Giữ rừng, trồng sâm dưới tán Pù Rinh
Sống giữa đại ngàn Pù Rinh, họ không chỉ là người gác rừng mà còn là những “người ươm” cho mô hình phát triển dược liệu quý giữa rừng sâu, mô hình đang thắp lên hy vọng về một hướng đi bền vững cho sinh kế người dân miền núi tỉnh Thanh Hóa.

Sáng sớm giữa tháng Bảy, sương mù còn vương trên tán rừng, tôi theo chân anh Trần Văn Hải, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 4 (Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh), men theo con đường núi gồ ghề, dốc cao dựng đứng, dẫn vào vùng lõi dãy Pù Rinh. Dưới tán rừng già xanh ngắt, ở độ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển, nơi đây đang hình thành một “vườn thuốc quý” với các loài dược liệu bản địa: sâm Lai Châu, khôi tía, sâm cau.
“Phải vào sâu trong rừng, ở độ cao thích hợp thì cây mới phát triển tốt,” anh Hải vừa đi vừa nói. Giữa làn sương mù mờ ảo, tiếng gió rít qua tán cây rậm rạp, Pù Rinh hiện lên như một “vườn địa đàng” hoang sơ, nhưng cũng đầy tiềm năng.
NHỮNG NGƯỜI Ở LẠI VỚI RỪNG
Đón chúng tôi là bà Vũ Thị Tú, người phụ nữ nước da rám nắng, sinh năm 1964, quê ở xã Thường Xuân (nay là huyện Thường Xuân cũ). Bác Tú đã có gần 5 năm cắm trại sống giữa Pù Rinh để trồng và chăm sóc lan kim tuyến, sau này là sâm Ngọc Linh. Khi Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh triển khai trồng thử nghiệm cây sâm Lai Châu, vợ chồng bác Tú tình nguyện là người tiên phong gieo trồng.
“Chúng tôi dựng lán ngay sát khu trồng dược liệu, tiện cho việc trông nom,” bác Tú nói khi vừa dùng dao quắm phát bụi rậm, dây leo để mở lối đi vào khu trồng. Giọng nói của bác rắn rỏi, dày dạn kinh nghiệm, chất giọng của người đã quen sống với rừng. “Từng loại cây rừng, cây nào ăn được, cây nào làm thuốc tôi đều nhớ rõ. Sống trong rừng không chỉ cần sức bền, mà còn cần hiểu rừng.”
Một gốc sâm Lai Châu đã 4 năm tuổi đang bắt đầu ra hoa. Bông hoa nhỏ, trắng ngà, mềm mại như chùm hạt li ti giữa đám lá xanh mướt. Tôi nâng nhẹ bông hoa trên tay, bất giác cảm thấy như đang cầm lấy một phần tinh túy của đại ngàn. Những cây sâm này được di thực từ Lai Châu, hiện đang phát triển tốt dưới điều kiện khí hậu mát lạnh, ẩm ướt quanh năm của núi Pù Rinh.

Chăm sóc dược liệu cùng bà Tú còn có ông Ngân Văn Phúc – người xã Linh Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Lán của ông nằm cách lán của bác Tú vài trăm mét. Mỗi ngày, ông theo dõi sự sinh trưởng của cây, ghi chép cẩn thận về lượng nước, độ ẩm, sâu bệnh. “Cuộc sống trong rừng mùa hè thì ổn”, ông Phúc kể, “Nhưng khổ nhất là mùa đông hay những đợt mưa rả rích kéo dài cả tuần. Quần áo không khô, giường chiếu thì ẩm ướt. Có khi cả khu bị cô lập, phải sống nhờ rau rừng”.
Tuy vất vả, nhưng cả bác Tú và ông Phúc đều không nghĩ đến việc rời rừng. “Ở đây, rừng là nhà. Và mỗi cây dược liệu mọc lên là một hy vọng mới”.
TỪ TRĂN TRỞ ĐẾN HÀNH ĐỘNG
Ý tưởng đưa cây sâm Lai Châu về trồng dưới tán rừng Pù Rinh đến từ anh Trần Văn Hải người đã dành nhiều năm gắn bó với công tác bảo vệ rừng. “Tôi từng đi qua nhiều tỉnh miền núi, thấy nhiều nơi bà con phát triển kinh tế dưới tán rừng rất tốt, thậm chí giàu lên từ rừng. Nhưng ở quê mình, tài nguyên rừng phong phú mà người dân chủ yếu chỉ sống nhờ tiền giao khoán, thu nhập rất thấp”.
Với mong muốn thay đổi thực trạng đó, anh Hải đã dành nhiều thời gian nghiên cứu đặc điểm hệ sinh thái của khu vực rừng được giao quản lý. Anh nhận thấy Pù Rinh có khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp để trồng dược liệu quý, đặc biệt là sâm Lai Châu, khôi tía và sâm cau, những loài cây đòi hỏi điều kiện tự nhiên khắt khe.
Năm 2024, mô hình trồng thử nghiệm được triển khai trên diện tích 2,5 ha: 1 ha sâm Lai Châu và 1,5 ha khôi tía, sâm cau. Sau hơn 1 năm, các cây đều sinh trưởng ổn định, thích nghi tốt với điều kiện rừng tự nhiên. Nhiều cây sâm từ 3–4 năm tuổi được di thực từ Lai Châu cũng đang phát triển mạnh, ra hoa tốt.

“Chúng tôi đang tập huấn kỹ thuật chăm sóc cho các hộ dân nhận giao khoán rừng,” anh Hải chia sẻ. “Nếu mô hình thành công, đây sẽ là hướng đi bền vững để người dân có thể vừa sống dựa vào rừng, vừa bảo vệ rừng hiệu quả.”
Pù Rinh – ngọn núi cao hơn 1.200m của xã Linh Sơn là nơi vẫn còn giữ được nhiều diện tích rừng nguyên sinh, độ che phủ cao, hệ sinh thái ổn định. Sương mù bao phủ quanh năm, khí hậu mát lạnh, độ ẩm cao những điều kiện lý tưởng để phát triển các loài dược liệu quý.
Không chỉ hướng đến phát triển kinh tế, mô hình còn gắn với mục tiêu bảo tồn rừng bền vững. Theo kế hoạch, dược liệu trồng ở Pù Rinh sẽ được kết nối với khu du lịch sinh thái thác Ma Hao tại bản Năng Cát, xã Trí Nang (nay là xã Linh Sơn), tạo nên sản phẩm du lịch kết hợp y học bản địa, đồng thời tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Anh Hải tin rằng, nếu tiếp tục được đầu tư đúng mức, có sự đồng hành của chính quyền và người dân, mô hình sẽ trở thành mô hình mẫu về phát triển kinh tế dưới tán rừng. “Khi người dân nhìn thấy hiệu quả, họ sẽ tích cực hơn trong bảo vệ rừng. Khi đó, rừng không còn là gánh nặng mà là tài sản quý".