15:06 11/08/2010

Giúp châu Phi trồng lúa

Liệu có nhiều doanh nghiệp Việt Nam dám xông vào thị trường châu Phi như Trung Quốc hay không?

GS. Võ Tòng Xuân cùng hai kỹ sư của VAADCO Việt Nam quan sát lúa thí nghiệm tại Amagunze, Tiểu bang Enugu, Nigeria.
GS. Võ Tòng Xuân cùng hai kỹ sư của VAADCO Việt Nam quan sát lúa thí nghiệm tại Amagunze, Tiểu bang Enugu, Nigeria.
Trong khi các cường quốc Âu Mỹ và châu Á đang tìm cách viện trợ cho châu Phi thì Việt Nam có thể giúp châu Phi xóa đói giảm nghèo bằng kỹ thuật trồng lúa miền Tây.

Tôi đến với châu Phi lần đầu tiên vào năm 1984 để tham dự hội nghị lúa nước trời tại Viện Quốc tế về nông nghiệp nhiệt đới (IITA) tại Ibadan, Nigeria. Sau đó vào tháng 1/1986 tôi lại có dịp đến Dakar, Senegal để tham dự hội nghị quốc tế lần thứ 3 về đất phèn.

Dần dần tôi được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Lương nông Quốc tế (FAO), Quỹ Quốc tế phát triển nông nghiệp (IFAD), Trung tâm Bắp và Lúa mì Quốc tế (CYMMIT), Viện Lúa Quốc tế (IRRI), Trung tâm Rừng Quốc tế (ICRAF), Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Pháp (CIRAD) mời tham dự những nhóm nghiên cứu đặc nhiệm phần lớn họp tại Kenya, Ethiopia, Madagascar.

Cho đến đầu năm 2006, Công ty BHB BmbH của Đức đề nghị tôi giúp phát triển lúa cho Cộng hòa Sierra Leone, nơi công ty đang có quan hệ mua bán. Ngày 16/3/2006 tại Hà Nội, tôi và ông Sahr Johnny, Đại sứ của Cộng hòa Sierra Leone tại Bắc Kinh, đã ký một bản ghi nhớ với sự chứng kiến của đại diện Công ty BHB BmbH, về việc cá nhân tôi sẽ đến tìm hiểu điều kiện thích hợp phát triển lúa giúp cho Cộng hòa Sierra Leone.

Tôi xin phép lãnh đạo UBND tỉnh An Giang thực hiện chuyến tìm hiểu Sierra Leone từ ngày 31/5 đến 6/6/2006 bằng tiền riêng, và được đón tiếp rất trọng thể từ Phó tổng thống Solomon E. Berewa đến Bộ trưởng Nông nghiệp, Tiến sĩ Sama Monde, và các giám đốc nông nghiệp các tỉnh được thăm viếng.

Sau chuyến đi này, thấy các quốc gia khác đang đầu tư giúp châu lục đen thoát đói giảm nghèo, tôi đã gửi báo cáo đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị bộ quan tâm giúp số kinh phí 78.150 Đô la Mỹ để thực hiện chương trình đầu tiên nước ta giúp châu Phi phát triển cây lúa theo kiểu Việt Nam.

Sau 14 tháng chờ đợi trong sự im lặng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôi đã vận động một số doanh nghiệp tư tài trợ cho chương trình giúp Sierra Leone. Công ty Long Vân 28 đã giúp tôi tổ chức một nhóm 5 chuyên gia sang Sierra Leone, bắt đầu thử nghiệm giống lúa mang từ ĐBSCL và đo đạc thiết kế phục hồi hệ thống thủy lợi trên khu đất 100 héc ta do Đài Loan thiết lập trước đây, nhưng đã bị chiến tranh tàn phá hoàn toàn.

Qua thử nghiệm tại Sierra Leone, chúng tôi đã chọn được giống lúa OM2417 năng suất 5,2 tấn/héc ta trong vòng 100 ngày, một kết quả mà giới nông nghiệp Sierra Leone rất phấn khởi, vì các giống do phương Tây giúp đều dài ngày và năng suất thấp hơn.

Một số công ty của nước láng giềng Nigeria nghe tin, đã mời tôi sang khảo sát giúp họ, thế là tôi đã sang Nigeria thăm 7 tiểu bang, rồi cũng thiết kế chương trình tương tự như ở Sierra Leone. Sau đó tôi và một số chuyên viên Việt Nam đã cùng mấy người bạn Anh quốc khác thành lập công ty VAADCO (Công ty TNHH Phát triển nông thủy sản Việt Phi), gồm VAADCO NG ở Nigeria và VAADCO VN ở Tp.HCM.

Hiện nay chúng tôi cũng đã thử nghiệm và chọn xong giống lúa thích hợp cho vùng Amagunze thuộc tiểu bang Enugu. Hai chuyên viên VAADCO Việt Nam đã nhân giống lúa trong khi chờ đợi phía Nigeria lo kinh phí để xây dựng hệ thống thủy lợi.

Cũng tương tự như thế chúng tôi đang có mặt tại Sudan, Mozambique, Rwanda, Burundi và Liberia. Trong tháng 8/2010 chúng tôi sẽ khảo sát vùng thích nghi cây lúa của Ghana và Mauritania theo yêu cầu của Công ty Nissa Development Ltd và Societe Mauritanienne d’Armement Pelagique.

