Gỡ "điểm nghẽn" cho loạt dự án dở dang và "đội vốn" 20 lần, Đà Nẵng thúc đẩy đầu tư công tạo động lực phát triển
Trên địa bàn TP. Đà Nẵng có hàng loạt dự án siêu "đội vốn", 40 dự án dang dở và chưa triển khai. Để tạo động lực tăng trưởng đến năm 2025, đòi hỏi thành phố dồn lực vào các công trình trọng điểm, gỡ "điểm nghẽn" đầu tư công, nhanh chóng đưa các dự án vào sử dụng..
Theo kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng về “Tình hình thực hiện các dự án động lực, trọng điểm”, trên địa bàn thành phố có khá nhiều dự án “đội vốn” rất lớn so với tổng mức đầu tư ban đầu.
NHIỀU DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM SIÊU "ĐỘI VỐN", CÁ BIỆT DỰ ÁN ĐỘI GẤP 20 LẦN
Điển hình, tuyến đường vành đai phía Tây 2 dự kiến vốn đầu tư ban đầu chỉ là 87 tỷ đồng nhưng đội vốn gấp hơn 20 lần, lên tới 1.800 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dự án tuyến đường trục I Tây Bắc đoạn từ đường Hồ Tùng Mậu đến quốc lộ 1A tăng vốn từ 273 tỷ đồng lên 376 tỷ đồng, tương đương tăng 103 tỷ đồng. Đường vành đai phía Tây thành phố điều chỉnh vốn lần 1 từ 85,6 tỷ đồng lên hơn 244,5 tỷ đồng, tăng 158,8 tỷ đồng và điều chỉnh lần 2 lên 359 tỷ đồng, tăng 114,5 tỷ đồng....
Không chỉ đội vốn lớn, hầu hết các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách đều trong tình trạng chậm tiến độ kéo dài, làm tăng chi phí, kém phát huy hiệu quả sử dụng, gây lãng phí nguồn lực xã hội và nguồn tài chính công.
Đến nay, trong số 47 dự án do các Ban Quản lý dự án làm chủ đầu tư, mới có 07 dự án và 01 dự án thành phần hoàn thành. Còn lại 26 dự án đang được triển khai thực hiện và 14 dự án đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư, chưa triển khai.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố giao cho 06 Ban Quản lý dự án trực thuộc thực hiện nhiệm vụ làm chủ đầu tư 47 dự án với tổng số vốn hơn 15.957 tỷ đồng trong tổng số 51 dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố và vốn Trung ương hỗ trợ giai đoạn 2016-2020.
Điểm danh các Ban Quản lý dự án được giao làm chủ đầu tư các dự án có tổng nguồn vốn lớn.
Cụ thể, Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên với 03 dự án có tổng số vốn 6.760 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông với 15 dự án có tổng số vốn 3.611 tỷ đồng hay Ban Quản lý các dự án Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp làm chủ đầu tư 3 dự án với tổng số vốn 2.258 tỷ đồng.
BẤT CẬP TRONG THU HỒI ĐẤT, NĂNG LỰC THI CÔNG YẾU KÉM
Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng chung của các dự án sử dụng vốn đầu tư công ở Đà Nẵng bị đội vốn lớn chủ yếu là do ngay từ giai đoạn ban đầu thực hiện chủ trương đầu tư, việc phối hợp giữa các bên liên quan khi lập khái toán kinh phí đền bù giải tỏa, tái định cư của nhiều dự án còn sơ sài, không chặt chẽ, chưa sử dụng các cơ sở dữ liệu về đất đai, dân cư, đo đạc của các ngành chuyên môn...
Các Ban Quản lý dự án chỉ phối hợp bằng văn bản hành chính đến cấp quận huyện, chưa thực hiện kiểm tra hiện trường và tham chiếu các dữ liệu có liên quan dẫn đến việc khái toán kinh phí đền bù so với thực tế thiếu chính xác, gây phát sinh tăng kinh phí gấp nhiều lần, buộc phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Công tác hồ sơ quy hoạch chưa đầy đủ, còn chồng lấn ranh giới sử dụng đất, thiếu kết nối hạ tầng khu vực, phải thẩm tra, bổ sung nhiều lần làm chậm tiến độ triển khai thi công dự án.
Nhiều dự án triển khai nhưng chưa tính toán các dự án thành phần về tái định cư, khớp nối hạ tầng kỹ thuật khác như tuyến đường vành đai phía Tây, đường ĐH 2, đường ĐT 601…dẫn đến tình trạng kinh phí đền bù giải tỏa, tái định cư tăng lên nhiều lần, thậm chí một số dự án không kiểm soát được.
Việc phân bổ kế hoạch vốn cho các Ban Quản lý dự án cũng không đồng đều. Một số Ban Quản lý dự án được giao thực hiện khối lượng công việc quá nhiều, quản lý lượng vốn dự án lớn, trong khi đó có những Ban Quản lý dự án chỉ được phân bổ vốn rất ít như Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị.
Chất lượng năng lực đội ngũ tư vấn chưa cao dẫn đến tình trạng quy hoạch phải điều chỉnh nhiều lần, mỗi lần điều chỉnh qua nhiều bước, mất nhiều thời gian.
Một số đơn vị tư vấn chưa đáp ứng chuyên môn trong quá trình khảo sát, thiết kế các dự án quy mô lớn, công nghệ phức tạp có phát sinh một số hạng mục công việc không dự lường trước được, cần phải điều chỉnh bổ sung hồ sơ thiết kế cho phù hợp với thực tế để đảm bảo công năng sử dụng khi công trình hoàn thành.
