22:59 23/05/2023

Giữ giá trần, bỏ giá sàn và thực chất không có vé máy bay “0 đồng”

Nhĩ Anh

“Mức giá 0 đồng” là chưa gồm thuế, phí và thực tế người tiêu dùng vẫn phải chi trả một khoản tiền nhất định. Thời gian qua, một số hãng áp dụng giá “vé 0 đồng” như một hình thức ưu đãi và thực tế mức giá phải trả không phải là 0 đồng...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vấn đề quy định giữ giá trần, bỏ giá sàn vé máy bay dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Giá (sửa đổi) chiều ngày 23/5/2023.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, việc giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa là cần thiết.

LÝ DO GIỮ GIÁ TRẦN, BỎ GIÁ SÀN VÉ MÁY BAY

Nêu những lý do bỏ giá sàn, cơ quan thẩm tra cho biết, trên cơ sở tổng kết Luật Hàng không dân dụng, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất bỏ quy định về giá sàn nhằm tạo cơ chế khuyến khích cạnh tranh, giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nhất là đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ hàng không; giảm chi phí xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Việc bỏ giá sàn mở cơ hội cho doanh nghiệp cạnh tranh nhưng hoàn toàn không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có quyền cạnh tranh không lành mạnh vì doanh nghiệp có hạ giá bán thì vẫn phải tuân thủ các quy định tại Luật Cạnh tranh.

Giữ giá trần, bỏ giá sàn và thực chất không có vé máy bay “0 đồng” - Ảnh 1

Về tác động thực tế, thực chất việc bỏ giá sàn không gây tác động đến các doanh nghiệp hàng không do trong các năm qua, giá sàn trong khung giá được quy định bằng 0 (khoản 2 Điều 3 Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT) của Bộ Giao thông vận tải. 

Về tác động đối với thu ngân sách nhà nước, việc bỏ giá sàn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho người dân, thúc đẩy phát triển thị trường hàng không nội địa, tạo cạnh tranh sôi động; từ đó, tăng số lượng người dân sử dụng dịch hàng không, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận cho các hãng hàng không. 

Về việc giữ quy định giá trần, nguyên nhân được nêu là “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh”. Hiện nay, khi xã hội ngày càng phát triển, dịch vụ này là thiết yếu, tác động với phạm vi rất lớn đến đời sống người dân, đến sản xuất kinh doanh.

Cùng với đề xuất bỏ giá sàn, nếu không quy định giá trần đồng nghĩa với việc Nhà nước bỏ công cụ điều tiết và để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ toàn quyền quyết định giá dịch vụ. Các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay ở mức cao, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng…

“MỨC GIÁ 0 ĐỒNG” CỦA CÁC HÃNG HÀNG KHÔNG

Có ý kiến đề nghị cần xem xét mối quan hệ giữa Luật Giá với các quy định tại pháp luật về cạnh tranh, chống bán phá giá khi có hãng hàng không định “mức giá 0 đồng”.

Cơ quan thẩm tra nhận thấy, căn cứ vào hệ thống pháp luật hiện hành thì các chính sách về chống bán phá giá chỉ áp dụng đối với thương mại quốc tế (giữa các quốc gia). Do vậy, không có mối quan hệ với giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi).
Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Về mối quan hệ giữa Luật Giá với Luật Cạnh tranh khi có hãng hàng không định “mức giá 0 đồng”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thực chất, không có vé máy bay giá “0 đồng” vì Thông tư 17/2019/TT-BGTVT quy định rõ nguyên tắc định giá vé cho 1 vé máy bay phải bao gồm các khoản thuế, phí theo quy định. “Mức giá 0 đồng” là chưa gồm thuế, phí và thực tế người tiêu dùng vẫn phải chi trả một khoản tiền nhất định.

Thời gian qua, một số hãng áp dụng giá “vé 0 đồng” như một hình thức ưu đãi, chỉ áp dụng cho một số ít ghế trong 1 chuyến bay và thực tế mức giá phải trả không phải là 0 đồng.