Nhìn chung châu Phi đất rộng nhưng người thưa. Đất đai nhiều vùng có hệ thống thủy lợi rất tốt như vùng ven sông Nile miền Nam Sudan, vùng đồng bằng sông Niger, vùng hồ Volta (Ghana), vùng hồ Kivu (giữa Rwanda-Burundi và Đông Côngô), vùng thung lũng Zambezi (Mozambique) có thể trồng lúa giống ngắn ngày từ đồng bằng sông Cửu Long đạt năng suất trên 5 tấn/héc ta/vụ.

Tuy nhiên, nông dân của châu Phi nói chung chưa thích nghi với thâm canh, rất khó tiếp thu kỹ thuật mới. Đây là lý do tại sao phần lớn các tổ chức viện trợ quốc tế của phương Tây đưa kinh phí lớn và chuyên viên đắt tiền đến giúp châu Phi sản xuất lương thực đều không đạt mục đích một cách bền vững. Một số quốc gia đã đem công dân của mình sang châu Phi chiếm đất để trồng lúa, đang bị dư luận quốc tế lên án là “cướp đất”.

Cách làm của VAADCO Việt Nam khác hoàn toàn những tổ chức trước đây. Chúng tôi thực hiện chương trình giúp châu Phi theo bốn bước: (1) thử nghiệm xác định giống lúa thích nghi; (2) nhân giống lúa thích nghi; (3) thiết lập hệ thống thủy lợi hoặc thiết kế đồng ruộng sử dụng nước trời mưa; và (4) tổ chức sản xuất sử dụng nông dân địa phương dưới sự hướng dẫn cầm tay chỉ việc của nông dân Việt Nam. Chúng tôi tin rằng với tài nguyên đất đai rộng lớn thích hợp với cây lúa cao sản ngắn ngày, châu Phi sẽ tự túc được lương thực bằng khoa học kỹ thuật của Việt Nam.

Chương trình của VAADCO Việt Nam đã bắt đầu từ giữa năm 2006 tại Sierra Leone, từ 2008 với Nigeria, từ 2009 với Sudan và Mozambique. Đến nay Mozambique phát triển nhanh nhất, chúng tôi đang chuẩn bị nhân giống trên 300 héc ta, và hệ thống thủy lợi đang được xây dựng, vì có đầy đủ kinh phí từ tổ chức tài trợ LAP (của Libăng) giúp Mozambique qua Công ty Ubuntu AGRO, Ltd. Trong khi đó, Sierra Leone và Nigeria đang chựng lại, vì địa phương không tranh thủ được kinh phí để thực hiện hệ thống thủy lợi hoặc xây dựng đồng ruộng.

Tại Sudan, đích thân tôi trình bày với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Tiến sĩ Abdelhalim I. Almutafie, rằng VAADCO Việt Nam chỉ có kỹ thuật chứ tiền thì không. Do đó, nếu Sudan có kinh phí ban đầu để chúng tôi thực hiện các thử nghiệm chứng tỏ kỹ thuật Việt Nam áp dụng được chắc chắn thì chúng tôi sẽ kêu gọi đầu tư, vay tiền ngân hàng Sudan, để thực hiện chương trình sản xuất lúa, dùng lao động là nông dân Sudan dưới sự hướng dẫn của chuyên viên Việt Nam, bao gồm kỹ sư và nông dân chuyên môn.

Ông bộ trưởng rất ủng hộ cách làm này, vì tạo công ăn việc làm cho nông dân Sudan, một cách xóa đói giảm nghèo tuyệt vời. Do đó Sudan đã cấp kinh phí để VAADCO Việt Nam đưa chuyên viên Việt Nam sang thực hiện chương trình.

Nhưng chưa chắc bộ nông nghiệp các nước châu Phi khác “chịu chơi” như Sudan. Các nước châu Phi đã quen ngửa tay xin viện trợ nên khi hợp tác tư nhân thì vẫn còn tâm lý trông chờ kinh phí từ nơi khác chứ không đầu tư, như trường hợp Sierra Leone và Nigeria. Kinh nghiệm này cho thấy nếu Chính phủ Việt Nam có chủ trương viện trợ giúp châu Phi xóa đói giảm nghèo thì nên ký kết với quốc gia châu Phi, lập chương trình và kinh phí cho doanh nghiệp Việt Nam đưa chuyên viên sang thực hiện những bước đầu như đã nói, sau đó thì để thị trường tự điều khiển.

Từ nhiều thập kỷ nay, châu Phi đã và đang được các nước phương Tây, các tổ chức quốc tế giúp phát triển. Nhưng theo số liệu của Liên hiệp quốc, hàng năm số người nghèo và đói lại tăng thêm trên mức tỉ người. Tôi tin rằng nông nghiệp châu Phi phải được phát triển bằng một phương cách thích hợp hơn, và sẽ bắt kịp nông nghiệp các lục địa khác nếu: (1) xác định được kỹ thuật canh tác từng vùng cụ thể, (2) được tạo điều kiện và cấu trúc hạ tầng tối thiểu, và (3) nông dân được hướng dẫn trực tiếp bởi các chuyên gia.

Căn cứ kinh nghiệm của chúng tôi bốn năm qua tại châu Phi, kỹ thuật trồng lúa Việt Nam đã được chứng minh ưu việt, chuyên viên Việt Nam không quá đắt tiền mà lại chịu gian khổ hơn chuyên viên các nước khác.

Vấn đề ở đây là liệu Chính phủ Việt Nam có dành một ít ngân sách riêng của mình để viện trợ nhân đạo cho châu Phi hay không, và có nhiều doanh nghiệp Việt Nam dám xông vào thị trường châu Phi như Trung Quốc hay không?

GS. Võ Tòng Xuân (TBKTSG)