tăng thêm 6% trong năm 2015, đạt mức 18,5 triệu hộ. Mức tăng này chậm hơn so với mức tăng 11% của số hộ triệu phú toàn cầu được ghi nhận trong năm 2014.

Bản báo cáo nói rằng các hộ triệu phú hiện đang kiểm soát 47% tài sản toàn cầu, và tỷ lệ này sẽ tăng lên 52% vào năm 2020. Những người càng giàu thì lại càng kiếm được nhiều tiền, đặc biệt là ở Mỹ.

BCG dự báo, những hộ có tài sản hơn 20 triệu USD tại Mỹ sẽ kiểm soát 29% tài sản ở nước này vào năm 2020, từ mức 24% vào năm 2015, và 20% vào năm 2010. Trái lại, những hộ có tài sản dưới 1 triệu USD sẽ chứng kiến tỷ trọng tài sản của họ trong tổng tài sản ở Mỹ giảm còn 29% vào năm 2002, từ mức 34% vào năm 2015 và 40% vào năm 2010.

Theo báo cáo, trong vòng 5 năm tới, tốc độ tài sản gia tăng mạnh nhất sẽ thuộc về những hộ gia đình thuộc nhóm giàu nhất.

Những hộ gia đình Mỹ có tài sản từ 20 triệu USD trở lên sẽ chứng kiến tài sản tăng thêm 7,6% trong 5 năm tới, BCG dự báo. Những hộ có tài sản từ 1-20 triệu USD sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tài sản 5,7% trong 5 năm. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tài sản đối với những hộ dưới 1 triệu USD sẽ chỉ đạt 1,2% trong cùng khoảng thời gian.

Theo số liệu mà bản báo cáo đưa ra, khu vực có số triệu phú tăng mạnh nhất trong năm 2015 là châu Á không bao gồm Nhật Bản. Số hộ gia đình triệu phú ở khu vực này đã tăng 17% trong năm ngoái, đạt 3,6 triệu hộ. Tiếp theo là khu vực Tây Âu, tăng 11% đạt 3,9 triệu hộ. Tại Mỹ Latinh, số hộ triệu phú tăng 7%, đạt 400.000 hộ.

Bắc Mỹ là khu vực có số hộ triệu phú tăng chậm nhất, với mức tăng chưa đầy 1%, đạt 8,4 triệu hộ. Năm 2014, số hộ triệu phú ở khu vực này tăng 9%.

Tuy vậy, Mỹ hiện vẫn là quốc gia có nhiều triệu phú nhất, với 8 triệu hộ. Trung Quốc xếp thứ nhì với 2,1 triệu hộ, Nhật Bản có 1,1 triệu hộ, và Anh với 961.000 hộ.

Quốc gia có mật độ triệu phú cao nhất là công quốc Liechtenstein ở châu Âu với 19% số hộ gia đình là hộ triệu phú. Thụy Sỹ xếp thứ nhì với 15%, tiếp theo là Bahrain với 13%, và Qatar với 12,7%. Mỹ xếp thứ 9 với 6,5% hộ gia đình là hộ triệu phú.

Trong năm 2015, tổng tài sản sản toàn cầu tăng 5,2%, đạt mức 168 nghìn tỷ USD. Mức tăng này chậm hơn so với mức tăng 7% đạt được năm 2014.

Năm ngoái, tăng trưởng tài sản tư nhân toàn cầu chủ yếu là tăng tiền mặt và tiền gửi, bởi thị trường chứng khoán toàn cầu suy yếu. Tuy nhiên, theo báo cáo, trong 5 năm tới, thị trường chứng khoán sẽ là động lực chính của tăng trưởng tài sản toàn cầu.

Trong số gần 15 nghìn tỷ USD tài sản được dự báo tăng thêm trong thời gian từ nay đến năm 2020, có gần 14 nghìn tỷ USD được cho là sẽ đến từ chứng khoán. Các loại cổ phiếu và trái phiếu được dự báo sẽ chiếm 69% tài sản tư nhân toàn cầu vào năm 2020, từ mức 62% trong năm 2015 và 54% vào năm 2010.