Đáng quan ngại, năng lực nhà thầu thi công của nhiều dự án chưa đáp ứng yêu cầu của các gói thầu, hạng mục công trình dẫn đến việc bố trí nhân vật lực, tổ chức thi công không hợp lý làm chậm tiến độ hoàn thành công trình…
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân mang tính khách quan gây dự án chậm trễ kéo dài.
Đó là, khi thành phố giao cho các Ban Quản lý dự án làm chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về “quy định về Tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành và khu vực”, đối với Đà Nẵng, số lượng các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực hay khu vực trong mỗi năm không đều, có sự chênh lệch lớn, thậm chí chưa đúng chuyên ngành theo quy định của Nghị định 15.
Cùng với đó, một số quy định của Nhà nước về quản lý dự án, quản lý chi phí đầu tư xây dựng mới thay đổi phải cập nhật bổ sung cũng làm kéo dài thủ tục, thời gian thẩm định, phê duyệt bản vẽ thiết kế thi công.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 liên tiếp trong hai năm 2020-2021, nhiều công trình dự án phải tạm dừng thi công vì cách ly phong tỏa. Do đó, không đảm bảo nguồn cung ứng vật tư, vật liệu, nhân lực cho thực hiện các dự án.
CHẾ TÀI XỬ LÝ NGHIÊM, QUY TRÁCH NHIỆM RÕ RÀNG
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao năng lực quản lý của các Ban Quản lý dự án, đảm bảo tiến độ và chất lượng các công trình trọng điểm động lực, để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản chuyển tiếp của giai đoạn 2016-2020 và thực hiện các dự án mới giai đoạn 2021-2026, TP. Đà Nẵng cần rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, quy hoạch, xây dựng.
Đồng thời, kiến nghị với Trung ương sớm sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định chưa hợp lý, còn bất cập, chồng chéo, tạo thuận lợi và tính thống nhất trong triển khai thực hiện.
Cụ thể, việc xác định các chi phí liên quan trong bước lập chủ trương đầu tư; xem xét bổ sung quy định về giá sàn khi tham gia bỏ thầu, tránh tình trạng nhà thầu bỏ giá quá thấp dẫn đến tình trạng sau khi trúng thầu, không đủ năng lực tài chính để thi công, làm chậm trễ tiến độ công trình.
Các bộ ngành nên phân cấp cho địa phương thẩm định hồ sơ thiết kế các công trình thuộc dự án nhóm A, hiện nay đang do cơ quan chuyên môn thuộc Bộ quản lý loại công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định.
Việc phân cấp thẩm định công trình giao thông trong đô thị cho cấp Sở Xây dựng là chưa phù hợp theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP gây áp lực cho Sở Xây dựng, dẫn đến tồn đọng hồ sơ, kéo dài thời gian, chậm tiến độ dự án.
Cần quy định cụ thể về trách nhiệm giữa chủ đầu tư, Hội đồng giải phóng mặt bằng và các cơ quan, đơn vị liên quan về tiến độ, phạm vi, khối lượng trong xây dựng phương án giải tỏa đền bù và bố trí tái định cư. Đặc biệt, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong trường hợp chậm trễ giải phóng mặt bằng, phát sinh kinh phí đền bù lớn ở một số dự án dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Cùng với đó, thành phố cần chú trọng công tác thẩm tra, xem xét quyết định chủ trương đầu tư các dự án thông qua kế hoạch vốn và phân bổ các nguồn lực đầu tư. Bố trí nguồn vốn đầu tư công hiệu quả gắn với quá trình tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu thu - chi ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Xây dựng tiêu chí để giao dự án, công trình cho các Ban Quản lý dự án theo đúng chức năng, nhiệm vụ, có sự cạnh tranh dựa trên hiệu quả công tác quản lý dự án của các Ban quản lý làm cơ sở để giao nhiệm vụ.
Có chế tài xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra thất thoát, lãng phí, chất lượng kém, không hiệu quả.
Đồng thời, phân rõ trách nhiệm cụ thể giữa các Ban Quản lý với các sở, ngành quản lý chuyên môn, các đơn vị được sử dụng tài sản sau hình thành trong suốt cả quá trình từ công tác chuẩn bị đầu tư đến khi triển khai thực hiện dự án, đưa vào khai thác sử dụng nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả đầu tư.
Cùng với đó, thành phố cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đầu tư xây dựng, xử lý nghiêm những hành vi gây thất thoát, lãng phí. Nêu cao vai trò tham gia giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và cộng đồng dân cư trong quá trình triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn.
Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội của Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 260.000 - 270.000 tỷ đồng.
Trong đó, tỷ trọng vốn đầu tư công đạt 20-22% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Cụ thể, tổng nguồn vốn và phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 59.496,37 tỷ đồng. Trong đó, tổng nguồn vốn xây dựng cơ bản trong nước giai đoạn 2021-2025 là 59.166,37 tỷ đồng, tổng nguồn vốn nước ngoài (ODA) là 330 tỷ đồng.
Trên cơ sở Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực của Đà Nẵng mới được điều chỉnh được Chính phủ phê duyệt, thành phố sớm tiến hành rà soát, bổ sung danh mục các công trình trọng điểm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, ưu tiên tập trung đầu tư công vào các công trình trọng điểm, có tính đột phá và lan tỏa nhằm nhanh chóng đưa vào sử dụng, phát huy ngay hiệu quả đầu tư, không đầu tư dàn trải, gây lãng phí nguồn lực đầu tư công.