Nhiều “ông lớn” hàng không thoát lỗ trong quý 1
Cùng với việc tăng tần suất và mở mới nhiều đường bay quốc tế, sức nóng từ giá dầu, tỷ giá và lãi suất cho vay “hạ nhiệt”... giúp doanh thu nhiều hãng hàng không Việt Nam tăng vọt, đưa nhiều “ông lớn” đảo chiều báo lãi. Đặc biệt là Vietnam Airlines chuyển sang báo lãi sau thời gian dài lỗ triền miên...
Tiếp nối đà phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, kỳ cao điểm Tết trong quý 1/2023 cùng kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 đã giúp thị trường vận tải hàng không tiếp tục bật tăng, đưa các hãng hàng không “cất cánh” ngoạn mục.
Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, 4 tháng đầu năm, các cảng hàng không trên cả nước đón gần 37 triệu khách, tăng 55% so với cùng kỳ 2022, với lượng khách quốc tế và quốc nội đều tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, hàng không vận chuyển 9,7 triệu khách quốc tế, tăng 976% so với cùng kỳ năm 2022 và 27,2 triệu khách quốc nội, tăng 18%.
Tính riêng các hãng hàng không nội địa vận chuyển 18,2 triệu khách trong 4 tháng đầu năm, tăng 56% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 4,6 triệu, khách nội địa đạt 13,6 triệu.
PHỤC HỒI MẠNH VỀ DOANH THU VÀ LỢI NHUẬN
Lượng du khách quốc tế có dấu hiệu quay trở lại khả quan hơn nhờ Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm các quốc gia được phép du lịch theo nhóm dành cho công dân Trung Quốc từ ngày 15/3, đúng một năm sau khi Việt Nam mở cửa trở lại hoàn toàn. Đây là bước tiến quan trọng đối với chính sách nghiêm ngặt của nước này trong 3 năm qua và sớm hơn ước tính của giới phân tích.
Trung Quốc là thị trường trong và ngoài nước lớn nhất của Việt Nam, chiếm 32% lượng khách quốc tế đến Việt Nam vào năm 2019 và đây cũng là điểm đến du lịch sôi động nhất đối với người Việt. Mặc dù lúc đầu quá trình phục hồi có thể chậm hơn nhưng dự kiến sẽ bùng nổ vào kỳ nghỉ hè năm 2023.
Nhờ đó, nhiều hãng hàng không ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý đầu năm. Cụ thể, trong quý 1, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet khai thác an toàn 31.300 chuyến bay, vận chuyển gần 5,4 triệu lượt hành khách, tăng 57% và 75% so với cùng kỳ. Các chuyến bay của hãng đạt hệ số sử dụng ghế bình quân cao 85%, độ tin cậy kỹ thuật đạt 99,59%.
Vận tải khách quốc tế tiếp tục là điểm sáng, đóng góp gần 45% tổng doanh thu vận tải hành khách và chiếm 30% về số lượng chuyến bay, lượt khách với Vietjet. Đồng thời, hãng bay này cũng vận chuyển hơn 14.800 tấn hàng hóa, tăng 20% so với cùng kỳ.
Nhờ sự hồi phục từ vận tải hàng không nội địa và quốc tế, trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023, doanh thu hoạt động vận tải hàng không của Vietjet đạt 12.880 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỷ đồng, tăng lần lượt 286% và 320% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu hoạt động phụ trợ đạt 4.312 tỷ đồng, đóng góp hơn 33% tổng doanh thu.
Về kết quả kinh doanh hợp nhất, Vietjet ghi nhận doanh thu đạt 12.898 tỷ đồng, tăng 185% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 173 tỷ đồng, giảm sâu gần 30%.
Với hãng hàng không quốc gia, sau chuỗi 12 quý ròng rã lỗ liên tiếp, quý 1/2023, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 19 tỷ đồng, đảo chiều ngoạn mục với khoản lỗ trên 2.600 tỷ đồng của quý 1/2022. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn âm 37 tỷ đồng.
Cụ thể, theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu vận chuyển hàng không đạt 23.640 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất của Vietnam Airlines kể từ quý 1/2020 và gần tiệm cận doanh thu giai đoạn trước dịch bệnh năm 2019.
Tốc độ tăng tổng doanh thu và thu nhập khác trong quý 1 gần 114%, tương đương tăng gần 9.600 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng hơn 9.500 tỷ đồng so với năm trước. Trong khi đó, tốc độ tăng tổng chi phí chỉ ở mức 67%, tương đương tăng gần 7.300 tỷ đồng. Điều này dẫn đến công ty mẹ lãi gộp về cung cấp dịch vụ đạt hơn 1.500 tỷ đồng và lỗ sau thuế giảm hơn 2.300 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt hơn 59.600 tỷ đồng, nợ phải trả hơn 69.800 tỷ đồng, dẫn đến Vietnam Airlines vẫn đang âm vốn chủ sở hữu hơn 10.000 tỷ đồng, cổ phiếu nằm trong diện bị kiểm soát.
Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết Tổng công ty vẫn đang chủ động triển khai hàng loạt giải pháp ngắn hạn, dài hạn để giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra và cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh, đồng thời bổ sung nguồn vốn và dòng tiền cho doanh nghiệp.
Còn hai hãng Vietravel Airlines và Bamboo Airways hiện vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 1/2023. Bamboo Airways thậm chí chưa công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 do công ty mẹ FLC hoãn nộp báo cáo. Tuy nhiên, trong năm 2022, trong khi các “ông lớn” Vietjet và Vietnam Airlines ghi nhận lỗ nghìn tỷ thì Vietravel đã có lãi trên 100 tỷ đồng.
TĂNG TÀU BAY, TIẾP SỨC BẬT TỪ THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ
Những kết quả khả quan của vận tải hàng không trong quý đầu năm được đánh giá từ việc các hãng hàng không bám sát diễn biến nhu cầu thị trường, nắm bắt cơ hội phục hồi để chiếm lĩnh thị phần vận tải hành khách nội địa và mở rộng thị trường quốc tế vốn mang tới 60% doanh thu của nhiều hãng. Sự hồi phục của hàng không như “lò xo” bật nén sau khi Việt Nam mở cửa.
Đại diện Vietjet đánh giá năm 2023 là một năm tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận nhờ vào giá nhiên liệu bay được dự báo sẽ giảm từ 20 – 30% so với mức trung bình 2022, thị trường Trung Quốc mở cửa và các chính sách nới lỏng thị thực từng bước được áp dụng. Bên cạnh đó, việc Chính phủ xem xét tháo dỡ giá trần cũng là một nhân tố quan trọng giúp Vietjet và các hãng hàng không phục hồi nhanh, tăng năng lực cạnh tranh với các hãng bay quốc tế...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 19-2023 phát hành ngày 8-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam