Giữa khó khăn, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Thanh Hóa vẫn giữ "phong độ" sản xuất
Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nhưng Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Thanh Hóa trong 9 tháng qua vẫn ước tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó sản xuất một số sản phẩm chủ yếu tăng mạnh...
Trong 9 tháng năm 2023, phần lớn các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh Thanh Hóa đều có sản lượng sản xuất tăng trưởng cao so với cùng kỳ; trong đó có một số sản phẩm tăng mạnh, như: Clinker tiêu thụ tăng 67,3%, dầu mỡ bôi trơn tăng 70,2%, điện sản xuất tăng 74,1%, thức ăn gia súc tăng 15,4%, dầu nhiên liệu tăng 18,1%, benzen tăng 26,5%...
Bên cạnh đó, có một số ít sản phẩm có sản lượng giảm do có khó khăn nội tại từ lâu chưa được khắc phục triệt để, như: bia, thuốc lá, thép… Việc nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn phải tạm dừng sản xuất để bảo dưỡng trong thời gian 55 ngày (từ ngày 25/8/2023) đã ảnh hưởng lớn đến sản lượng và giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa.
Nhưng, một số nhà máy khôi phục tối đa công suất sản xuất đã bù đắp cơ bản việc giảm sản lượng của các sản phẩm lọc hóa dầu như: Nhà máy xi măng Đại Dương hoạt động hết công suất trở lại từ tháng 4/2023, Nhà máy xi măng Long Sơn đã hoạt động hết công suất trở lại cả 4 dây chuyền…
Sản xuất điện năng thương phẩm dự kiến đạt 5,314 tỷ kWh (tăng 4,5% so với cùng kỳ), đạt 63,3% so với kế hoạch năm; điện sản xuất dự kiến đạt 9,142 tỷ kWh (tăng 68,51% so với cùng kỳ, đạt 111,5% so với kế hoạch). Tuy nhiên, do diễn biến thủy văn bất lợi và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên lượng nước đổ về các hồ chứa thủy điện rất thấp, làm sản lượng phát điện của các nhà máy thủy điện chỉ đạt khoảng 35 - 50% so với cùng kỳ; ngoài ra, Tổ máy số 2 của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 gặp sự cố kỹ thuật đến 05/7/2023 mới khắc phục xong đã ảnh hưởng đáng kể đến sản lượng cung cấp điện của tỉnh lên hệ thống lưới điện Quốc gia....
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Thanh Hóa trong 9 tháng năm 2023 ước tăng 7,93% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến hoạt động sản xuất công nghiệp 3 tháng cuối năm vẫn tiếp tục duy trì ổn định và tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, có một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản lượng không đạt kế hoạch (bia, đường kết tinh, tinh bột sắn, các sản phẩm vật liệu xây dựng…) nên dự kiến Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm 2023 chỉ tăng 9,5% (kế hoạch 10,2%).
Theo Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 506/QĐ-UBND ngày 28/01/2022. Thanh Hóa sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, theo hướng mở rộng và đầu tư mới, bổ sung các ngành công nghiệp nặng đi đôi với mở rộng, hiện đại hoá, tăng hiệu quả các ngành công nghiệp nhẹ. Từng bước tăng tỷ trọng các ngành sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu và xuất khẩu.
Phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như lọc hóa dầu, hóa chất, may mặc, da giày; vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm, thủy sản, chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp kim loại, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, điện tử - công nghệ thông tin có hàm lượng khoa học công nghệ cao.
Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tập trung phát triển các nhóm ngành công nghiệp sau: Nhóm ngành cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại; nhóm ngành hóa chất, cao su, nhựa; nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng; nhóm ngành thực phẩm và đồ uống; nhóm ngành dệt may, da giày; nhóm ngành chế biến lâm sản; nhóm công nghiệp chế biến chế tạo khác.
Phấn đấu phát triển ngành công nghiệp với tốc độ nhanh, bền vững, làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đầu tư kết cấu hạ tầng; xây dựng đồng bộ và nâng cao hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; triển khai nhanh các dự án trong Khu kinh tế Nghi Sơn, tạo hạt nhân tăng trưởng cho nền kinh tế toàn tỉnh phát triển.
Phát triển công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp Thanh Hóa hướng đến các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ và chuyên môn hóa cao, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ gắn kết với phát triển các ngành công nghiệp trong vùng trong khu vực và cả nước; phấn đấu Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung và cả nước, gắn với phát triển bền vững; cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía bắc của Tổ quốc. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.