23:09 14/05/2008

Gỡ chứng khoán cầm cố: Cách nào?

Hoàng Vũ

Cổ phiếu ngân hàng chiếm khoảng 60 – 70% tổng dự nợ cho vay cầm cố chứng khoán. Gỡ được đầu mối này sẽ hạn chế áp lực giải chấp hiện nay

Thực tế hoạt động giải chấp chứng khoán cầm cố của các ngân hàng hiện vẫn chưa được thông tin cụ thể đến nhà đầu tư.
Thực tế hoạt động giải chấp chứng khoán cầm cố của các ngân hàng hiện vẫn chưa được thông tin cụ thể đến nhà đầu tư.
Cổ phiếu ngân hàng chiếm khoảng 60 – 70% tổng dự nợ cho vay cầm cố chứng khoán. Gỡ được đầu mối này sẽ hạn chế áp lực giải chấp hiện nay.

Sau kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước về tạm ngừng giải chấp chứng khoán cầm cố, hiện các giao dịch liên quan của các ngân hàng thương mại lại nằm trong hoài nghi và dè chừng của nhiều nhà đầu tư.

Đây cũng là vấn đề mà Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đánh giá là nổi bật hiện nay, góp phần đẩy thị trường đi xuống và cần được giải quyết ổn thỏa.

Khó giải chấp vì thanh khoản kém

Theo VAFI, sau kêu gọi trên, ban đầu tất cả các ngân hàng đều thực hiện tạm ngừng giải chấp chứng khoán cầm cố, tuy nhiên sau một thời gian thì có hiện tượng giải chấp thông qua việc bán cổ phiếu cầm cố từ tài khoản đứng tên các nhà đầu tư; còn trên thị trường OTC thì ngân hàng thương mại tổ chức việc bán thông qua các môi giới trung gian.

“Sở dĩ có tình trạng trên vì các ngân hàng không biết phải tạm ngừng giải chấp trong thời gian bao lâu trong khi yêu cầu đặt ra với họ là cần tổ chức thu hồi nợ đối với những cổ phiếu cầm cố đã đến hạn mà nhà đầu tư chưa có khả năng thanh toán để nhằm mục đích bảo toàn vốn”, VAFI lý giải.

Một lý do khác là Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra những giải pháp nhằm tổ chức việc giải chấp một cách có tổ chức và hiệu quả.

Cũng theo VAFI, cho tới thời điểm này việc giải chấp chứng khoán trên thị truờng niêm yết đã được giải quyết ở mức tương đối. Nhưng tại thị truờng phi tập trung, lượng chứng khoán cầm cố chưa được giải chấp nhiều, do nguyên nhân cơ bản là thị trường bị “đóng băng” và hầu như mất tính thanh khoản.

VAFI tính toán rằng, trong danh mục cổ phiếu OTC được các ngân hàng lựa chọn cầm cố, cổ phiếu ngân hàng được ưa chuộng, cổ phiếu của các ngân hàng kinh doanh hiệu quả được cầm cố chiếm khoảng từ 60% - 70% tổng số tiền cho vay.

Dự đoán, tổng số tiền mà các ngân hàng cho vay trên thị trường OTC khoảng trên 10.000 tỷ đồng. Nếu giải chấp hết lượng cổ phiếu ngân hàng OTC bị cầm cố, VAFI cho rằng có thể khẳng định thị trường chứng khoán về cơ bản đuợc hồi phục và đi vào chu kỳ phát triển bền vững, đồng thời tăng cường sức mạnh tài chính của hệ thống ngân hàng.

Nhưng ngay cả khi các ngân hàng chủ động giải chấp, không theo lời kêu gọi nói trên, cũng khó hiện thực bởi tính thanh khoản đang rất hạn chế. Vậy cách nào để gỡ khó khăn này?

“Giải phóng” nhờ lực ngoại

Liên tiếp trong tháng qua, VAFI có hai văn bản liên quan gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để đề xuất các giải pháp liên quan. Tựu trung ở kiến nghị: Cơ chế tham gia đầu tư cổ phiếu ngân hàng của nhà đầu tư nước ngoài cần thông thoáng hơn.