Thông tư 17/2019/TT-BGTVT cũng quy định việc tính giá. Theo đó giá phải đảm bảo phù hợp với chi phí sản xuất kinh doanh thực tế của từng chuyến bay.

Dự thảo Luật quy định nguyên tắc định giá phải: “Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường. Thực tế, các hãng hàng không đều xây dựng dải giá linh hoạt với nhiều mức giá khác nhau, tương ứng với các điều kiện, thời điểm khác nhau. Doanh thu, chi phí sẽ được tính tổng chung theo chuyến bay, đường bay.

Mặt khác, để xác định hãng hàng không có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không phải căn cứ trên toàn bộ chi phí của từng chuyến bay và mức giá bình quân vé máy bay, không phải chỉ tính trên các mức giá vé đơn lẻ.

Như vậy, pháp luật về giá và Dự thảo Luật thể hiện rõ quan điểm không cho phép các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, không mâu thuẫn với Luật Cạnh tranh.

CẦN THIẾT CÓ SỰ ĐIỀU TIẾT CỦA NHÀ NƯỚC ĐỂ ĐẢM BẢO CẠNH TRANH LÀNH MẠNH

Góp ý cho vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cũng bày tỏ, phải giữ giá trần vé máy bay vì nếu các hãng hàng không tự đưa giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay ở mức rất cao sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, tác động lên sản xuất kinh doanh và xã hội.

Chia sẻ điều này, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn Thừa Thiên Huế cho nhất trí với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giữ quy định về giá trần và bỏ giá sản đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu- Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu- Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Đối với “mức giá 0 đồng” của hãng hàng không, đại biểu đề nghị cần xem xét điều chỉnh thuật ngữ “mức giá 0 đồng” bằng những thuật ngữ phù hợp là giá ưu đãi hoặc giá khuyến mại nhằm tránh ngộ nhận, lợi dụng và cũng thể hiện tính minh bạch trong Luật Cạnh tranh.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam, đoàn Phú Thọ cho biết, dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng không nội địa là dịch vụ do nhà nước định giá, Bộ Giao thông vận tải quy định giá tối đa. Thống nhất với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần thiết có sự điều tiết của Nhà nước để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, không gây tác động xấu đến các doanh nghiệp hàng không.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Đề xuất bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Đề xuất bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay

Trong dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng không nội địa, có nhiều hạng khác nhau, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Đại biểu Nam đề nghị cần quy định rõ trong dự thảo luật, chỉ có dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông thì mới thuộc danh mục dịch vụ do nhà nước định giá, còn hạng thương gia thì để doanh nghiệp tự định giá theo cơ chế thị trường, để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, cung cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân.

Có quan điểm khác, Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn Quảng Nam đề xuất bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay. Việc bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay cũng sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải khác, đảm bảo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Đại biểu cũng cho rằng vận tải hàng không không phải là dịch vụ thiết yếu. Cũng như vận tải đường sắt, các hãng vận tải phải có sự cạnh tranh công bằng trong dịch vụ, phản ánh đúng quy định thị trường và quy luật cung cầu.

Từ kinh nghiệm quốc tế, đại biểu bày tỏ, việc không quy định giá trần, giá sàn đối với vé máy bay sẽ tạo điều kiện để các hãng hàng không thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, đưa nhiều chương trình giá phù hợp, tăng các mức giá rẻ nhằm kích cầu và khuyến khích người dân tham sử dụng dịch vụ vận tải hàng không.

 
Giữ giá trần, bỏ giá sàn và thực chất không có vé máy bay “0 đồng” - Ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc:
Đối với giá sàn và giá trần của hàng không nội địa, Bộ trưởng cho biết việc giữ giá trần để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận dịch vụ hàng không nội địa, từ đó giúp giảm chi phí xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Về giá sàn, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước trên thế giới đã bỏ giá sàn. Các hãng hàng không có dải giá rất rộng cho nhiều loại chuyến bay, nhiều hạng vé cho từng nhóm đối tượng…Do đó cơ quan soạn thảo thống nhất bỏ giá sàn với dịch vụ này.