Theo nhận định của VAFI, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài (chủ yếu là các quỹ đầu tư) mong muốn có cơ hội mua cổ phiếu ngân hàng với tỷ lệ đầu tư thấp vào một ngân hàng (dưới 5% vốn điều lệ, thông thường họ chỉ cần mua tỷ lệ từ 0,1%- 2%). Nhưng những giao dịch này ít có cơ hội.

Nguyên do là trên thị trường niêm yết hiện chỉ có 2 ngân hàng là Ngân hàng Á châu (ACB) và Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), nhưng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (“room”) hiện đã đầy.

Đối với các ngân hang cổ phần chưa niêm yết, nhà đầu tư nước ngoài muốn mua một tỷ lệ nhỏ nhưng không có cơ hội tiếp cận vì vướng mắc thủ tục pháp lý.

Theo qui định tại Nghị định số 69/2007/NĐ-CP ngày 20/4/2007 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương mại Việt Nam, chỉ cần mua một cổ phần cũng phải xin phép Ngân hàng Nhà nước. “Đây là một rào cản lớn và thực chất là không thể có những giao dịch chuyển nhưọng giữa nhà đầu tư nước ngoài với cổ đông trong nước”, VAFI nhận định.

Sự hạn chế đó là vì họ phải làm nhiều thủ tục từ Hội đồng Quản trị của ngân hang đến việc làm thủ tục xin phép Ngân hàng Nhà nước trong khi giá trị đầu tư là không lớn (khoảng vài triệu USD). Sau khi hoàn tất thủ tục rồi (mất khoảng 6 tháng) thì liệu rằng có mua được lượng cổ phần theo giá trước đó hay không? VAFI bình luận: “Điều này không chắc chắn và đã không chắc chắn thì không đầu tư làm gì”.

Giả thiết và lập luận mà VAFI đặt ra là nếu như cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua một tỷ lệ khống chế là 5%/vốn điều lệ mà không cần làm thủ tục xin phép như trên thì chắc chắn thị trường OTC sẽ tăng tính thanh khoản.

Tính thanh khoản tăng đi cùng với một lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào các cổ phiếu ngân hàng bị cầm cố; từ đó sẽ giải phóng được cơ bản lượng cổ phiếu bị cầm cố, giảm áp lực giáp chấp đối với khả năng phục hồi chung của thị trường.

Ngoài ra, trong công văn ngày 14/5, VAFI tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình khi cho rằng nếu đề nghị mở cơ chế nói trên được chấp nhận thì nhiều ngân hàng kinh doanh hiệu quả sẽ thực hiện mua lại cổ phiếu quỹ; theo đó, lượng cổ phiếu ngân hàng thuộc diện cầm cố sẽ được giải phóng đáng kể với giá trị cao hơn nhiều so với tình trạng hiện nay.

Và bằng hình thức mua cổ phiếu quỹ trong bối cảnh giá cả hiện nay, các ngân hàng sẽ có điều kiện để hỗ trợ trực tiếp cho các cổ đông của mình, đồng thời lại có điều kiện huy động vốn dễ dàng về phương tiện thủ tục hành chính thông qua việc bán cổ phiếu quỹ cho các nhà đầu tư nước ngoài.

“Như vậy, bằng giải pháp trên, các ngân hàng thương mại cổ phần đạt được nhiều mục tiêu: Vừa thu hồi nợ nhanh chóng để chuyển vốn sang hoạt động tín dụng lại huy động được thêm vốn thặng dư, đồng thời nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu cầm cố cũng có lợi…

Ngoài ra, việc giải phóng nhanh lượng cổ phiếu ngân hàng cầm cố sẽ làm tan băng thị trường OTC, đồng thời tác động tích cực tới thị trường chính thức và như vậy tính thanh khoản của thị trường sẽ tăng lên rất nhiều”, VAFI tin tưởng.